Bất động sản

Thiếu 'công cụ' xây dựng chính sách nhà ở thương mại giá thấp

Trao đổi với Thời báo Kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, cái khó nhất trong quá trình xây dựng nhà ở thương mại giá thấp của Bộ Xây dựng là không có trong tay công cụ nào liên quan, bởi từ đất đai, nguồn vốn… đều không thuộc thẩm quyền của Bộ.

Hà Nội sẽ xây dựng thêm 10 cầu vượt sông Hồng / Giải bài toán mất cân đối cung – cầu nhà ở

2-1-Bo-truong-Bo-Xay-dung-9787-160942209

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chia sẻ về những khó khăn khi xây dựng chính sách nhà ở thương mại giá thấp (Ảnh: TTXVN)

Cho đến nay cả nước mới thực hiện được 41% nhà ở xã hội trong chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, rõ ràng con số này chưa đạt được như kỳ vọng. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân do đâu?

Hiện nhà ở xã hội của Việt Nam không giống thông lệ của các nước đi theo nền kinh tế thị trường. Bởi trong khi quỹ nhà ở xã hội đã thiếu nhưng nhà xây dựng xong lại "án binh bất động" đợi phê duyệt qua bao nhiêu bước mới được bán thì đây chính là lãng phí, không đi theo quy luật thị trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam quy định người mua nhà ở xã hội có tới 11 nhóm đối tượng cũng là chưa hợp lý, đó là chưa kể đến nhiều thủ tục đi kèm từ duyệt hồ sơ được mua nhà cho đến phê duyệt giá bán nhà.

Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp ở các địa phương phản ánh về việc phê duyệt giá nhà ở xã hội để bán mà mất tới mấy tháng. Điều này rất vô lý. Bởi khi nhà đã xây xong thì phải cho bán, bán sớm càng tốt để người dân được cải thiện chỗ ở và doanh nghiệp thu tiền, có vốn thực hiện dự án mới. Những lúc này, chúng ta nên sử dụng quyền hậu kiểm, đắt thì trả lại, thiếu thì thu thêm.

Hay như các đối tượng chính sách hiện nay đều có chương trình nhà ở riêng. Ví dụ, nhà ở cho người có công là theo chương trình riêng của Chính phủ, nhà ở cho người dân vùng lũ lụt thiên tai hay hộ nghèo nông thôn, nhà ở sinh viên… cũng vậy. Các loại hình nhà ở này không nên gộp chung vào là nhà ở xã hội.

 

Được biết, Bộ Xây dựng đang xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội. Bộ trưởng có thế chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Hiện nhu cầu về nhà ở trung bình thấp chiếm 80% nhu cầu về nhà ở trong cả nước, trong khi phân khúc này lại gần như đang bỏ ngỏ. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ, ngành đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.

Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển nhà ở thương mại giá thấp - dưới 20 triệu đồng/m2. Với nhiều cơ chế đột phá như giảm thuế, giảm tiền sử dụng đất dự án, cắt bớt thủ tục thực hiện dự án... Nghị quyết này được kỳ vọng sớm tạo ra bước chuyển cho phát triển nhà ở thương mại giá thấp trong thời gian tới.

Trong đó, cơ chế thí điểm về nhà ở thương mại giá thấp sẽ là cơ sở thực tiễn để sửa đổi căn bản tư duy về phát triển nhà ở xã hội.

Vậy đâu là những "điểm nghẽn" trong quá trình xây dựng chính sách phát triển nhà ở thương mại giá thấp và cần những giải pháp gì để giải quyết câu chuyện này, thưa Bộ trưởng?

 

Theo tôi, muốn thay đổi tư duy về nhà ở xã hội thì cần phải trở lại nguyên lý thị trường, giải quyết vấn đề cung - cầu. Đòi hỏi về nguồn cung tức là thị trường cần phải có đủ quỹ nhà ở để bán với mức giá hợp lý, diện tích nhỏ, phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân. Trong đó, nhà thương mại giá thấp chính là lựa chọn phù hợp với thực tiễn bởi sẽ giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố liên quan.

Nhưng nhà thương mại giá thấp cũng đang vướng Luật. Bởi trong Luật Nhà ở chưa có loại hình nhà ở thương mại giá thấp. Những chính sách khác như về sử dụng đất, thuế… lại cũng liên quan đến một số luật khác. Nếu các luật đó không sửa thì chính sách về nhà ở thương mại giá thấp cũng không thể thực hiện được. Phát triển nhà ở thương mại giá thấp sẽ là thí điểm để lấy căn cứ thực tiễn.

Những vấn đề nào trong thẩm quyền quyết định, Bộ Xây dựng chọn cách giải quyết, xử lý ngay những vấn đề còn tồn tại. Còn liên quan đến các luật hiện hành, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo lên Chính phủ và đề xuất báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quyết định thì mới có yếu tố pháp lý thực hiện. Riêng đầu tư hạ tầng kết nối vẫn thuận lợi vì không liên quan do có thể hỗ trợ bằng cơ chế chính sách.

Liên quan đến hỗ trợ người mua nhà, Bộ Xây dựng cũng đề xuất chính sách ưu đãi. Trên thế giới nhiều quốc gia cũng hỗ trợ người dân mua nhà, đơn cử như Mỹ, họ cho người dân vay tiền mua nhà với lãi suất thấp bằng 1/4 lãi suất bình quân chung.

Hay như mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở tại Đức và quỹ tiết kiệm nhà ở của Hàn Quốc cũng dành sự hỗ trợ khá tốt cho người dân vay mua nhà.

 

Cái khó nhất của Bộ Xây dựng hiện nay là không có trong tay công cụ nào liên quan, bởi từ đất đai, nguồn vốn… đều không thuộc thẩm quyền của Bộ. Hay như việc phê duyệt dự án lại do địa phương thực hiện. Công cụ duy nhất là quy hoạch nhưng khi phê duyệt thì phải có quyết định của cả hội đồng lớn nhưng sau đó vẫn điều chỉnh được.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm