Bí ẩn chưa biết về số phận bi thảm của thái giám từ nghĩa địa nơi ngôi cổ tự ở Huế
Ngôi cổ tự mà chúng tôi nói đến là chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Ngôi cổ tự này ban đầu chỉ là một am nhỏ có tên Thảo Am Đường của hòa thượng Thích Nhất Định – nguyên là tăng cang của chùa Giác Hoàng trong hoàng cung nhà Nguyễn lập nên để tu hành và phụng dưỡng mẹ già.
Hòa thượng mua cá về nấu cháo
Tương truyền hòa thượng Thích Nhất Định là một người con vô cùng hiếu thảo. Có câu chuyện kể lại rằng, trong phụng dưỡng mẹ già tại Thảo Am Đường thì mẹ của Hòa thượng Thích Nhất Định bị mắc bệnh nặng.
Để mẹ mau khỏi bệnh, hòa thượng Thích Nhất Định hằng ngày phải chống gậy vượt 5km đường rừng ra chợ để tìm cá tươi về nấu cháo cho mẹ già. Nhiều người thấy vậy mà bàn tán khi cho rằng, người tu hành mà suốt ngày sát sinh và ăn mặn.
Câu chuyện được đồn đến tai vua Tự Đức, nhà vua liền sai người đến tìm hiểu thì thấy, hòa thượng Thích Nhất Định hằng ngày vẫn nấu cháo cá nhưng là để cho mẹ già còn ngài thì vẫn ăn chay và một tâm tu hành.
Khi được nghe thuật lại câu chuyện này, nhà vua rất cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của Hòa thượng Nhất Định. Sau khi hòa thượng Thích Nhất Định qua đời, năm 1848 Thảo Am Đường được mở rộng thành chùa và được triều đình, các quan thái giám và các phật tử cúng tiến, công đức.
Khi ngôi chùa hoàn thành, nhớ đến câu chuyện hòa thượng Thích Nhất Định bất chấp điều tiếng mua cá về nấu cháo phụng dưỡng mẹ già nên vua Tự Đức đã đặt tên ngôi ngôi chùa này là “Từ Hiếu Tự”.
Hiện trong chùa Từ Hiếu vẫn còn tấm văn bia có đoạn: “Từ là đức lớn của Phật, nếu không Từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại; Hiếu là đầu hạnh của Phật, nếu không Hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời”. Có nghĩa, Từ là để dạy thiên hạ cái đạo làm cha và Hiếu để dạy thiên hạ cái đạo làm con.
Chùa Từ Hiếu hiện tại được xây theo lỗi chữ “Khẩu” với ba gian hai chái truyền thống tạo thành tổng thể khép kín. Gian chính điện là nơi thờ Phật còn phía sau là nơi thờ tổ. Ngày nay, nhiều người tìm đến chùa Từ Hiếu không chỉ vì nó là cổ tự bậc nhất xứ Huế mà còn vì cảnh sắc ở nơi này.
Chùa Từ Hiếu nổi tiếng là có cảnh sắc hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên bởi chùa nằm giữa khu rừng thông quanh năm rợp bóng. Cùng với đó là hệ thống ao, hồ nước nhân tạo được các bậc tu hành tạo dựng suốt hàng trăm năm đã tạo ra vẻ sơn thủy hữu tình cho ngôi cổ tự này. Vào các ngày hè, nhiều bạn học sinh, sinh viên đã chọn Từ Hiếu là điểm đến lý tưởng để ôn bài vì không gian yên tĩnh và mát mẻ.
Bí ẩn khu nghĩa địa thái giám
Nhiều du khách khi đến thăm quan chùa Từ Hiếu rất ngạc nhiên khi thấy một khu nghĩa địa rộng chừng 1.000 m2. Nói về khu nghĩa địa này là cả một câu chuyện dài về thân phận hẩm hiu của những thái giám triều Nguyễn khi về già.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thái giám ra đời từ thời Tây Chu ở Trung Quốc. Để được vào cung, các thái giám phải bị loại bỏ sinh thực khí để tránh “tòm ten” với các phi tần của vua.
Các thái giám cũng phải bảo quản phần “của quý” bị cắt một cách rất cẩn thận vì nếu làm mất sẽ bị chém đầu. Mỗi lần được thăng quan tiến chức, các thái giám cũng phải đem phần “của quý” được bảo quản ấy cho nhóm người có địa vị trong triều đình xem.
Cũng như nhiều triều đại phong kiến ở Việt Nam, thời nhà Nguyễn cũng tuyển dụng thái giám vào cung để phục vụ. Trung bình, mỗi đời vua nhà Nguyễn có khoảng 200 thái giám. Thông thường có 2 nguồn để tuyển thái giám, một là “giám sinh” và 2 là những người con nhà nghèo phải để con vào cung cắt bỏ “của quý” làm thái giám.
“Giám sinh” có nghĩa là người sinh ra đã ái nam ái nữ. Thời đó, ở bất cứ làng nào tại Huế nếu sinh được giám sinh thì đó là phúc của cả một làng. Các giám sinh thời Nguyễn thường được gọi là ông Bộ. Khi giám sinh được tuyển vào hoàng cung, nhà vua sẽ ban thưởng bổng lộc. Tuy nhiên, nếu có giám sinh mà không khai báo thì sẽ bị phạt rất nặng.
Các thái giám sẽ sống suốt đời trong cung đến cuối đời, khi về già họ sẽ nằm chờ chết tại tòa nhà phía Bắc Hoàng thành, gọi là Cung giám viện chứ không được chết ở trong cung. Hiểu được kết cục bi đát ấy, nên nhiều thái giám đã dành giụm tiền từ lúc còn trẻ khỏe để tìm nơi chôn cất cho chính mình lúc chết và khu nghĩa địa thái giám triều Nguyễn ở chùa Từ Hiếu ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Tương truyền, trong quá trình mở rộng Thảo Am Đường thành chùa Từ Hiếu có sự đóng góp không nhỏ của một thái giám nhà Nguyễn có tên Châu Phước Năng. Có lẽ cũng vì thấu hiểu số phận hẩm hiu khi chết nên vị thái giám này đã nhắm chùa Từ Hiếu là nơi an nghỉ cuối cùng của đời mình.
Theo đó, vị thái giám này đã kêu gọi các thái giám trong triều đình quyên góp mở rộng Thảo Am Đường để sau này có nơi yên nghỉ và việc làm này cũng được vua Tự Đức chấp thuận. Do có công đóng góp xây dựng chùa nên khi chết các vị thái giám này được chôn cất tại một quả đồi nhỏ nằm cạnh chùa Từ Hiếu. Vì sự hiện diện của khu lăng mô này mà chùa Từ Hiếu còn có một tên gọi khác là chùa Thái Giám.
Hiện nay, toàn bộ khu lăng mộ thái giám kể trên có 25 ngôi mộ, trong đó có 2 mộ gió (có mộ nhưng không có thi hài). Trong tổng số 25 ngôi mộ thì có 21 ngôi mộ có thể đọc được chữ trên bia, đặc biệt là ngôi mộ số 22 chữ trên bia còn khá rõ: "Hoàng triều cung giám viện, quảng vụ Nguyễn Hầu, quê ở thôn Nhi, Hà Nội, mất tháng giêng năm Khải Định thứ 5".
Trong khu mộ này cũng có một bia đá khắc nội dung nói về số phận hẩm hiu của các thái giám lúc về già: “Khi còn sống chúng tôi nương nhờ cửa Phật, mà khi chết thì biết nương nhờ vào đâu? Nhận thấy rằng phía Tây thành có một miếng đất nên lấy gạch xây thành để có nơi thờ cúng về sau, gần với Phật mới là nơi thờ tự lâu dài, bằng hữu ốm đau có nơi chữa bệnh, ai nằm xuống có nơi để mà tống táng...”.
Đại đức Thích Từ Hải (tu hành tại chùa Từ Hiếu) cho biết: “Ngày trước nơi chôn cất của các vị thái giám ít người biết đến nên hoang vu lạnh lẽo. Hằng năm cứ đến đầu tháng 11 âm lịch, chùa lại tổ chức hiệp kỵ, cúng viếng cho các vị thái giám. Gần đây, nhiều người đã quan tâm hơn đến những phần mộ này. Nhiều người xót thương cho số phận những vị thái giám nên khi tới chùa cũng đến thắp hương tỏ lòng thương cảm”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tỷ phú Mỹ tuyên bố quay lưng với Đàm Vĩnh Hưng vì vụ kiện 'mất vài ngón chân', Mr.Đàm tỏ thái độ lạ
Thanh Thuỷ vừa đăng quang Hoa hậu Quốc tế đã lộ giấy đăng ký kết hôn?
Vợ cũ đại gia của Đàm Vĩnh Hưng tỏ thái độ sau khi nam ca sĩ kiện tỷ phú Mỹ vì đứt lìa vài ngón chân
Ai là người đưa vụ kiện của Đàm Vĩnh Hưng lên mạng xã hội? Lý do thật sự khiến Mr.Đàm đứt vài ngón chân là gì?
NS đầu tiên ra mặt hé lộ về vụ Đàm Vĩnh Hưng bị đứt vài ngón chân, tuyên bố sẽ làm chứng trước tòa
Sốc với cảnh Kim Nhã hôn cả nam và nữ, sự thật sau tin đồn yêu đồng giới ra sao?