Bất động sản

Thủ tục pháp lý vẫn là rào cản lớn nhất của thị trường bất động sản

Nghị định 41/2020/NĐ - CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất thêm 1 năm chỉ giải quyết được các vấn đề trong ngắn hạn, bởi lẽ khó khăn lớn nhất đang tồn tại là vấn đề thủ tục pháp lý.

Nghịch lý nhà ở xã hội: Nhu cầu cao nhưng phát triển chưa xứng với kỳ vọng / Thách thức khi khai thác bất động sản khách sạn mùa dịch COVID-19

Trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế nói chung, và ngành bất động sản nói riêng trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Mặc dù vậy, có nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang bày tỏ mong muốn kéo dài thời gian gia hạn lên 1 năm.

Đề xuất thời gian gia hạn

Chỉ ít ngày sau khi Nghị định 41 ban hành, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có công văncông văn gửi kiến nghị lên Chính phủ về nội dung gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất một năm. Trong công văn,VNREA nói rằng, do dịch Covid -19 là sự kiện bất khả kháng, vì vậy cần áp dụng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế đối với tất cả các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong thời gian công bố dịch. Bởi việc xác định thiệt hại của từng doanh nghiệp do dịch bệnh, vừa gây khó cho cơ quan thuế, vừa làm gia tăng thủ tục hành chính.

"Đề nghị Chính phủ điều chỉnh thời hạn gia hạn nộp thuế lên 12 tháng thay vì 5 tháng và đề xuất giảm tiền thuê đất năm 2020, 2021 cho các doanh nghiệp", công văn của VNREA nêu rõ.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản Tp. HCM (HoREA) cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp BĐS và người mua nhà vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tái khởi động thị trường BĐS sau đại dịch.

Đánh giá về Nghị định 41/2020/NĐ-CP, HoREA cho rằng, đã gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhưng chưa quy định việc giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất. Do đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ:

Xem xét, chấp thuận cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án đối với doanh nghiệp có số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh trong các tháng 3-6/2020 (sau 90 ngày kể từ ngày có Thông báo nộp tiền sử dụng đất) được giãn tiến độ 5 tháng, tương tự quy định giãn thuế của Nghị định 41/2020/NĐ-CP.

Đồng thời, HoREA đề nghị xem xét, chấp thuận cho cá nhân, hộ gia đình cũng được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng, khi hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.

Tăng thời hạn giãn nộp thuế 1 năm chỉ giải quyết được vấn đề trong ngắn hạn, khó khăn lớn nhất vấn là vấn đề thủ tục pháp lý (Ảnh: Internet)

Tăng thời hạn giãn nộp thuế 1 năm chỉ giải quyết được vấn đề trong ngắn hạn, khó khăn lớn nhất vấn là vấn đề thủ tục pháp lý (Ảnh: Internet)

Tồn tại thủ tục pháp lý

Liên quan đến vấn đề này, Ts. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam nhận định, việc các doanh nghiệp BĐS mong muốn Chính phủ gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuế đất, về bản chất phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp khi phải trực tiếp chịu tác động kép của nền kinh tế bao gồm khó khăn pháp lý và ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Mặc dù vậy, Nghị định 41 của Chính phủ sẽ phát huy tác dụng đối với những doanh nghiệp BĐS đã và đang có các dự án được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, còn với các dự án đang chờ hoàn thiện giấy tờ pháp lý thì việc gia hạn thời gian nộp thuế chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

“Ở một khía cạnh khác, đề nghị tăng thời hạn giãn nộp thuế thêm 1 năm chỉ giải quyết được các vấn đề trong ngắn hạn, bởi lẽ khó khăn lớn nhất đang tồn tại là vấn đề thủ tục pháp lý”, Ts. Khương nhấn mạnh.

 

Vị giám đốc này cho rằng, mặc dù các chính sách của Chính phủ đưa ra rất kịp thời, nhưng Chính phủ cũng nên có những hình thức và biện pháp hợp lý để đánh giá một cách tổng quan cũng như chi tiết các kiến nghị do các doanh nghiệp đề xuất. Bên cạnh đó, Chính phủ nên xem xét, giải quyết một cách triệt để vấn đề pháp lý và thủ tục của dự án mới, để có thể hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong trung và dài hạn.

Ts. Sử Ngọc Khương đánh giá, đối với các doanh nghiệp BĐS, thời gian này cũng là một phép thử đánh giá thực chất về năng lực quản trị tài chính, năng lực quản trị khủng hoảng để giúp cân đối tiềm lực của bản thân chính doanh nghiệp.

Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, do vậy mà khi thị trường gặp các biến cố lớn, họ sẽ phải chịu những tổn thất về tài chính một cách tiêu cực.Đối với những nhà đầu tư cá nhân trong thời điểm này cần cân nhắc yếu tố vốn, vì liên quan đến công việc, đến việc giảm lương nhân viên… kéo theo việc hạn chế, sụt giảm chi tiêu và nhu cầu mua sắm bất động sản.

Còn đối với những nhà đầu tư có năng lực về tài chính, đây hoàn toàn có thể là một cơ hội cho họ. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc tới những kế hoạch dài hơi hơn, sau khi dịch qua đi, sức khỏe của nền kinh tế cũng như của toàn thị trường sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để hồi phục.

TS. Sử Ngọc Khương nhận định, mặc dù Chính phủ kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, tuy nhiên, tất cả các hoạt động kinh doanh chưa thực sự trở lại bình thường. Hơn nữa, Việt Nam cũng còn phải phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh của cả thế giới. Do vậy, trong lĩnh vực BĐS, sức mua trong nước được dự đoán chưa thể thay đổi theo chiều hướng tíc cực.

 

"Tôi cho rằng, tới cuối năm 2020 khi đại dịch đã được hoàn toàn kiểm soát tại Việt Nam và trên toàn thế giới, nền kinh tế sẽ trở lại ổn định, sau đó sẽ dần phát triển và sẽ có những tín hiệu khả quan vào đầu hoặc giữa năm 2021." TS Khương nói.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm