Doanh nghiệp - Doanh nhân

Bí quyết thành công của các nữ CEO Việt?

Theo bà Thu Thủy - Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, một phần nguyên nhân làm nên thành công của những nữ doanh nhân Việt là các kỹ năng được trui rèn qua thời chiến.

Các CEO nữ Việt Nam “giỏi trong việc tạo ra một môi trường gia đình để mọi người cảm thấy mình là một phần trong đó. Họ thu hút được sự trung thành cao”.

Khi được hỏi về bí quyết thành công trong kinh doanh, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết bà đã đặt các trung tâm thương mại dưới góc nhìn của một người mẹ.

Vincom Mega Mall Royal City – trung tâm mua sắm lớn nhất Việt Nam hiện được trang bị thêm một công viên nước trong nhà và sân trượt băng, trở thành điểm đến cuối tuần hấp dẫn của 6,8 triệu cư dân Hà Nội.

“Trước đây, chưa có nơi nào để cả gia đình cùng tới vui chơi”, bà Thủy nói. Vincom Mega Mall Royal City là dự án cuối cùng bà thực hiện với cương vị CEO trước khi rời vị trí chuyển sang nắm quyền điều hành chuỗi kinh doanh trực tuyến của tập đoàn. 

Nhìn Royal City nhộn nhịp vào những ngày cuối tuần với các gia đình cùng trẻ nhỏ, mọi người biết kế hoạch của bà đã phát huy tác dụng.

Theo số liệu của Bloomberg, cổ phiếu của các công ty có nữ lãnh đạo như Vingroup đã leo dốc gấp 3 lần qua 5 năm, nhiều gấp đôi so với chỉ số trung bình VN Index. 

Chỉ tính riêng trong năm ngoái, chỉ số cổ phiếu của 43 công ty có nữ lãnh đạo tại Việt Nam đã tăng 40%. Tổng chỉ số leo dốc 193% tính từ tháng 3/2009, áp đảo con số 107% của chỉ số VN Index gia tăng cùng kỳ.

Các công ty này có phạm vi kinh doanh bao phủ 7 lĩnh vực, với thị phần lớn nhất thuộc về ngành công nghiệp và tài chính. Lợi nhuận đạt được trong 5 năm nằm trong khoảng từ -72% đến 763%, trung bình ước đạt 72%, nhiều gấp rưỡi so với trung bình 55% của VN index.

Tính đến 9:20 sáng 31/3, chỉ số VN index leo dốc 0,4%, trong khi chỉ số cổ phiếu của các công ty có nữ lãnh đạo tăng 0,8%.

Theo bà Thủy, một phần nguyên nhân làm nên thành công của những nữ doanh nhân tại Việt Nam là các kỹ năng trui rèn được từ chiến tranh.

Theo bà Thủy, một phần nguyên nhân làm nên thành công của những nữ doanh nhân tại Việt Nam là các kỹ năng được trui rèn qua thời chiến. Khi những người đàn ông ra trận, phụ nữ sẽ là trụ cột trong gia đình, vừa phải mưu sinh, cùng lúc phải chăm sóc con cái, nhà cửa. 

Tuy tỷ lệ nữ giới nắm quyền điều hành trong các công ty tại Việt Nam mới chỉ đạt gần 7%, đây vẫn là con số cao nhất trong các nước Đông Nam Á, theo số liệu của Công ty khảo sát IFRC tại Philippines.

Theo đánh giá của ông Peter Ryder – CEO Indochina Capital, phụ nữ tại Việt Nam được trao quyền lực trong khi nữ giới tại các nước châu Á khác bị xem nhẹ. Indochina Capital là nhà đầu tư của những công ty có nữ lãnh đạo tại Việt Nam như Vinamilk – công ty sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam.

“Phụ nữ Việt Nam chăm chỉ, sáng suốt và rất tận tụy. Đó là một phần của văn hóa nơi đây”, ông Peter Ryder nhận định.

Các nữ giám đốc điều hành tại Việt Nam thường xem xét một cách tổng quan trước khi đưa ra quyết định hơn nam lãnh đạo, họ có xu hướng kêu gọi sự đồng thuận của cổ đông thay vì áp đặt chiến lược, ông Chris Freund tại Mekong Capital Ltd. nhận xét. Công ty của ông cũng đang đầu tư vào nhiều công ty lãnh đạo bởi nữ giới như PNJ.

Khi được hỏi về bí quyết giữ người, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Traphaco cho biết bà vẫn duy trì thói quen ăn trưa với nhân viên trong 11 năm lãnh đạo công ty sản xuất thuốc lớn thứ hai trên sàn niêm yết. 

Sắp tới, bà sẽ triển khai kế hoạch cung cấp thêm các sản phẩm vệ sinh cho nữ nhân viên. Nhờ những phương pháp đơn giản mà tâm lý này, Traphaco đã giữ được nhiều nhân lực cốt cán gắn bó với công ty dù có nhiều lời mời hấp dẫn hơn từ các doanh nghiệp đối thủ.

Bà Thuận là một ví dụ điển hình cho hình mẫu nữ lãnh đạo có khả năng mang không khí gia đình ấm cúng đến công ty, khiến mỗi nhân viên cảm thấy mình là một thành viên trong tập thể, từ đó trung thành tuyệt đối với công ty, ông Freund nhận xét.

Còn theo ông Simon Andrews – Giám đốc International Finance Corp., công ty con của Ngân hàng Thế giới – các nữ lãnh đạo trong hàng ghế quản trị sẽ làm đa dạng hóa góc nhìn trong quá trình xây dựng quyết định. 

“Nếu không đưa nữ giới vào ban lãnh đạo, các công ty đã tự loại bỏ khả năng đa dạng hóa của mình”, ông nhấn mạnh.

Vinamilk và Vingroup là hai trong số các công ty niêm yết hoạt động khởi sắc nhất tại Việt Nam trong vòng 5 năm qua, và cả hai công ty này đều có lãnh đạo là nữ.

Cổ phiếu Vinamilk đã tăng 688% kể từ tháng 3/2009, tổng giá trị thị trường của công ty cán mốc 5,6 tỷ USD ở thời điểm hiện tại. 

Dưới sự dẫn dắt của nữ CEO Mai Kiều Liên, sản phẩm của công ty đã vươn tới hơn 23 nước trên thế giới, dự kiến thu về hơn 3 tỷ USD trước năm 2017, cao hơn 500 triệu USD so với 5 năm về trước.

Bà Kiều Liên cho biết các nữ lãnh đạo thường cẩn trọng hơn, từ đó quản trị rủi ro tốt hơn. 

Còn cổ phiếu của Vingroup đã leo dốc 763% kể từ 2009. Bà Thu Thủy gia nhập Vingroup năm 2008 và nhậm chức tổng giám đốc điều hành 4 năm sau. Hiện thay chân bà Thu Thủy là bà Dương Thị Mai Hoa - một nữ tổng giám đốc mới.

Phương pháp biến đổi các trung tâm thương mại theo hướng lấy gia đình làm chủ đạo là “một góc nhìn mới trong lĩnh vực kinh doanh vẫn do nam giới chi phối, đó là điều khiến các quyết định của bà Thủy phát huy hiệu quả”, Tony Diep – Giám đốc điều hành Indochina Capital nhận xét.

Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo