Bí mật đình cổ dưới đáy giếng ở Hà Nội
Đền thờ Đức Thánh Đầm nằm trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị Quốc gia bấy lâu nay được nhiều người nhắc đến với nhiều câu chuyện lạ lùng về ngôi đình cổ nằm dưới đáy giếng, một bệ thờ lạ mà nhiều người không biết nên gọi đó là mộ hay gò...
Đình “biến mất” sau đêm mưa bão?
Đến nay, người dân làng Mễ Trì từ già đến trẻ không ai nhớ rõ giếng làng có từ thời gian nào, chính sử cũng không ghi chép gì về giếng kỳ lạ có ngôi đình nằm dưới đáy. Vậy nhưng, không phải vì thế mà giếng cổ bớt phần nổi tiếng mà ngược lại, ngày càng có nhiều người đến đây tham quan, cầu khấn.Ông Đỗ Quang Lợi, thành viên Ban Quản lý đền thờ Đức Thánh Đầm kể lại: "Trước kia, ngôi đình tọa lạc ngay tại vị trí giếng ngày nay. Vào một đêm trời mưa to gió lớn chưa từng thấy khiến cả khu đầm ngập chìm trong nước. Sáng hôm sau khi người dân thức dậy không còn thấy bóng dáng ngôi đình đâu nữa, đến một viên ngói cũng không còn vương trên mặt đất. Một thời gian ngắn sau, dân làng vét giếng cạnh đình cũ thì phát hiện ra chiếc chiêng cổ có bán kính khoảng 20cm, một chiếc chuông đình cao 70cm, bán kính 30cm, xung quanh giếng người ta thấy những khúc gỗ lim của ngôi đình vừa biến mất trong đêm mưa bão".
Đến khoảng năm 1994, người dân làng Mễ Trì không còn dùng nước ở giếng này nữa mà chuyển sang dùng nước giếng khoan. Tuy nhiên, giếng cổ thì vẫn được xây cất, bảo vệ cẩn thận và xuân thu nhị kỳ làm lễ cúng tế thủy thần.
Theo chân ông Lợi, chúng tôi đến giếng làng Mễ Trì, nơi có ngôi đình cổ nằm dưới đáy. Giếng có bán kính khoảng 20m được người dân xây dựng rất khang trang. Ông Lợi cho biết: Giếng sâu tới 30m được chia thành 3 nấc, mỗi nấc 10m. Ngôi đình cổ nằm từ đầu nấc thứ 3 trở xuống với những cột lim to một người ôm không xuể. Ngoài ra, trong giếng còn có chiêng, chuông cổ và một phiến gỗ có khắc chữ Nho, nhưng tiếc là ông không rõ nội dung của dòng chữ đó nói gì, cũng không có tư liệu nào nghiên cứu về đình cổ và những dòng chữ bí ẩn đó.
Không dám khai quật
Trước đây, ông Ngô Quang Lợi từng là cán bộ của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Năm 1992, đích thân ông cùng với một đoàn cán bộ Viện Hán Nôm tổ chức thám sát đáy giếng. Đoàn thám sát đã phát hiện tất cả những hiện vật như dân gian đồn thổi, thế nhưng lúc đó không ai trong đoàn dám di dời hoặc khai quật ngôi đình.Theo ông Lợi, khi người dân vét giếng và phát hiện đình cổ, có một thanh niên họ Ngô đã nghịch ngợm lấy chiếc chiêng lên đánh 3 tiếng, sau đó người này lăn ra giãy giụa như chó dại, miệng sùi máu tươi rồi chết tại chỗ.
Thấy thế, dân làng cho rằng, ngôi đền dưới lòng đất chính là nơi ở của con vua Thủy Tề tức là Đức Thánh Đầm liền hốt hoảng đem chiêng đặt lại vị trí cũ. Vì chuyện này nên đoàn thám sát Viện Hán Nôm đã không di dời chiêng cổ. Mặt khác, thời điểm đó kinh phí còn thiếu thốn nên không đủ tiền khai quật, đó là lý do ngôi đình làng vẫn nằm dưới lòng đất từ đó đến nay.
4 máy hút nước 1 tuần mới xong
Theo lời của nhiều người cao tuổi làng Mễ Trì thì giếng có khối lượng nước rất lớn, đủ cung cấp cho hàng ngàn người dân sử dụng quanh năm không hết. Sở dĩ nguồn nước giếng dồi dào như vậy là bởi dưới đáy giếng có một mạch nước rất to, dân gian đồn thổi đây là thủy cung của Đức Thánh Đầm nên mới nhiều nước đến như vậy.
Thần phả làng Mễ Trì cũng ghi lại rằng: Từ thuở xa xưa, đất nước ta gặp phải một trận hạn hán khủng khiếp, người dân không có nước để cấy cày. Lúc này, nhà vua đã sai quần thần đến đền dâng lễ cúng, cầu mong thủy thần ban mưa. Không ngờ, khi lễ cúng vừa xong, trên trời bỗng xuất hiện những đám mây lớn và lập tức đổ mưa. Từ đó, nhà vuxa đã ban lệnh xuân thu nhị kỳ, triều đình phải đến đây tổ chức lễ cúng cấp Quốc gia cầu mong mưa thuận gió hòa để người dân yên bề làm ăn. Vì câu chuyện này nên ngày nay, hễ năm nào hạn hán người dân trong làng lại tổ chức nạo vét giếng. Điều lạ lùng là sau mỗi lần vét giếng thì trời đều đổ mưa để dân làng có nước cày cấy, sinh hoạt...
Ông Lợi kể lại: "Vì quan niệm giếng làng Mễ Trì có mạch nước lớn của thủy thần nên mỗi khi vét giếng, dân làng phải mất đến nhiều tuần lễ mới làm xong. Như đầu năm 2013, làng Mễ Trì thuê một công ty môi trường đem 4 máy bơm nước cỡ lớn đến vét giếng cổ. 4 máy hút nước này phải hoạt động liên tục trong một tuần mới xong, bởi máy bơm nước đến đâu mạch dưới đáy giếng lại đùn lên đến đó. Sau mỗi lần vét giếng, nước lại đùn lên đầy ắp đến tận mặt đường và rút dần trong một tuần. Trong lễ vét giếng, người dân sẽ múc hết bùn đất đi nơi khác, lau chùi 4 cột đình, chiêng và chuông cổ rồi để lại vị trí cũ. Vì sự linh thiêng của giếng cổ, nên trong lễ hội tổ chức vào mùa xuân mỗi năm, người dân phải đem lễ vật đến giếng dâng Đức Thánh Đầm trước, sau đó mới đến những nơi khác".
"Hiện một chiếc chuông và chiêng cổ vẫn còn ở đáy giếng, hai hiện vật này vẫn còn giữ được vẻ nguyên vẹn, chưa bị nứt vỡ mặc dù đã ngâm dưới nước rất nhiều năm. Người dân trong làng nói đó là đồ vật của Đức Thánh Đầm - con vua Thủy Tề nên không ai được phép di chuyển các hiện vật ra khỏi chỗ cũ".
Ông Đỗ Quang Lợi (Ban Quản lý Đền thờ Đức Thánh Đầm) |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thuỷ Tiên tái xuất đẹp “đỉnh nóc” nhưng cảm giác cô đơn, lạc lõng bao trùm, phải chăng bị “ăn bơ”?
Hoa hậu Việt có thói quen kỳ lạ: 12 năm không ăn cơm, vóc dáng gây bất ngờ ở tuổi 35
“Hoàng tử mắt hí” của màn ảnh Việt: Chưa lấy vợ, bất ngờ thông báo lên chức bố ở tuổi 42
Sinh nhật tuổi 43 bất ổn của Song Hye Kyo
Thu nhập một đêm của Ngân 98 gây choáng: Cát xê hàng trăm triệu, tiền bo xếp thành cọc
Cùng diện đồ mô phỏng vòng 1 táo bạo, Thanh Hằng được khen, Ý Nhi gây tranh cãi