Phần cột đá hình vuông, phía trên hình tròn chạm nổi đôi rồng phong cách thời Lý chứa đựng nhiều điều bí ẩn trên dãy núi Lãm Sơn (TP. Bắc Ninh) mới được công nhận là bảo vật Quốc gia.
Cột đá chạm rồng uy nghi và bí ẩn ở chùa Dạm nằm trên dãy núi Lãm Sơn (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) có niên đại từ thế kỉ XI mới được công nhận bảo vật Quốc gia năm 2017.
Đại Lãm Thần Quang Tự là tên chữ của chùa Dạm, ngôi chùa 1.000 năm tuổi nằm trên dãy núi Lãm Sơn được xây dựng từ thời Lý. Đến thời Lê, chùa được trùng tu với quy mô trên 100 gian. Tuy nhiên, chùa đã bị hư hỏng nặng do thời gian và chiến tranh. Hiện chùa đang được xây dựng lại khang trang, hoàng tráng.
Chùa Dạm được xây dựng trên diện tích trên 2 mẫu Bắc Bộ, với 4 cấp cao dần lên đỉnh núi. Các cấp nền đều có xếp đá lớn chống xói lở, cao tới 6-7m. Ngôi chùa này cũng từng được gọi là chùa Trăm Gian, vì chùa rất rộng lớn, với hàng trăm gian nhà.
Cấp nền thứ 2 là nền chùa chính. Đây cũng là nơi lưu giữ những di tích quan trọng nhất, đứng nhìn xuống là cảnh non nước mênh mông.
Nổi bật trên nền chính là cột đá uy nghi và bí ẩn. Đây là một cột đá lớn nguyên khối được dựng trên bệ tròn cao 1m, đường kính khoảng 4,5m. Tổng chiều cao của cột đá là 5m.
Cấu trúc cột gồm 2 thớt khối, tượng hình vuông tròn trời đất. Khối gốc như hộp vuông tiết diện, cạnh 1,4 m và 1,6m. Khối ngọn trụ trì, đường kính khoảng 1,3m.
Độc đáo dưới khối trụ tròn chạm nổi là đôi rồng phong cách thời Lý với mào bốc lửa, bờm thành búi như cờ đuôi nheo bay lướt, thân tròn lẳn uốn khúc, chân năm móng.
Thân rồng to, mập uấn khúc quanh cột mang đậm phong cách thời Lý. Đây là đôi rồng còn sót lại cho đến ngày nay.
Bệ cột được trạm hoa văn sóng ước đặc trưng thời Lý.
Trên cột đá có nhiều nét chạm trổ tinh xảo. Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về ý nghĩa của cột đá chùa Dạm. Có nhà nghiên cứu cho rằng, những cột đá này là biểu tượng sinh thực khí Linga và Yoni đã được Việt hóa, mang mơ ước mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no thịnh trị. Có ý kiến cho rằng cột đá mang dáng dấp của cột chùa Một Cột.
Hoà thượng Thích Thanh Dũng, trụ trì chùa Hàm Long kiêm chùa Dạm cho biết: “Cột đá khổng lồ có rất nhiều giả thuyết khác nhau mà cho đến nay chưa có một kết luận thuyết phục chính xác nhưng các nhà khoa học tìm hiểu say mê, đó là làm cách nào mà người xưa, với công cụ thô sơ đã vận chuyển được khối đá khổng lồ này lên gần đỉnh núi Dạm”.
Nên đọc
Theo Dân Việt