Bí ẩn ngôi mộ mới trong 'biệt thự ma' ở Đà Lạt
Chuyện được thêu dệt, mang màu sắc liêu trai, khó lòng kiểm chứng sai đúng. Có điều khá đặc biệt, trong khuôn viên biệt thự này, thỉnh thoảng lại xuất hiện những ngôi mộ, như để góp thêm một lời khẳng định mười mươi về những hồn ma còn lẩn khuất nơi đây…
Lời đồn đại về bóng ma áo trắng trên đèo Prenn
Dừng ở đỉnh đèo Prenn, hỏi chị bán tạp hóa lối vào “biệt thự ma”, chị nói giọng Huế: “Dưới đây chừng cây số chứ mấy, mà hỏi chi, vô chi trong đó? Kinh lắm!”. Nghe nói đến “ma”, mấy anh tài taxi ngồi quanh góp chuyện: “Khách đến Đà Lạt cũng hỏi thăm nhiều lắm, nhưng chỉ dám đến ban ngày thôi, chứ ban đêm chưa có ai dám bén mảng! Mỗi lần đi qua đấy buổi đêm, tụi tui đạp ga vọt lẹ”.
Buổi chiều, Đà Lạt nhiều sương, hơi lạnh từ đỉnh đèo phả xuống. Từ đường lớn, rẽ vào chừng 150 mét, căn biệt thự nằm đó, giữa rừng thông, cũ kỹ, hoang phế, không một bóng người lai vãng, không người trông coi. Đồn rằng, ở đây, có một phụ nữ mang thai bị giết chết, nên mỗi đêm khuya, nghe có tiếng phụ nữ ru con. Lại đồn, có một phụ nữ người thiểu số thất tình nên đến đây quyên sinh, mỗi đêm ra quốc lộ 20 vẫy xe xin đi nhờ. Cánh tài xế qua đây vẫn thường thấy bóng áo trắng bên đường đưa tay vẫy.
Những huyền thoại được thêu dệt ấy khó mà xác tín đúng sai, chỉ có trải nghiệm thật sự, may ra… Nghĩ vậy, nhưng cũng không dám mạo hiểm một mình, tôi rủ thêm bạn. Những người bạn mà tôi quen ở Đà Lạt đều nói rằng, có gì đó mà xem, chỉ có cái biệt thự bỏ không! Nhưng khi tôi rủ đi cùng thì ai cũng lắc đầu xua tay. May mắn, một phóng viên mới vào nghề, đang rất máu, từ Buôn Ma Thuột vừa qua, tôi kéo, thế là đi. Hai chúng tôi, thêm một bạn sinh viên thổ địa dẫn đường, tìm đường xuống “biệt thự ma”, nơi được thêu dệt bao nhiêu chuyện hãi hùng.
Đà Lạt đang giữa mùa mưa, nước giăng kín đồi. Chúng tôi ngồi trong quán cà phê nơi đỉnh đèo, đủng đỉnh chờ đêm xuống thật sâu. Từ trên đèo Prenn nhìn xuống, rừng thông chìm trong đêm đen mờ mịt. Đúng 22 giờ, xuất phát, lạnh run, kẻ trước người sau, ba người dò dẫm bước. Căn biệt thự sừng sững như ngọn núi, tối om om, phải dò từng bước một. Những cột bê tông hai bên lối đi vào, không biết ai cố tình tô màu đỏ loang lổ, chập chờn nhảy múa như ma trơi. Tiếng gió rít trên tàn lá thông trong đêm nghe não nùng. Ngôi biệt thự gồm 2 tầng chính, chia làm nhiều phòng, phòng nào cũng để trống, không cửa. Mỗi phòng đều có ban thờ với bát nhang, lọ hoa tàn úa. Bạn sinh viên cẩn thận quẹt lửa đốt nhang tất cả các bàn thờ.
Đêm đã khuya lắm, chúng tôi ngả lưng xuống ghế đá, cố chờ, biết đâu sẽ được chứng kiến điều gì đó, một bóng ma hiển lộ chẳng hạn. Bỗng anh bạn nằm bên bật dậy gọi lớn: “Anh, anh, phía sau, phía sau nhà…”. Tôi lạnh sống lưng: Phía sau, có ánh lửa lập lòe. Chúng tôi đứng dậy, sát vào nhau, rồi đi từng bước ra phía sau lưng căn nhà. Không thấy gì ngoài ánh lửa từ que nhang bén vào lá cây khô, cháy leo lét! Nhìn đồng hồ, đã 2 giờ sáng. Chúng tôi đã ở đây gần 4 tiếng đồng hồ, giữa khuya. Không thấy ma nhưng rõ ràng là “có cái gì đó lạnh sau lưng”, lành lạnh giữa sương núi mịt mờ.
Những ngôi mộ bí ẩn
Chúng tôi dò dẫm ra phía sau biệt thự, nơi có miếu thờ tương truyền thờ người phụ nữ chết ở đây. Thật bất ngờ, bên cạnh ngôi miếu rêu phong, vừa mọc lên một ngôi mộ còn mới, ốp gạch trắng phau, bia ghi: “Phần mộ Nguyễn Lương Di, mất 15-3-2015”. Anh bạn bật quẹt, rút cây nhang trong bó nhang có sẵn châm lên. Gió núi tạt qua lạnh buốt, ngọn lửa trên que nhang lập lòe như ma trơi. Phía ngoài quốc lộ, ô tô bắt đầu thưa thớt. Bỗng có ánh đèn pha thẳng từ ngoài cổng vào, quét loang loáng. Cả ba người đứng bật dậy cùng lúc, bước ra. Là một chiếc ô tô, không biết cố tình rẽ vào hay đi lạc. Ba chúng tôi chạy ra, đưa tay vẫy, chiếc xe lùi nhanh ra đường rồi đổ đèo, phút chốc mất hút trong bóng đêm thăm thẳm. Có lẽ, bác tài xế lạc đường, và hoảng hồn khi thấy chúng tôi lao ra như những bóng ma bất ngờ hiển hiện ?! Cũng có thể, ngày mai, cánh tài xế lại đồn đại kinh hoàng rằng: Đêm qua, đã tận mắt chứng kiến ba hồn ma lao ra đường chặn xe!
Băn khoăn mãi về ngôi mộ mới mọc lên chỉ ghi có ngày mất mà không có ngày sinh, và lai lịch về ngôi biệt thự bỏ hoang bí ẩn, tôi tìm đến UBND Phường 3, Thành phố Đà Lạt. Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND Phường cho biết: Ngôi biệt thự này nằm trên địa bàn quản lý của phường, chủ sở hữu là Công ty cổ phần đầu tư thương mại Q.T có trụ sở tại Hà Nội. “Không có ma gì đâu, toàn chuyện đồn đại thôi!” – Ông Dũng khẳng định.
Lần theo hồ sơ, được biết, ngôi biệt thự được xây từ năm 1920, từ thời thuộc Pháp. Vì thế, mới có đồn đại, rằng chủ biệt thự này, là một quan Pháp, đã bắn chết một nữ tì đang mang thai đôi, trong một bữa tiệc. Không rõ thực hư, nhưng người bảo vệ biệt thự, vào năm 2010, đã đắp 3 ngôi mộ phía sau nhà để hương khói vì đêm nào cũng thấy mẹ con họ hiện về. Chính quyền Phường 3 đã phát hiện và xử lý, yêu cầu đập bỏ vì cho rằng, hành động này gây ảnh hưởng không tốt, tuyên truyền mê tín dị đoan. Bây giờ, lại là một ngôi mộ mới toanh được đắp lên. Ông Nguyễn Đức Dũng cũng cho biết, hiện Công an phường đã nắm được vụ việc và đang tiến hành lập hồ sơ xử lý.
Khá nhiều du khách đến Đà Lạt đã tò mò ghé thăm biệt thự ma, như một điểm dừng chân lý thú trong hành trình khám phá thành phố du lịch này. Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao chính quyền địa phương không khai thác địa điểm du lịch này như là một “đặc sản” để thu hút du khách?
Ngày 26/7, chúng tôi đem câu hỏi này đến với bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du Lịch Lâm Đồng. Bà Nguyên cho biết: “Biệt thự đã bán cho doanh nghiệp tư nhân khai thác, nên việc đầu tư phát triển là do họ quyết định. Tuy nhiên về mặt định hướng quản lý nhà nước thì chúng tôi cũng sẽ xem xét và có kế hoạch sau”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Động thái đáng chú ý của Phạm Hương giữa tin đồn rạn nứt với chồng đại gia
Quỳnh Nga xuất sắc trở thành Nữ hoàng Bước nhảy hoàn vũ 2024
Vợ chồng Bình An gặp sự cố ‘dở khóc dở cười’ ngày cuối năm, CĐM bình luận ‘kiếp nạn vẫn chưa hết’
Hành trình rực rỡ của Hoàng Yến Chibi tại "Chị đẹp đạp gió 2024"
Nữ ca sĩ nổi tiếng bị ‘yêu râu xanh’ sàm sỡ ngay giữa chốn công cộng, bị ám ảnh tâm lý nhiều năm
Hai chương trình nổi bật của Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng mừng xuân Ất Tỵ 2025