Văn hóa

Bí ẩn làng của những người Mường bắt được 'sóng' của kiếp trước

Gần đây nhất là 4 trường hợp được ghi nhận có những tư duy lạ lùng về nguồn gốc của mình, mà theo dân gian thì gọi là "kiếp trước".

Dù trước đây tôi không hề tin vào thuyết luân hồi nhưng những lời do người trong cuộc kể không khỏi khiến cho lưng tôi như có một dòng điện chạy dọc, da gà nổi lên… Một số đứa còn có thể mô tả chi tiết về gia đình kiếp trước của chúng chi tiết đến mức đủ để xác định được gia đình trước đây là ai, thậm chí chúng chết vì bệnh gì.

Những người bắt được “sóng” của kiếp trước

Niềm tin phổ biến trong văn hóa của cả phương Đông lẫn phương Tây là thể xác hữu hạn còn linh hồn thì bất diệt. Sau khi chết, con người sẽ chịu sự phán xét, nếu kiếp trước làm nhiều điều tốt thì linh hồn được tái sinh.

Một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất thế giới về đề tài này là “Ký ức tiền kiếp ở trẻ em” của Tiến sĩ Ian Stevenson. Ông đã dành trọn cuộc đời để tìm hiểu khoảng 2.500 trường hợp trẻ em có thể nhớ ký ức tiền kiếp, trong đó đến non nửa là có thể xác nhận được…

Một số đứa còn có thể mô tả chi tiết về gia đình kiếp trước của chúng chi tiết đến mức đủ để xác định được gia đình trước đây là ai, thậm chí chúng chết vì bệnh gì hoặc chết do nguyên nhân nào. Tính cách, thói quen, hành động của kiếp này rất giống như của kiếp trước.

Một góc làng Cọi.

Còn ông Bùi Huy Vọng - nghệ nhân ưu tú loại hình tri thức dân gian thì khẳng định rằng con lân con lộn (đầu thai) rất quen thuộc trong đời sống người Mường. Trước đây, người Mường có sinh mà không có dưỡng nên trẻ con chết rất nhiều.

Theo phong tục, họ không mai táng trẻ con trong đống mả gia tộc mà chôn nơi hẻo lánh, nhiều người còn cẩn thận lấy mực đánh dấu vào xác chết để xem sau này có đầu thai không.

Lúc trẻ bập bẹ tập nói người lớn thường hỏi nó con nhà ai ở kiếp trước, nếu là đầu thai thì nó sẽ trả lời được rành mạch chuyện của quá khứ. Khi trẻ 13 tuổi người Mường mới làm lễ cắt cầu lân, trả công bà mụ, đó cũng là lúc hết lân lộn, không thể đầu thai được.

Sở dĩ ông Vọng hiểu rõ vấn đề này bởi là người Mường chính hiệu Lạc Sơn, Hòa Bình và bản thân vợ ông, bà Bùi Thị Viển cũng là một người được đầu thai với dấu hiệu điển hình của tiền kiếp là sợ lửa, thấy lửa to là choáng ngất. Thấy sự lạ, khi Viển 7 tuổi mẹ đẻ mới hỏi: “Mày ở chỗ nào? Con nhà ai? Thì Viển trả lời: “Con nhà Giáo ở xóm Chiềng (xã Liên Vũ kề bên)”.

Tò mò mẹ dẫn Viển đi hỏi thì đúng là ở xóm Chiềng có bà Bùi Thị Giáo thật. Nhà bà từng bị cháy nên hồi sinh thời con bà rất sợ lửa. Sau này chẳng may đứa trẻ đó bị chết vì bệnh. Viển còn tìm thấy đồng mảng (một trò chơi của người Mường) được giấu trong ống bương ở cầu thang nhà bà Giáo. Từ đó hai gia đình đi lại với nhau rất thân mật.

 

Giải thích theo kiểu điều tra hồi cố trong dân gian thì luân hồi rất huyền bí nhưng theo kiểu khoa học thì ông Vọng bảo trẻ con sinh ra như tờ giấy trắng, các luồng từ trường hay sóng ám vào là nhớ ngay những chuyện của người trước đó. Khi 12, 13 tuổi những đứa trẻ sẽ bắt đầu quên quá khứ tiền kiếp bởi đến giai đoạn này cơ thể chúng dậy thì, tiếp nhận nhiều luồng thông tin, nhiều mối quan hệ xã hội nên “nhiễu” không bắt được sóng nữa.

Trong sử thi "Đẻ đất đẻ nước" của người Mường, khu làng Cọi huyện Lạc Sơn có bến Kị, nơi nước chảy ngược hướng mặt trời lặn. Đường lên trời, đường xuống thủy phủ đều phải qua đây nên có thể trường sinh học rất lớn, nhờ đó mà có lắm hiện tượng đầu thai. Gần đây nhất là 4 trường hợp được ghi nhận gồm Bùi Lạc Bình (sau đổi thành Nguyễn Phú Quyết Tiến), Bùi Hồng Thắm, Bùi Thị Thu và Bùi Văn Vị.

Lời kể của cô giáo Liễu

Cô giáo Quách Thị Liễu có thâm niên 24 năm dạy trường mầm non Hoa Hồng (thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình), từng dạy trực tiếp Nguyễn Phú Quyết Tiến kể, hồi xưa cháu hay gọi mình là mẹ Liễu. Bẵng đi một thời gian dài sau cái chết đột ngột của Tiến năm 1997 thì một hôm chị Thuận bỗng tới mời: “Hôm nay mẹ Liễu vào chơi nhà chị một tí nhé”.

 Cô giáo Liễu đang dạy hát.

Vào tới nơi, chị Thuận giới thiệu về một đứa trẻ xa lạ có tên là Bình (sinh năm 2002). Nó chào, giọng thân mật: “Con chào mẹ Liễu”. Chị Liễu nói: “Làm gì phải? Cô Liễu chứ?”. Đứa bé hờn dỗi: “Không, mẹ Liễu mà?”.

 

Thấy vậy chị Liễu hỏi: “Thế mẹ Liễu ngày xưa có hay đánh con không?”. Đứa bé trả lời: “Không. Con nhớ mẹ Liễu còn trả sách, phấn, bảng, bút chì cho con mà”. Chị Liễu chợt gai người bởi lẽ trước khi Tiến chết một hai ngày bé cứ đòi mang túi đựng sách vở ở lớp về nhà nhưng không được. Hôm bé mất, chị mới mang cái túi đó cho chị Thuận hóa (đốt). Chỉ có chị và chị Thuận biết, sao thằng bé này lại biết?

Tuy nhiên, chị vẫn thử thách thêm: “Thế sao Bình lại ở đây?”. “Không, cháu không phải là Bình, cháu là Tiến cơ mà?”. Nói rồi, nó giận dữ bỏ vào buồng.

Mấy hôm sau chị Liễu lại vào chơi, thằng bé thập thò, ra chiều thẹn thùng với chuyện giận dỗi hôm nào: “Con chào mẹ Liễu”. Lần này chị hỏi thẳng: “Vì sao mà… con chết?”. Nó rành rọt: “Trưa đó con đi hái hoa bông trăng (một loài hoa có màu đỏ và trắng xen lẫn) ở bờ sông Bưởi cùng với Mai Anh rồi rơi xuống nước”.

Chị Liễu thêm một lần giật mình vì mẹ của Mai Anh là hiệu phó trường Hoa Hồng nơi chị dạy còn Mai Anh hơn Tiến 1 tuổi, cả hai từng chơi với nhau rất thân. Trưa đó, hai đứa trẻ không chịu ngủ mà rủ nhau đi hái hoa bông trăng dọc bờ sông Bưởi rồi Tiến trượt chân rơi xuống. Thấy vậy, Mai Anh chạy một mạch về nhà trùm chăn đắp, giả vờ ngủ vì quá sợ.

Khi mọi người hỏi, chạy ra vớt thì Tiến chỉ là một cái xác không hồn. Thằng bé còn kể về cảm giác đau trên… khuôn mặt khi ông Lai - người hàng xóm dùng xẻng lèn đất trên mộ mình. Khi chị Liễu hỏi nó còn nhớ gì thêm thì bé bảo nhớ mẹ Liễu dạy vẽ con gà đầu, chân, thân như thế nào, nhớ mẹ Liễu còn trả lại con cái kẹo sữa sau buổi học nữa.

 

Chị Liễu cảm thấy rợn người. Số là, trước buổi Tiến chết em có mang đến lớp mẫu giáo một cái kẹo sữa nhưng bị cô tịch thu, không cho ăn. Đến lúc ra về, mẹ Liễu mới trả lại cái kẹo thì Tiến bẻ cho một nửa nhưng chị không ăn. Chuyện này cũng chỉ có Tiến và chị biết.

Bình sinh ra với bố mẹ Mường, ở làng Mường nhưng lại nói tiếng Kinh rất sõi. Không hề quen biết với chị Liễu nhưng cháu vẫn thân mật đến mức thỉnh thoảng còn lướt tay qua ngực… sờ ti. Cử chỉ này giống hệt như Tiến năm xưa khi thỉnh thoảng vẫn thích chạm lướt vào ngực chị. Lúc đầu tưởng là bé vô tình nhưng sau vài lần thì chị “bắt thóp” phản ánh với mẹ Tiến, hỏi thì bé hồn nhiên: “Con thích ti mẹ Liễu, ti mẹ Liễu to lắm!”. Cả đời dạy học của chị chỉ có 2 đứa trẻ dám sờ ti mình như thế.

Chân dung Bình - Tiến hiện tại.

Bình còn nói tiếp: “Mẹ không nhớ con tặng hoa à? Còn có cả phong bì nữa”. Đến lúc này chị Liễu và chị Thuận liền cấu nhau vì xấu hổ. Chuyện tặng hoa và phong bì cho cô giáo nhân ngày 8/3 hay 20/11 cách đây gần hai mươi năm rất hiếm, chỉ có ở thị trấn chứ không thể có ở làng Mường nơi Bình được sinh ra. Mẹ Liễu rỉ tai chị Thuận rằng: “Chị ơi, đúng là con nhà chị rồi”.

Thử thách con trẻ

Chị Thuận kể, cô Phương mách ở trong làng Cọi nơi cô dạy học có một cậu bé 3 tuổi người Mường nhưng cứ tự nhận mình là người Kinh, có mẹ tên là Thuận - làm nghề đánh máy chữ ở UBND huyện, có bố tên là Tân. Khả năng đó chính là đứa con lộn của chị trước đây.

 

Bán tín bán nghi, chị Thuận bèn nói chuyện với chồng và cả hai liền tìm đến làng Cọi. Lúc vào nhà, làm như đã thân quen từ lâu lắm, họ tự nhiên như không hỏi về thằng bé.

Chị Bùi Thị Dự - mẹ cháu liền gọi con về. Bình lúc đó mặc một bộ quần áo cộc, nom khá nhem nhuốc. Vừa chạy cậu vừa khóc. Chị Thuận hỏi: “Sao mà cháu khóc?”. Thằng bé dấm dứt: “Anh Đồi làm vỡ mất viên bi”. “Cần quái gì một viên bi, ra nhà bác chơi có nhiều bi lắm”. Chị an ủi.
Khi cuộc nói chuyện đã trở nên thân tình, chị Thuận mới rủ rỉ: “Nhà chị có một thằng cò mất năm 5 tuổi, nghe nói nó lộn vào nhà em…”. Đến lúc này chị Dự mới thú thật là hồi Bình hơn 2 tuổi, đi theo mẹ ra chợ, lúc qua ngôi nhà số 25 phố Hữu Nghị, thị trấn Vụ Bản cháu chỉ tay và bảo: “Đấy là nhà con”. Chỉ vào một người phụ nữ đang đi, cháu bảo tiếp: “Đấy là mẹ con”.

Chị Dự không dám hỏi người đàn bà xa lạ kia, đợi khi đã khuất bóng, hai mẹ con lại đi bộ hơn 2 cây số về làng. Chị bảo con: “Mẹ có nhận ra con đâu nữa mà về?”. Lần khác cháu cũng đòi đến nhà nhưng đúng lúc vợ chồng chị Thuận đi vắng nên hai mẹ con lại cun cút về...

Chị Thuận liền rủ đến thứ bảy này mời cả hai mẹ con đến nhà chơi, nếu thằng Bình là con lộn, nhận ra nhà, nhận ra bố mẹ ngày xưa của nó thì là chị em. Nghe thấy thế, thằng bé vội nhảy thốc lên xe máy, hai tay túm lấy gương đòi đi.

Thứ bảy đó, họ đến đón hai mẹ con Bình. Dọc đường, chị bảo chồng đi chậm lại rồi hỏi thử Bình: “Đường này có phải không?”. Bình lắc đầu: “Không phải”. Chỉ vào ngôi nhà to rồi hỏi: “Nhà mình có phải không?”. Bình lắc đầu.

 

Đến đoạn đường rẽ Bình buột miệng nói: “Đi nghẻ” (đi rẽ trong tiếng Mường). Đó gần như là câu tiếng Mường duy nhất cháu nói lẫn với tiếng Kinh.

Vào nhà rồi, nó tự nhiên như đã quen thuộc, bật ti vi, bật đầu máy, mở ngăn kéo tìm đĩa. Xem một lúc nó chạy vào buồng tìm ô tô, cần cẩu - các vật dụng mà xưa Tiến từng thích rồi trèo lên giường, lăn đi lăn lại và bảo: “Ngày xưa con nằm ở đây này”.

Chị Thuận giật mình. Vị trí sát mép giường đó xưa là nơi Tiến vẫn thường nằm. Tối, chị mời cả hai mẹ con ở lại ăn cơm rồi bảo anh Tân đưa về. Nghe đến từ về thằng bé chạy vội vào buồng, trùm chăn, đậy gối lên mặt trốn khiến cho anh Tân phải hết mực dỗ dành: “Về đi, trưa mai bác lại đến đón đi mua bi, cắt tóc đẹp”.

Cả đêm đó Bình ngong ngóng, sáng ra cũng không chịu đi mẫu giáo, cứ thấy tiếng xe máy là nghển cổ ra trông “bố Tân”. Thấy chồng mình cứ sùng sục với chuyện đưa đón đứa trẻ, chị Thuận liền bảo: “Nếu nó là con lộn của mình kiểu gì cũng tìm cách về nhà mình, anh không phải lo”.
Nghe lời vợ, hai ngày tiếp theo, anh Tân không vào đón nữa. Đúng lúc ấy thì chị Dự lại ra, sụt sùi báo tin thằng bé đang ốm nặng. Đón về nhà chị Thuận ở vài ngày nó lại bình thường.

Khi chị Dự ra đón, Bình bỏ chạy ra đường nhà trẻ Hoa Hồng. Thấy vậy chị Thuận đành khuyên: “Thôi em về đi, tối nay anh chị đưa cháu về”.
Có bận chị Thuận dẫn Bình đi chơi, cố tình dẫn xuống con dốc bờ sông thì cháu đứng lại và bảo: “Mẹ dẫn con đi đến đây à? Xưa con chết đuối ở đấy mà?”. Chị sững người lại.

 

Lúc này Bình không muốn học ở trường làng Cọi nữa mà đòi học ở trường Hoa Hồng. Muốn học ở đó bắt buộc phải nhập khẩu. Tuy nhiên làm sao mà thuyết phục được những người dứt ruột đẻ ra nó đồng ý? Chị Thuận vừa nghĩ vừa lo: “Ở với em cháu hay ốm, ở với anh chị nó lại không ốm. Dù anh chị không đẻ ra cháu nhưng cũng xin nhận cháu làm con nuôi, em có nhất trí không?”.

Hai vợ chồng chị Dự đắn đo mãi cuối cùng đành đồng ý. Bình thay tên, đổi họ từ Bùi Lạc Bình thành Nguyễn Phú Quyết Tiến từ đó. Cả hai gia đình đều chỉ sinh được một người con, người thì đã chết, người lại là con lộn.

Chị Thuận hỏi tại sao sau chết không tìm về nhà mình thì cháu bảo cứ đến đầu ngõ lại có dòng suối ngăn lại, thế rồi gặp bố đẻ bây giờ liền theo về, đầu thai… Thỉnh thoảng đi đường gặp những anh hơn cả chục tuổi nhưng Bình - Tiến vẫn gọi lại, hồn nhiên như không: “Ngày xưa, em cũng bằng tuổi anh cơ đấy”.

Từ 10 tuổi trở đi, cháu rất ít nói về chuyện cũ, hầu như không nhắc gì đến bố đẻ (đã mất), mẹ đẻ, cũng không hỏi mỗi dịp gia đình làm giỗ, dù đó chính ngày giỗ của Tiến năm xưa, 17/1 Âm lịch.

Đứa trẻ năm xưa nay đã dậy thì với hàng ria mép học trò lún phún. Thế mà Bình - Tiến vẫn còn hồn nhiên đến nỗi bôi thuốc hắc lào mà ngồi vạch cả đùi non ra trước mặt mọi người. Nguyễn Phú Quyết Tiến học ở trường dân tộc nội trú huyện, học khá nhất là môn tiếng Anh và mơ ước hai năm nữa sẽ được vào cổng trường Đại học An ninh.

 

Chuyện của Gốc Rọ

Liên quan đến chuyện luân hồi, chính anh nhà bác ruột cô giáo Liễu là Nguyễn Đình Dương cũng có một đứa tên Bùi Thị Thu. Đó là con đẻ của cặp vợ chồng Bùi Văn Biền và Quách Thị Đức. Hồi ba bốn tuổi mỗi lần được mẹ đẻ dẫn qua nhà ông Dương bé đều nói: “Nhà con ở kia kìa”.

Người mẹ mắng át đi vì sợ mang tiếng là thấy người sang bắt quàng làm họ. Nhà Thu rất nghèo còn nhà ông Dương cả hai đều làm cán bộ, có của ăn của để. Nghe tin “bố Dương” bị tai nạn Thu đòi đến thăm bằng được.

Bùi Thị Thu đang kể về ký ức tiền kiếp.

Mọi người xúm lại hỏi, tại sao mà Thu chết thì bé kể lại, đại ý: Hồi bé mẹ sinh ra với thân hình đen nhẻm nên được gọi là Gốc Rọ (gốc củi cháy đen sau đốt nương). Em khóc suốt ngày nên một buổi bị mẹ mắng: “Làm sao mà cứ khóc vậy? Muốn chết hay sao?”. Vậy là tức quá mà chết.
Đây là lời Thu kể trong video clip của tôi: “Em tên Bùi Thị Thu - sinh năm 1993. Nếu nói về ngày xưa như thế nào thì em chỉ nhớ mang máng thôi bởi vì năm nay em 24 tuổi rồi…

Em hay ra nhà ngoại chơi. Ngày xưa nhà em rất khó khăn. Bố mẹ em phải đi làm. Mẹ em làm giáo viên, ba em làm nông nghiệp. Ba mẹ hay tranh thủ ra đồng, gửi em ra nhà ngoại. Một hôm ra nhà ngoại, không biết là ăn cỗ hay gì, đang ở nhà sàn nhà ngoại thì em chỉ lên nhà (nhà ông Dương, bà Tâm): “Đấy là nhà mẹ Tâm của con. Ngày xưa con ở nhà đấy”.

 

Mẹ em tưởng là em nói chuyện cười thôi… phớt lờ sang chuyện khác. Xong rồi mẹ em về nhà cứ nghĩ, hay là Tâm ở thị trấn mà mẹ em quen và hỏi em kỹ lại một lần nữa. Em bảo không Tâm ở gần nhà ngoại mình cơ, cái nhà có nhà sàn ý…

(Do) mẹ em kể nên cứ ra nhà ngoại là các bà hỏi chuyện như thế nào? Có bà nội tức là mẹ của bố Dương (bố tiền kiếp), em kể ra chính xác từng câu từng chữ một thế là bà khóc hết nước mắt…

Em đã mất đi rồi, em ở trong gốc nứa… Ngày xưa phong tục của người Mường trẻ con chưa đủ tuổi (chết) thì không cho vào mồ mả (nghĩa trang), ở ngoài thôi. Em thấy bố mẹ em đi lấy củi trên rừng… Đôi vợ chồng này, quan sát lâu lắm rồi, bố mẹ rất hiền lành, tử tế, ăn ở không lừa lọc ai thì em nghĩ cũng được. Xong rồi em nhảy vào túi áo của bố mẹ em…

 Ông Dương bà Tâm đang gọi điện cho con gái đầu thai Bùi Thị Thu.

Đối với ký ức ngày trước… đến cấp (học) một em không nhớ nữa. Qua độ tuổi 12 em chỉ nhớ mang máng. Ngày xưa em gầy nhỏ, lớp 9 bị ốm, còn 37kg. Ốm hàng tuần không biết vì sao. Mẹ em không tin về bên âm bên dương gì đâu vì là giáo viên. Cô ở trường bảo cứ đi xem thầy, mang theo cái áo em mặc.

Cả hai đến, không nói gì về em luôn nhưng ông thầy kia nhìn cái áo và bảo: “Ôi con lộn”. Con lộn nghĩa là con đầu thai. Mẹ em giật mình sao lại biết những chuyện như thế này khi mình chưa kể gì. Người ta cho một chai nước về, không biết vì động lực gì mà từ đó em khỏi hẳn…”.

 

Thu đi lại giữa hai gia đình như người trong nhà. Ba năm học cấp ba, em xin bố mẹ đẻ đến ở nhà bố Dương đến khi bố mẹ đẻ ốm mới chịu về. Bố mẹ chẳng may đều mắc ung thư, chết sớm nên giờ Thu thành trụ cột trong nhà, che chở cho đứa em.

Tốt nghiệp cao đẳng, em trở thành nhân viên Văn phòng tuyển sinh bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ của Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình. Vốn độc lập, từ trước đến nay em không nhờ vả tiền nong gì của bố mẹ kiếp trước mà trái lại mỗi dịp về quê đều đến thăm, gửi cho khi đồng quà lúc tấm bánh.

Nên đọc
Theo Nông nghiệp Việt Nam
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo