Văn hóa

Bí ẩn thần vật “đá rồng” miền cao nguyên

Một ngôi làng bình yên của người Jrai giữa đại ngàn trường sơn còn chất chứa nhiều điều kỳ lạ, bởi nơi ấy còn giữ lại hai thần vật của người Jrai với những bí ẩn của truyền thuyết còn ít được người biết tới.

“Đá rồng” nơi khe nước

Đó là hai “thần vật” với đầy những điểm bí ẩn, kì lạ của người dân làng Ngó (xã Ia Ka, Chư Păh, Gia Lai). Ở giữa làng Ngó 3 và Ngó 4 có một khe nước. Trước đây, có thể nói đây là nơi “ồn ào nhất, sôi động nhất” của hai làng Ngó, về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đặc biệt, rất ít ai hiện nay biết trước đây từng có 2 khối đá lớn đầy kì bí ở tại khe nước này.

Già làng Rơ Châm Jú - một già làng đầy uy tín, của chung cả hai làng Ngó, kể lại cho chúng tôi hay: “Hai khối đá đó lớn lắm, nằm sát cạnh nhau, to như một căn phòng vừa vừa. Mỗi chiều ngang, chiều dài của nó phải tới 3, 4 sải tay người lớn”. Đặc biệt, nó rất ấn tượng, rất dễ khiến mọi người chú ý bởi nó không phải có màu xanh, màu nâu mà là một màu đen rất đặc biệt. Mỗi khi bị mặt trời chiếu thằng vào, từ khối đá phát ra những tia sáng lấp lánh. Khi chạm tay vào bề mặt khối đá, người ta có cảm giác trơn bóng, cứng rắn.

Già làng Jú kể, tảng đá đã ở nơi khe nước của làng từ rất lâu đời, như thường nói từ thủa khai thiên lập địa. Trước đây với vốn hiểu biết của đồng bào Jrai, chẳng ai biết được đó là loại đá gì. Hai tảng đá đen kì lạ đó cứ nằm nơi khe nước, ngâm toàn bộ diện tích dưới nước. Già làng Jú cho hay, lớp nước phủ lên phía trên hai khối đá bao giờ cũng dày khoảng 30cm.

Chỗ già làng Jú đang đứng là giọt nước chung của làng Ngó 3 và Ngó 4. Trước mặt ông là vị trí trước đây có hai khối “đá rồng” đen sì, rất lớn. Khe nước hiện nay khá ít nước. Trước đây khi còn hai khối đá, nó như một cái thác chảy ầm ì suốt ngày đêm, quanh năm luôn đầy ắp nước.

Cách nay chừng nửa thế kỉ, khi hai khối đá còn ở tại khe nước. “Những người lớn tuổi trong làng luôn nhắc nhở con cháu rằng hai tảng đá đó là báu vật của Yang nên linh thiêng lắm. Khi còn hai khối đá đen ở nơi giọt nước. Một số người trong làng khi ấy nói rằng mình nhìn thấy những con rồng rất to, rất dài bơi lội ở nơi khe nước, bay lượn trên bầu trời khu vực khe nước. Có khi mỗi năm rồng xuất hiện một lần. Có khi hai ba năm rồng mới xuất hiện một lần. Có lần hai con rồng cùng xuất hiện, có khi chỉ một con xuất hiện. Mỗi khi rồng xuất hiện, nó bơi lội trong một thời gian ngắn rồi lại biến mất. Khi ấy khe nước bị rồng khuấy đục ngầu, những hòn sỏi bay ra, khiến người dân trong làng mấy ngày sau mới có nước trong để tắm rửa, nấu ăn!”, già làng Jú kể lại.

Những con rồng được mọi người cho rằng chui ra từ khe nứt trên vách đất, là nơi nước ngầm chảy ra. Sau khi vùng vẫy xong, nó lại chui vào đó mất hút. Già làng Jú cũng cho biết thêm, năm nào có người nhìn thấy rồng, thì năm ấy trong làng được mùa, người làng ít khi bị đau ốm. Nhưng số người nhìn thấy rồng rất ít, hầu như mọi người chỉ nghe kể lại.

Hai khối đá đã bị người Mỹ lấy đi?

Già làng Jú cho biết, từ lâu đời người Jrai đã về sinh sống và lập lên làng trên địa bàn hiện nay là làng Ngó, xã Ia Ka. Nhưng trong những năm 1960 - 1975, khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt trên khắp mặt trận phía Nam sông Bến Hải, một phần người dân làng Ngó khỏe mạnh thì đi theo phục vụ cách mạng, còn trẻ em và người già yếu thì thực hiện di tản vào rừng để tránh sự “tàn sát” của giặc Mỹ, bom Mỹ. Cũng trong thời gian người dân làng Ngó đi di tản vào rừng, hai khối đá đen kì bí cũng biến mất.

Trước đó, khi dân làng chưa thực hiện việc di tản, người dân thấy máy bay của Mỹ liên tục bay là là sát khu vực khe nước của làng, đồng thời thả người xuống để xem xét, tìm hiều về hai khối đá đen nọ. Ban đầu khi người dân làng nhìn thấy, vì sợ bị lính Mỹ phát hiện giết chết, và vì hai khối đá rất to lớn, nên mọi người cũng không mấy quan tâm, lo lắng đến việc đám người Mỹ đang làm. Chiến tranh kết thúc, mọi người về lại làng, phát hiện hai khối đá đen không còn lại nơi khe nước, đã rất lo lắng, sợ hãi. Nơi khe nước hiện ra với vẻ hoang tàn, xơ xác, đất đá vương vãi, như chính khung cảnh tồi tàn vì sự tàn phá của chiến tranh khắp mọi nơi trong làng. Mọi người cho rằng chính người Mỹ đã cho máy móc đến đào hai khối đá đen nọ mang đi. Già làng Jú cũng cho biết thêm, nếu là người của cách mạng, hay người Jrai mình tới lấy tảng đá mang đi thì ít nhiều mình và người trong làng cũng biết, có thể cùng tham gia.

Cả một vùng rộng vài trăm bước chân xung quanh khe nước, trước đây quanh năm đều ngập nước. Khi có rồng xuất hiện, nó bơi lội khắp nơi.

Già làng Jú kể thêm, có vài người kể lại nhìn thấy nhiều máy bay, máy móc và người Mỹ đột nhiên xuất hiện làm huyên náo nơi khe nước một thời gian. Sau đó hai khối đá đen sì bị hai chiếc máy bay nhấc bổng mang đi. “Nếu hai khối đá không có gì bí ẩn, không có gì đặc biệt, không có gì quý giá thì làm sao người Mỹ lại tới đó tìm hiểu, rồi lấy đi như thế?”, già làng Jú đặt câu hỏi với chúng tôi, và có lẽ với cả chính mình và dân làng mình. Cũng từ khi hai khối đá đen bị lấy mang đi, người dân không còn ai nói mình nhìn thấy rồng xuất hiện nơi khe nước nữa. “Hồi trước khi hai khối đá đen còn ở đây, khe nước của làng mình lớn lắm, nhiều nước lắm, nhiều nhất trong số các làng gần đây, chứ không ít nước như bây giờ đâu. Hồi ấy khe nước như một cái thác, nước đổ xuống mạnh lắm. Hai người nói chuyện với nhau cách thác hai ba trăm bước chân không nghe rõ đâu. Còn bây giờ đứng ngay chính giữa khe nước, nói chuyện với nhau vẫn nghe rõ ràng, bình thường”, già làng Jú bồi hồi nhớ lại.

Cũng bởi khe nước trước đây lớn thế, nên người làng mới ví von nơi này là nơi “ồn ào nhất, sôi động nhất” của làng Ngó. Việc nước ở khe ít hơn, có thể chỉ là một sự trùng hợp với sự biến đổi khắc nghiệt hơn của thời tiết, mà cũng có thể đó là sự thay đổi có liên quan trực tiếp, mật thiết với việc “biến mất” của hai khối đá đen. Bởi hai khối đá đen to lớn này, hầu như chắc chắn sẽ mãi là bí ẩn.

Bí ẩn hòn đá “tiên tri”

Một báu vật khác, gắn với cuộc sống nhiều đời trước của làng Ngó, già làng Jú kể, đó là một hòn đá to như bình uống nước, có hai đầu nhọn, nặng bằng một bầu nước lớn, có màu trắng sáng như gương. Hòn đá này, có lẽ cũng kì lạ không kém hai khối đá đen khổng lồ kia, và phải chăng có mối liên hệ nào đó giữa chúng với nhau? Không ai biết hòn đá trắng xuất hiện từ bao giờ. Còn về nguồn gốc của nó, những người già kể lại cho con cháu, rằng rất nhiều năm trước, có một người đàn ông trong làng, trong một lần đi làm trên rừng, tự nhiên thấy có vật gì đó phát ra ánh sáng trắng chói lọi, ông ta thấy kì lạ nên lại gần xem xét. Sau đó ông ta gói hòn đá lại, mang về làng. Nhưng khi mang về làng, ông ta cho rằng đó là một vật linh thiêng, nên không dám giữ làm của riêng mình, mà xin phép được để nó lại nhà rông của làng.

Già làng Jú cho biết, chính cái lỗ nước mạch chảy ra này, là chỗ nhiều người cho rằng những con rồng chui ra, chui vào. Cái lỗ này ở tít phía trong khe nước, mọi người ít khi động vào vì sợ “xúc phạm thần linh”, khiến nước chảy ra đục ngầu, hoặc khiến nước không chảy ra nữa. Miệng cái lỗ này có hình tròn, đường kính cỡ một gang rưỡi tay người lớn.

Từ khi có sự xuất hiện của hòn đá trắng kì lạ kia, nhiều người trong làng liên tưởng, suy ra nhiều chuyện về mối liên hệ nào đó giữa nó và hai khối đá đen. Họ cho rằng đó đều là những vật của thần linh, ban cho dân làng, thay Yang bảo vệ dân làng, để dân làng có cuộc sống no đủ, bình yên. Cũng từ đó, mỗi năm một lần, làng Ngó làm lễ cúng thần linh ở nhà rông, hòn đá luôn được để chung với các đồ cúng khác. “Mỗi lần cúng, hòn đá lại biến thành màu đỏ máu rất kì lạ. Có thể do hòn đá hút máu trâu, máu bò từ con trâu, con bò đem cúng nên biến thành màu đỏ như vậy”, già làng Jú nói. Ngừng một lát già làng Jú kể về khả năng “tiên tri” của hòn đá kì lạ này: “Cứ lần cúng nào, nếu toàn bộ hòn đá chuyển sang màu đỏ hết, thì năm đó người dân làng mình sống rất sung túc, bình an. Còn lần cúng nào, hòn đá chỉ có một phần biến thành màu đỏ, một phần vẫn màu trắng, thì năm đó làng mình sẽ nghèo đói, nhiều người bệnh tật”.

 

Khi chúng tôi hỏi hòn đá này hiện để ở đây, do ai cất giữ, thì già làng Jú tặc lưỡi tiếc nuối: “Hòn đá bị thất lạc trong thời chiến tranh với Mỹ. Khi ấy hòn đá được giao cho một người già uy tín trong làng cất giữ. Bom Mỹ dội xuống, lính Mỹ càn quét mấy lần, dân làng mỗi người thất lạc một ngả. Sau khi mọi người tập hợp lại với nhau để cùng lên núi sống, thì chẳng ai thấy người giữ hòn đá trắng kia nữa. Có lẽ ông ấy đã bị bom Mỹ giết chết ở đâu đó, hòn đá vì thế cũng không ai rõ tung tích nữa”. Chẳng biết những khối đá, viên đá kì lạ có ảnh hưởng như thế nào tới làng, nhưng thực sự sau khi mất đá thiêng, già làng Jú nhớ rằng, việc xây dựng lại làng, xây dựng lại cuộc sống của bà con khó khăn, gian khổ hơn trước khi còn đá rất nhiều. Tình trạng cuộc sống khó khăn, nhiều trong làng bệnh tật kéo dài nhiều năm. Tuy vậy, với nhiều sự nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ của nhà nước, cuộc sống của bà con dần ổn định, ngày càng no đủ hơn.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khoáng vật học, những loại đá có màu đen thường là những loại đá quý, có thành phần hóa học khá đa dạng, phức tạp. Có thể kể đến một số loại đá quý đắt đỏ ngang hàng với vàng, kim cương, cũng có màu đen (đôi khi xen lẫn thêm những màu khác) như: Ngọc opal đen, đá musgravite, đá painite, ngọc long serendibite, kim cương đen...

Nên đọc
Theo Phuongnamplus
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo