Bầu Hiển tiết lộ kế hoạch của hai dự án 'khủng' ở Hà Nội
Tạo ra hai biểu tượng cho Hà Nội
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T vừa có chia sẻ với báo chí về định hướng phát triển của T&T, đặc biệt là hai dự án lớn mà ông Hiển và T&T đang xúc tiến là tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và mở rộng, xây mới sân vận động Hàng Đẫy.
Thông tin về việc T&T tham gia hai dự án này được công bố trong chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây thông qua việc T&T đã ký với Tập đoàn Bouygues biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư hai dự án này.
Dự án đường sắt đô thị số 3 nối trung tâm TP Hà Nội tới thị xã Sơn Tây (theo hướng Nhổn, Trôi, Phùng-vành đai 4-Thị xã Sơn Tây) với tổng chiều dài 31.1 km, trị giá khoảng 1,4 tỷ Euro. Ông Hiển cho hay, dự án sẽ được khai theo hình thức: PPP (hợp tác công – tư), hợp đồng BT; tức là nhà nước sẽ bỏ tiền mua tàu và vận hành quản lý kinh doanh, doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư hạ tầng và được nhà nước đối ứng bằng quỹ đất. Dự án đã được Tổng công ty tư vấn GTVT (Tedi) vạch ra hướng tuyến, vị trí ga. Quá trình thực hiện sẽ triển khai theo giai đoạn phù hợp với nhu cầu thực tế.
Với dự án sân vậy động Hàng Đẫy, ông Hiển cho biết, dù đây là sân nhà của Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội nhưng Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) từng không cho phép CLB Hà Nội sử dụng sân này làm sân nhà trong giải đấu của AFC vì quá xuống cấp. Với tư cách là “ông bầu” của câu lạc bộ này, ông Hiển muốn tạo cho đội bóng một “căn cứ” xứng tầm.
Ngoài ra, T&T muốn biến nơi đây thành một trung tâm thể thao, văn hoá, thương mại lớn của Hà Nội. Theo đó, T&T đã đề nghị giải phóng thêm một số công sở xung quanh để tạo ra quỹ đất 30 ha để thực hiện.
Dự án sẽ bao gồm 4 tầng hầm, 2 tầng nổi, sân bóng sẽ nằm trên 2 tầng nổi. “Cái quan trọng nhất ở đây là giao thông nên chúng tôi thuê riêng một nhà thiết kế hạng mục này. Dự án có 4 tầng hầm, kết nối với ga đường sắt Cát Linh – Hà Đông nên sẽ đảm bảo chỗ gửi xe, lưu thông tốt” – ông Hiển nói.
Có đấu thầu hay không?
Theo ông Hiển, dự án đường sắt đô thị số 3 của Hà Nội là dự án có qui mô trên 10.000 tỷ đồng nên sẽ phải trình Quốc hội. Hiện UBND TP.Hà Nội yêu cầu T&T lập dự án để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới.
Tuy nhiên, trước tình hình các dự án BOT, BT thời gian qua gây nhiều bức xúc, đặc biệt là các bức xúc phát sinh từ cơ chế chỉ định thầu, dự án này có thể sẽ được các đại biểu quốc hội yêu cầu đấu thầu.
Về nội dung này, ông Hiển cho hay, về cơ bản, Hà Nội đã đồng ý cho phép T&T làm chủ đầu tư, trường hợp Quốc hội buộc đấu thầu “T&T sẵn sàng” – ông Hiển cho hay.
Về dự án mở rộng, xây mới sân Hàng Đẫy, ông Hiển cho biết sẽ được thực hiện theo hình thức nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất vì đây là công trình văn hoá, thể thao, phục vụ cộng đồng.
Hiện chưa có thông tin về việc dự án này có phải đấu thầu hay không. Tuy nhiên, ông Hiển cho biết, khi dự án hoàn thành, các dịch vụ văn hoá thể thao mà nhà nước kiểm soát giá, T&T sẽ tuân thủ hoàn toàn.
Ông Hiển cho biết, Bouygues là tập đoàn đầu tư, xây dựng hàng đầu của Pháp (từng xây dựng dự án tàu điện, sân vận động quốc gia Pháp – Stade de France) nên sẽ đảm đương tốt vai trò thiết kế, thi công dự án. Đặc biệt, Bouygues đã chấp nhận cùng bỏ tiền đầu tư dự án cùng T&T. Ông Hiển cho hay, lợi nhuận, quỹ đất tại hai dự án nêu trên không phải là lợi ích lớn nhất mà Tập đoàn T&T nhận được sau khi tham gia ký kết hợp tác với Tập đoàn Bouygues của Pháp. Theo ông, việc hợp tác thành công giữa hai doanh nghiệp Việt Nam – Pháp sẽ mở ra một xu thế mới là tạo cơ hội đầu tư vào Việt Nam cho các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo