Văn hóa

Bí ẩn tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Lô Lô

Theo quan niệm truyền thống của người Lô Lô, tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng mình lớn lên thì con cháu phải tổ chức thờ cúng khi họ qua đời.

Người Lô Lô chỉ thờ cúng tổ tiên ba đời, khi trong nhà có thế hệ thứ tư mất thì gia đình sẽ làm lễ tiễn thế hệ tổ tiên cách đó bốn đời vào rừng. Mọi gia đình Lô Lô đều có bàn thờ tổ tiên, nhưng lễ cúng tổ tiên quan trọng trong năm thường được tổ chức tại nhà trưởng họ và được cả dòng họ chuẩn bị trước cả năm.

Trong mỗi gia đình, thường thì người con trưởng trong gia đình sẽ lập bàn thờ tổ tiên và rước hồn lên bàn thờ, lập bài vị (hình người) để thờ cúng. Các gia đình Lô Lô thường lập bàn thờ tổ tiên ở sát vách của gian giữa, đối diện cửa chính, có những hình nhân bằng gỗ hoặc vẽ bằng than đen, được cắm hoặc cài ở vách phía trên bàn thờ để tượng trưng cho linh hồn tiền nhân.

Lễ vật cho lễ cúng là 1 con gà, 1 bát tiết gà, 3 chén rượu, xôi, tiền, vàng...

Về việc thờ cúng  tổ tiên vào ngày rằm, ông Phùng Bảo nghệ sỹ nhiếp ảnh và là người am hiểu về dân tộc Lô Lô, cho biết: “Không giống những dân tộc khác thường tổ chức cúng rằm vào giữa tháng âm lịch, người Lô Lô ở một số nơi tổ chức cúng rằm từ ngày 24 đến ngày 26 tháng bảy âm lịch. Theo lý giải của những già làng, trước đây còn nghèo, khi dân tộc khác ăn rằm thì người Lô Lô vẫn phải ở trên nương, do vậy người Lô Lô  thu hoạch xong mới làm lễ cúng tổ tiên.”

Trước lễ cúng thì mọi nhà trong bản đều tranh thủ thu hoạch ngô cho kịp, bởi trong 3 ngày cúng rằm, cúng tổ tiên thì mọi công việc đồng áng, cũng như các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đều bị cấm. Lễ vật dâng cúng tổ tiên gồm: 1 con lợn, 2 con gà, xôi, rượu, tiền vàng, đèn dầu, đôi trống đồng. Dâng cúng tổ tiên phải là những con gà, lợn đẹp nhất, thì mới được tổ tiên phù trợ cho mùa màng tươi tốt, gia đình gặp may mắn.

 Nghi thức cắt tiết gà của người Lô Lô.

Lễ cúng, thường có 2 thầy cúng chính và 1 thày cúng phụ làm lễ. Lễ cúng chính bắt đầu khi chủ nhà dâng lên trước bàn thờ 2 con gà, 42 nắm cơm và 12 bát rượu. Ông Phùng Bảo giải thích thêm: “Lễ vật cúng như vậy là vì theo quan niệm của người Lô Lô, thế giới là do 40 loài cây cối làm con của trời đất.  2 nắm cơm lớn là tượng trưng cho trời và đất, còn 12 chén rượu tương trưng cho 12 tháng trong năm.”

Mở đầu của Lễ cúng tổ tiên là Lễ hiến tế tổ tiên: thầy cúng chính làm thủ tục cúng trước sự chứng kiến của dòng họ và cộng đồng để báo cáo, mời tổ tiên về dự lễ và hưởng lễ vật do con cháu dâng lên. Các bài cúng được 2 thày cúng chính và thày cúng phụ thay nhau đọc
Lễ cúng kéo dài hơn 1 giờ. Trong lúc này chủ nhà treo 1 nắm cơm trước cửa nhà để cho những linh hồn không có nhà cửa có miếng ăn và không quấy nhiễu gia chủ. Kết thúc buổi lễ cũng là lúc anh em họ hàng kéo tới. Họ cùng nhau ăn uống cho tới khi tất cả đều say,  bởi hôm sau không ai phải đi làm.      

 Múa nghi lễ là một trong những nét đặc sắc của lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô.

Lễ cúng tổ tiên là một trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời của người Lô Lô, mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự cố kết cộng đồng gia đình, dòng họ, làng bản. Đây là nghi lễ mang nét riêng người Lô Lô.

 

Hiện nay, Lễ cúng tổ tiên độc đáo này vẫn được người Lô Lô duy trì và thực hành đều đặn theo truyền thống. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc, nghi lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô Chải ở xã Lũng Cú huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2012.

Nên đọc
Theo VOV5
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo