Bếp lửa trong đời sống văn hoá tâm linh của người Dao Khâu
Người Dao khâu ở Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, có quan niệm: nhà ba gian hai trái, bếp ba chiếc. Trong ngôi nhà trình tường của bất kỳ người Dao Khâu nào, ba chiếc bếp được đặt ở những vị trí khác nhau trong nhà với những quy định, kiêng kị hết sức nghiêm ngặt. Chiếc bếp to được đặt ở bên trái nhà là bếp đầu tiên nhìn từ ngoài cửa vào. Bếp này, theo tên gọi người Dao là “Tồm dố”. Đó là một chiếc bếp lò to được đắp bằng đất sét, thường bắc chảo to dùng để nấu cám lợn, nấu rượu, nấu bánh, nấu nước tắm. Chiếc bếp thứ hai được đặt ở phía trong trái nhà, cũng được đắp bằng đất thành lò và nhỏ hơn, được gọi là “ Dồ ton”. Bếp này được sử dụng để nấu ăn, phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Chiếc bếp thứ ba nằm ở trái nhà bên phải, bếp không đắp thành lò mà được tạo thành khuôn hình tròn dễ nhóm củi. Bếp này là dùng để đun nước làm bếp sưởi hay còn gọi là “ Dồ lao”. Trong 3 bếp, bếp thứ 2 quan trọng nhất, được coi là bếp thiêng.
Trong sách cúng bếp của người Dao Khâu, bếp này gọi là vua bếp, còn trong đời sống hằng ngày người Dao Khâu quan niệm đây là nơi ngự của thần bếp. Vì thế tại bếp lửa này không được đứng, ngồi lên hay mắng chửi nói xấu bếp. Bà Tẩn Coai Loàng ở bản Hoàng Hồ, xã Phăng Xô Lin, huyện Sìn Hồ, cho biết: “Bếp lửa này là nơi ngụ của thần bếp do vậy nấu ăn phải sạch sẽ, người Dao Khâu còn rất kiêng kị, không được mang tã của trẻ sơ sinh lại gần bếp hơ, phụ nữ không được ngồi trực diện cửa bếp. Người lớn trong nhà phải dăn dạy con cháu để mai sau chúng biết được cái lý, cái văn hoá của dân tộc mình”.
Để làm bếp lửa thứ hai thật chu toàn, không phạm đến đấng thần linh, người Dao Khâu phải chọn ngày lành tháng tốt. Thường thì các ngày 9, 19, 29 Âm lịch hàng tháng hoặc từ tháng 12 trở đi đến hết tháng hai Âm lịch là các ngày có thể đắp bếp, làm mới vì bà con cho rằng những ngày đó thần bếp sẽ về chầu trời. Khi đắp bếp phải chọn đất tốt và chuẩn bị sẵn 4 tấm ván gỗ dài 1m, rộng 60 cm để tạo thành khuôn. Bếp hình chữ nhật cao 50 phân được hình thành khi được khoét hai lỗ đặt nồi nấu ăn và hai cửa bếp được khoét vừa phải, kín gió khi đun mới không tốn củi. Bếp lò của người Dao khâu có thể dùng được 15 đến 20 năm. Chị Chẻo Nái Mềnh ở bản Tả Phìn, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, cho biết: "Làm bếp lò, gia đình tôi phải chọn ngày lành để đắp bếp. Đắp bếp phải chọn loại đất sét màu vàng mịn, không lẫn sỏi đá để làm bếp như vậy mới dùng được lâu dài, đất mà có lẫn sỏi thì khi đốt lửa hay bị nứt bếp do đá nổ. Có làm cầu kỳ như vậy bếp mới không tốn củi và dùng được lâu dài, mới mong thần bếp phù hộ gia đình con cháu mạnh khoẻ, ấm no” .
Trong sinh hoạt hằng ngày của người Dao Khâu, tất cả những việc trọng đại của gia đình đều được tổ chức ở gian bếp thứ 2 này. Người Dao Khâu cho rằng nếu không kiêng kị tốt thì gia đình dễ gặp những điều không may mắn. Đặc biệt trong dịp Tết, bếp này phải luôn đỏ lửa, qua hình tượng lửa cháy và than đỏ tượng trưng cho đôi mắt tổ tiên thường xuyên phù hộ cho gia đình. Chính vì lẽ đó, cứ vào sáng mồng một Tết mọi gia đình người Dao đều thắp hương, dán giấy cúng tạ thần bếp tại cửa gian bếp này. Nói về sự độc đáo của bếp lửa của người Dao Khâu, ông Tẩn Kim Phu, nghệ nhân nghiên cứu văn hoá Dao tại huyện Sìn Hồ cho biết: “Ở Sìn Hồ, kiểu đắp bếp lò này chỉ mỗi có mỗi dân tộc Dao Khâu, kiểu bếp này không chỉ tiện trong sinh hoặt mà nó còn mang ý nghĩ tâm linh sâu sắc trong cộng đồng. Đó là một nét văn hoá riêng có của đồng bào Dao khâu đã có từ lâu đời.Cho dù ngày nay có bếp ga, bếp điện tiện lợi hơn nhiều . Nhưng bà con vẫn thích và có thói quen sử dụng bếp lò của dân tộc mình".
Quan niệm nhà ba gian, hai trái, bếp ba chiếc vẫn được người Dao Khâu ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu gìn giữ cho đến ngày hôm nay. Mỗi góc bếp đều có những luật tục thể hiện trong đó là văn hoá rất riêng không lẫn với bất cứ dân tộc nào khác. Khi mỗi dịp Tết đến gia đình người Dao Khâu lại quây quần bên bếp lửa. Quanh những câu chuyện bên bếp lửa, rất nhiều áng sử thi, những câu truyện cổ, những làn điệu dân ca của người Dao Khâu được họ truyền từ đời này qua đời khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vợ Xuân Bắc sinh năm bao nhiêu, quê ở đâu?
Tại sao Củng Lợi cuối cùng chọn cưới một người Pháp 70 tuổi và trở thành vợ thứ tư của ông ta? Cô muốn gì?
Vì thất tình mà nhận đóng 'phim cấp ba', nổi tiếng xong quay ra hối hận, hiện tại nắm trong tay hơn 355 tỷ nhưng vẫn lẻ bóng
Cô 21 tuổi nổi tiếng toàn quốc, 43 tuổi có khối tài sản lên đến hơn 355 tỷ đồng, từng để Lưu Hiểu Khánh làm vai phụ, hiện tại ra sao?
Không có filter Triệu Lệ Dĩnh mặt đầy mụn, Ân Đào nhìn không đành lòng, thăng trầm cuộc đời của Dương Mịch cũng không che đậy được
Sao nữ 'Cổng mặt trời' có cuộc sống thế nào sau khi chia tay chồng đạo diễn nổi tiếng?