Bí quyết thành công
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thành công khi khởi nghiệp bằng những nhiệm vụ “không tên”, không ngại khó trong công việc, từ bỏ phúc lợi để chọn môi trường làm việc phù hợp
Ngày đầu đặt chân vào giảng đường đại học (ĐH), ông Nguyễn Tuấn Quỳnh (hiện là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn), lọt thỏm giữa tập thể có nhiều sinh viên (SV) xuất sắc. “Tôi không đẹp trai, không học giỏi, không chơi thể thao cừ nhất nhưng tôi say mê nghiên cứu khoa học. Hằng ngày, tôi vào thư viện tìm tài liệu, phương pháp nghiên cứu khoa học và mạnh dạn gửi đề tài dự thi. Lần đầu, dù không đạt thành tích cao nhưng tôi lại được giải thí sinh trẻ tuổi nhất. Từ đó, tôi nổi tiếng” - ông Quỳnh kể tại buổi giao lưu “Lập nghiệp và làm giàu” do Trường ĐH Kinh tế TP HCM tổ chức mới đây.
Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất
Sau khi tốt nghiệp, chàng thanh niên Nguyễn Tuấn Quỳnh vào làm ở Công ty Sài Gòn Petro. Có nhiều thành tích khi học ĐH; mang theo tự tin, nhiệt huyết và... “bộ mặt ngước lên trời” bước vào công ty, ông Quỳnh đinh ninh mình sẽ được giao những công việc quan trọng. Không ngờ, nhiệm vụ đầu tiên người ta giao cho anh là... pha trà, gọi cơm trưa, đánh máy, photocopy tài liệu, trình ký hồ sơ... “Để làm tốt những việc “không tên” ấy quả thật không dễ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng quản lý sẽ không dám giao việc lớn cho nhân viên khi chưa hoàn thành những việc nhỏ. Quả nhiên, sau 6 tháng cố gắng, tôi được cất nhắc lên vị trí mới” - ông Quỳnh nhớ lại.
Gắn bó với doanh nghiệp (DN) đa quốc gia từ khi tốt nghiệp ĐH, bà Huỳnh Thị Xuân Liên, Phó Tổng giám đốc cấp cao phụ trách marketing của Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam, bộc bạch: “Từ khi còn là SV, tôi không ngại việc khó vì sợ mất đi cơ hội. Tôi cũng không ngại hỏi vì muốn giải quyết triệt để khúc mắc trong công việc. Dĩ nhiên, tôi luôn chuẩn bị sẵn ý kiến để tranh luận với cấp trên trong công việc”. Từ hai câu chuyện trên, nhiều bạn trẻ đã rút ra được kết luận: Để thành công, không nên quan tâm đến xuất phát điểm của công việc mà nên suy nghĩ phương án “chạy đua” trong thị trường lao động.
Không ngại thay đổi
Nhắc lại những ngày đầu khởi nghiệp, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại
TP HCM, chưa bao giờ hối hận về quyết định bỏ trường ĐH danh tiếng, từ chối học bổng nước ngoài để học ngành kế toán - kiểm toán theo sở thích. Sau khi tốt nghiệp, ông lại khước từ lời mời của DN đa quốc gia để đầu quân vào một đơn vị trong nước. Được chọn đi nước ngoài tu nghiệp, ông không ở lại mà trở về cơ quan cũ làm việc. Ông khẳng định: “Công việc và thu nhập khởi đầu không quan trọng bằng môi trường làm việc thích hợp với thế mạnh và tính cách của bản thân”. Quả thật, do nơi làm việc phù hợp, ông Đức nhanh chóng gặt hái nhiều thành công. Hiện ông là một trong những lãnh đạo DN trẻ nhất, có nhiều thành tích tại TP HCM.
Khi mới ra trường, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh luôn mặc định mình sẽ trung thành với nghề kinh doanh - ngành học ở trường ĐH. Song, thực tế 20 năm công tác, ông đã trải qua nhiều công việc khác nhau, như: xuất nhập khẩu, kế toán, tài chính, trợ lý tổng giám đốc... Theo ông, không phải người lao động nào cũng làm một công việc suốt đời. SV cần chuẩn bị cho những thay đổi trên con đường nghề nghiệp bằng cách tích lũy kiến thức xã hội, cách làm việc chuyên nghiệp, hoàn thành công việc vượt hơn sự mong đợi.
Bà Huỳnh Thị Xuân Liên cũng nhấn mạnh DN đánh giá cao những ứng viên tích cực đóng góp cho hoạt động cộng đồng, công tác đoàn thể, vừa học vừa làm. Do đó, SV nên sắp xếp thời gian hợp lý để tham gia các hoạt động do nhà trường, các đoàn thể tổ chức. Hiện một bộ phận không nhỏ lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị, DN xuất thân từ phong trào Đoàn, hội.
Theo Người lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo