Doanh nghiệp - Doanh nhân

Bầu Hiển: "Tôi muốn nhân viên sống được bằng lương, làm giàu bằng thưởng"

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Tập đoàn T&T cho rằng, việc của người lãnh đạo chỉ là tạo cơ chế thúc đẩy sự sáng tạo để từ đó gia tăng thu nhập cho nhân viên.

Với nhiều người hâm mộ bóng đá, ông được biết đến như một “ông bầu" có công nuôi dưỡng nhiều lứa cầu thủ. Còn với giới kinh doanh, ông là linh hồn của nhiều nhân viên khi là Chủ tịch Ngân hàng SHB, Tập đoàn T&T... Vậy rốt cuộc, "bầu" Hiển đang quản lý bao nhiêu con người?

Nếu tính cả lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, sản xuất... thì tổng số nhân viên của tôi là gần 50.000 người, trải dài trên toàn quốc và ở một số nước như Mỹ, Đức, Lào, Campuchia, Myanmar... nơi mà SHB và T&T hiện diện. Tôi luôn tâm niệm, thành công của một doanh nghiệp không phải nhờ người đứng đầu, mà là từ các cộng sự, cán bộ nhân viên phía dưới. Do đó, trong kinh doanh, tôi hiểu nhiệm vụ của "bầu" Hiển chính là phải đảm bảo đời sống cho 50.000 con người đó.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng SHB.

Ông thấy sao, nếu mọi người hiểu "đảm bảo đời sống" nghĩa là ông Hiển trả lương cho hàng chục ngàn nhân viên rất cao và thưởng rất nhiều, đặc biệt là ở SHB?

Tôi luôn nói với các nhân viên của mình là thu nhập của các bạn do các bạn trả. Đừng ai nghĩ thu nhập là do ông chủ tịch như tôi hay ông tổng giám đốc quyết định. Việc của người lãnh đạo chỉ là tạo cơ chế thúc đẩy sự sáng tạo để từ đó gia tăng thu nhập cho nhân viên.

Tôi luôn muốn nhân viên của mình sống được bằng lương, làm giàu bằng thưởng. Như ở SHB, tôi mong có những nhân viên kinh doanh có thu nhập tiền tỷ, bởi như vậy là các đơn vị có thể lãi hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Thực tế, có những đơn vị đã được thưởng rất lớn.

Vậy kế hoạch thưởng Tết năm nay cụ thể như thế nào, thưa ông?

Giờ còn quá sớm để có kế hoạch thưởng Tết chi tiết, nhưng kết quả kinh doanh của SHB năm nay rất tích cực. Tạm thời tôi chỉ có thể khẳng định, nhân viên SHB sẽ có ít nhất 17 tháng lương tính theo năm.

 

Như mọi năm, mỗi quý sẽ có thưởng ít nhất một tháng lương và tất cả nhân viên có thêm tháng lương thứ 13. Ngoài ra, tuỳ từng đơn vị, cá nhân, theo hiệu suất làm việc và kết quả kinh doanh, có thể được thưởng nhiều hơn. 

Gần đây, T&T đã lấn sân sang cả bất động sản. Vậy ông mong muốn gì trong lĩnh vực bất động sản và định hướng với các doanh nghiệp đang kinh doanh của mình như thế nào?

Ông Đỗ Quang Hiển vừa được Enterprise Asia - tổ chức phi chính phủ hàng đầu châu Á trao Giải thưởng "Doanh nhân châu Á năm 2017". Giải thưởng này từng được trao cho các tỷ phú hàng đầu châu Á như ông Kobchai Chirativat, Chủ tịch Tập đoàn Central Group (Thái Lan); tỷ phú Quek Leng Beng (Singapore); ông Rahul Bajaj, Chủ tịch Tập đoàn Bajaj (Ấn Độ); tỷ phú Hui Wing Mau (Trung Quốc).

Tầm nhìn của tôi từ trước đã là muốn xây dựng một tập đoàn công nghiệp, tài chính và bất động sản. Rõ ràng, so với cách đây chục năm, các lĩnh vực của T&T đã mở rộng rất nhiều, không chỉ là thương mại, công nghiệp, mà còn có cả nông - lâm nghiệp công nghệ cao. Chúng tôi cũng tham gia lĩnh vực y tế, giáo dục để phát triển dịch vụ chăm sóc cộng đồng.

Thực ra, bất động sản không phải bây giờ T&T mới làm, mà đã bắt tay từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, một số dự án của T&T gần đây mới tung ra thị trường.

 

Với bất động sản, chúng tôi sẽ hướng vào cả phân khúc trung lẫn cao cấp, đồng thời nhận làm cả một số dự án nhà ở xã hội của TP. Hà Nội. Nếu như SHB đã lọt Top 10 ngân hàng hàng đầu Việt Nam, thì với lĩnh vực bất động sản, tôi cũng kỳ vọng T&T sẽ có vị trí tương tự.

Ông vừa được nhận Giải thưởng "Doanh nhân châu Á năm 2017", một giải thưởng uy tín của Enterprise Asia. Tổ chức này đánh giá cao ông ở tiêu chí "có năng lực quản trị doanh nghiệp xuất sắc". Với việc đang điều hành cùng lúc ngân hàng lẫn doanh nghiệp, ông có kế hoạch điều chỉnh như thế nào để đáp ứng các thay đổi trong quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới đây?

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 đưa ra một vài thay đổi, trong đó có quy định, cá nhân là chủ tịch ngân hàng không được đồng thời kiêm nhiệm vị trí chủ tịch hay tổng giám đốc một doanh nghiệp khác.

Với trường hợp của SHB và T&T, tôi xác định sẽ tiếp tục là Chủ tịch HĐQT của ngân hàng và thôi vị trí đứng đầu tại các doanh nghiệp.

Thực ra, trong quản trị, nhà quản trị giỏi là phải xây dựng được một hệ thống và các cấp quản lý tốt, chạy trơn tru ngay cả khi không có mặt mình.

 

Với các doanh nghiệp tôi đang quản trị, nhiều năm qua, dù giữ chức danh chủ tịch hay tổng giám đốc, nhưng thực ra, tôi không dành quá nhiều thời gian điều hành trực tiếp. Có thời điểm, tôi dành toàn bộ thời gian ngồi ở SHB và cả một, hai tháng liền không sang T&T, song mọi việc vẫn ổn.

Vì vậy, với cả SHB và T&T, hay một số đơn vị khác, khi tôi đáp ứng quy định mới của Luật, thì hoạt động của các bên sẽ không bị ảnh hưởng gì.

Nên đọc
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo