Biến đổi trong hôn nhân của người Kơ Ho
Theo hôn nhân truyền thống, người Cơ Ho quan niệm rằng, hôn nhân không phải là việc riêng của mỗi cá nhân mà là việc chung của gia đình, dòng họ thậm chí của cả cộng đồng. Trai gái đến tuổi trưởng thành, thường là 15-16, đánh dấu bằng nghi lễ cà răng - căng tai, có thể tiến đến hôn nhân. Việc hôn nhân do người con gái và gia đình cô chủ động. Gia đình hoặc cô gái nhắm đến một chàng trai ưng ý và sắm sửa lễ vật đi hỏi chồng. Người con trai hoặc nhà trai có thể đồng ý ngay lần hỏi đầu tiên. Nhiều trường hợp, nhà gái đến hỏi nhiều lần, sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, nhà trai và người con trai mới ưng thuận.
Trong hôn lễ, vai trò của người cậu hai bên trai gái được đề cao. Sau khi gia đình chàng trai đã nhận lễ, đôi trai gái không được phép phản đối. Có nhiều đôi trai gái yêu nhau nhưng gia đình phản đối, họ nghe theo sự sắp đặt của gia đình hoặc phản kháng bằng cách bỏ nhà đi một thời gian, lúc đã có con mới trở về xin phép. Trường hợp cha mẹ hai bên đính ước khi con cái họ còn nằm trong bụng, chỉ diễn ra giữa các gia đình có quan hệ họ hàng cô - cậu, họ sẽ giết thịt một con gà cúng Yang, mỗi bên trao một chiếc nhẫn và một dây cườm cho hai bà mẹ làm chứng lời đính ước. Nếu một trong hai bên huỷ hôn ước thì phải bồi thường. Lễ vật bồi thường gồm: một chiếc khăn, một chiếc nhẫn, một dây cườm, 3-5 con trâu cùng nhiều ché rượu.
Tiêu chuẩn chọn chồng, chọn vợ của người Cơ Ho rất đơn giản: Người vợ đảm đang, khéo léo trong công việc làm ăn, nội trợ, tính tình nết na, ngoan ngoãn; người chồng khoẻ mạnh, siêng năng.
Người Cơ Ho nghiêm cấm trai gái có quan hệ tính giao trước hôn nhân. Luật tục quy định xử phạt rất nghiêm khắc những trường hợp để lại hậu quả. Theo đó, gia đình cô gái bị phạt bồi thường danh dự cho gia đình nhà trai và chàng trai. Lễ vật gồm: Một con heo, một ché rượu, một chiếc khăn, một sợi dây cườm và một chiếc nhẫn. Trong buổi phạt đó, ngoài những người thân, không thể thiếu ông cậu hai bên và già làng. Già làng đóng vai trò là trọng tài chứng kiến. Sau lễ phạt, đám cưới sẽ diễn ra bình thường theo phong tục. Trường hợp hai người không lấy nhau thì nhà trai phải bồi thường cho nhà gái. Lễ vật thường gấp đôi, nhà trai còn phải sửa soạn mâm cỗ để gia đình hai bên ăn uống. Khi cô gái đi bắt chồng thì mang chính lễ vật ấy bồi thường danh dự cho gia đình chàng trai khác. Gia đình cô gái phải giết trâu, đổ rượu cúng xin Yang tha thứ.
Trong cộng đồng Cơ Ho, người đàn ông mang giá trị lao động nên khi họ về ở nhà vợ, nhà gái phải đền bù một giá trị tương ứng. Giá trị đó thể hiện ở lễ vật thách cưới, thông thường lễ vật là lá khăn, dây cườm. Đây là bước không thể thiếu, bởi đó còn là nhân chứng và vật chứng cho hạnh phúc của hai người.
Hôn nhân một vợ một chồng trong cộng đồng Cơ Ho được xác lập vững chắc theo nguyên tắc ngoại hôn dòng họ.
Tuy nhiên, quan hệ hôn nhân con cô - con cậu hai chiều lại được ưu tiên và được luật tục cho phép. Ngoài ra, hình thức nội hôn tộc người cũng khá phổ biến. Theo họ, hình thức hôn nhân này không chỉ đảm bảo độ thuần khiết về “dòng máu” mà còn giúp cho việc củng cố và giữ vững sự đoàn kết nội bộ tộc người.
Nghi lễ đám cưới của người Cơ Ho được tiến hành trình tự theo hai bước chính:
Lễ đám hỏi: Theo phong tục, khi bố mẹ cô gái đã chọn được chàng trai ưng ý, gia đình sẽ bàn bạc với họ hàng để tiến hành đám hỏi.
Trước khi sang nhà trai, gia đình nhà gái phải ước chừng số thành viên trong gia đình, dòng họ nhà trai để chuẩn bị lễ vật. Lễ vật gồm: Khăn, nhẫn bạc, dây cườm… Cậu của cô gái sẽ đại diện gia đình trao nhẫn cho chàng trai. Trường hợp chàng trai tháo chiếc nhẫn ra khỏi ngón tay, chứng tỏ anh ta không đồng ý, nhà gái mang lễ vật về và hẹn vài ngày sau sẽ đến hỏi lại. Nếu gia đình cô gái này chưa chịu “từ bỏ” thì gia đình cô gái khác không được phép dạm hỏi. Khoảng 7,8 lần đi hỏi mà chàng trai nhất định không nhận lời, lúc này gia đình nhà trai sẽ đổ ché rượu, giết con gà để hai gia đình ăn uống làm hoà. Trường hợp chàng trai nhận lời, gia đình nhà gái sẽ cử người về nhà gọi cô gái sang. Đến nhà trai, hai người sẽ trao nhẫn và dây cườm cho nhau để tỏ lòng ưng thuận. Sau đó, họ cắm cần vào hai ché rượu, chàng trai sẽ cầm phía trên cần, cô gái cầm phía dưới cần. Cả hai cùng rót rượu vào tô mời họ hàng. Ông cậu hoặc đại diện hai bên sẽ thách cưới và thoả thuận. Khi đã chấp nhận, ông cậu bên nhà gái mời rượu ông cậu nhà trai và đeo dây cườm. Tiếp đó, bà mẹ cô gái mời rượu bà mẹ chàng trai và quàng khăn, lần lượt mọi người cùng vai vế sẽ làm như thế. Cuối cùng, đôi trẻ mời rượu nhau. Kết thúc nghi thức này, hai gia đình ngồi ăn uống, hò hát cho đến sáng mới thôi. Thông thường, nhà gái phải đi dạm hỏi đến 2, 3 lần thì chàng trai mới nhận lời để giữ giá cho mình và có thời gian tìm hiểu cô gái. Có trường hợp chàng trai đã nhận lời nhưng khi cô gái đến lại “nuốt lời” thì nhà trai phải đền cho nhà gái một con trâu. Chính con trâu này, cô gái để bồi thường cho người chồng tương lai của cô.
Lễ cưới: Theo phong tục, đám cưới có thể diễn ra ngay sau đám hỏi nếu nhà gái đã chuẩn bị đầy đủ đồ thách cưới và những thứ cần thiết cho đám cưới. Sau một đêm ăn uống, hát hò trong đám hỏi, sáng hôm sau, khoảng 9-10 giờ cả hai họ cùng nhau đưa chàng trai về nhà gái và không mang theo gì cả. Bố mẹ chàng trai phải ở nhà vì quan niệm bố mẹ đi theo con trai về nhà vợ là mang tiếng bán con. Ông cậu hoặc trưởng tộc sẽ dẫn đoàn nhà trai đưa chú rể về nhà vợ. Nhà gái đã chuẩn bị sẵn hai ché rượu, họ ngồi thành hai hàng theo thứ tự tuổi tác và ngôi thứ. Đại diện nhà gái mời ông cậu của chàng trai cắm cần rượu vào hai ché. Sau lời giới thiệu lí do có mặt, hai họ ăn uống hát hò với nhau đến tối, trước khi làm lễ trùm khăn cho đôi vợ chồng mới cưới.
Lễ trùm khăn được diễn ra trong buồng ngay đêm tân hôn. Nhà gái chuẩn bị một cái mâm, đặt một con gà, hai cái liềm, hai điếu thuốc. Hai vợ chồng cùng nhau hút một điếu thuốc, sau đó chụm đầu vào nhau để tộc trưởng nhà gái trùm khăn. Trong khi hai vợ chồng trùm khăn, hai họ thay nhau chỉ dạy về cách làm ăn, cách cư xử… Kể từ phút đó, hai người chính thức trở thành vợ chồng. Xong xuôi, hai vợ chồng mở khăn ra và mọi người cùng xé thịt gà ăn. Hai bên gia đình cùng ăn uống hát hò cho đến hết đêm. Đến sáng hôm sau, lễ cưới được xem là đã hoàn tất.
Ngày nay, hôn nhân được xây dựng trên cơ sở tình yêu tự do. Nam nữ tự do gặp gỡ, tìm hiểu nhau trước hôn nhân. Độ tuổi hôn nhân cũng được nâng lên phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam. Tục đính ước và hôn nhân con cô - con cậu không còn phổ biến và ít được giới trẻ ủng hộ. Tục thách cưới đã thay đổi trên hai phương diện: Lễ vật và mục đích thách cưới. Các lễ vật thách cưới đều được quy đổi thành giá trị bằng vàng hoặc tiền. Theo quan niệm truyền thống, việc thách cưới là để nhà trai bù lại những tổn thất khi người con trai về nhà vợ. Hiện nay, số tiền thách cưới đó, một phần được dùng để nhà trai chi phí cho lễ cưới, số còn lại để đôi trẻ có vốn làm ăn. Ngoài ra, trong cộng đồng Cơ Ho còn có tục nhà gái thách cưới, đó là trường hợp cô gái đi lấy chồng người Kinh hoặc cô gái theo chàng trai về làm dâu.
Nguyên tắc ngoại hôn dòng họ của người Cơ Ho đã có nhiều biến đổi. Trong cộng đồng đã xuất hiện một vài trường hợp đa thê nhưng vẫn được chấp nhận. Ngoại hôn dòng họ chỉ áp dụng đối với những người cùng họ có mối quan hệ huyết thống, những người chỉ đơn thuần cùng họ thì vẫn có thể lấy nhau. Xu hướng hôn nhân của người Cơ Ho ở Ka Đơn với tộc người khác cũng ngày càng phổ biến, đặc biệt là quan hệ hôn nhân với người Kinh
Ngoài ra, người Cơ Ho ở Ka Đơn vẫn duy trì hình thức hôn nhân nối dòng. Tuy nhiên cũng có nhiều biến đổi, khi gia đình có người chồng hoặc người vợ chết thì việc nối dòng là điều bắt buộc và người được chọn không được phép phản đối. Hiện nay, tục nối dòng được nới lỏng, dựa trên sự ưng thuận của người nối nòi và người được chọn, không còn trường hợp nối dòng: người quá trẻ lấy người quá già.
Một số nghi lễ tổ chức đám cưới truyền thống được giản lược, đồng thời xuất hiện thêm những yếu tố mới. Đám hỏi thường chỉ diễn ra một lần với nghi thức đơn giản, vào sáng hoặc chiều và cô gái đi cùng.
Cùng với xu hướng phát triển và hội nhập chung của đất nước, sinh hoạt văn hoá của người Cơ Ho ở Ka Đơn, Đơn Dương có nhiều biến đổi, đặc biệt trong quan hệ hôn nhân. Các nghi lễ truyền thống được tổ chức giản lược, xuất hiện nhiều phương thức mới trong tổ chức đám cưới, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hoá người Kinh. Những biến đổi này là biểu hiện của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục và văn hoá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tỷ phú Mỹ tuyên bố quay lưng với Đàm Vĩnh Hưng vì vụ kiện 'mất vài ngón chân', Mr.Đàm tỏ thái độ lạ
Thanh Thuỷ vừa đăng quang Hoa hậu Quốc tế đã lộ giấy đăng ký kết hôn?
Vợ cũ đại gia của Đàm Vĩnh Hưng tỏ thái độ sau khi nam ca sĩ kiện tỷ phú Mỹ vì đứt lìa vài ngón chân
Ai là người đưa vụ kiện của Đàm Vĩnh Hưng lên mạng xã hội? Lý do thật sự khiến Mr.Đàm đứt vài ngón chân là gì?
NS đầu tiên ra mặt hé lộ về vụ Đàm Vĩnh Hưng bị đứt vài ngón chân, tuyên bố sẽ làm chứng trước tòa
Sốc với cảnh Kim Nhã hôn cả nam và nữ, sự thật sau tin đồn yêu đồng giới ra sao?