Biểu tượng hoa văn trên bộ trang phục của người Tà Ôi
Để làm nên một bộ trang phục của người Tà Ôi, hết sức công phu từ công đoạn tìm và tạo chất liệu vải cho đến vật liệu bộ khung dệt và dệt. Dệt những bộ trang phục thông thường đã khó và khi chèn cườm lại càng khó hơn. Bởi lẽ những nét hoa văn họ sáng tạo ra không chỉ để trang trí thuần túy mà còn mang biểu tưởng của một xã hội tộc người...
Biểu tượng cuộc sống qua hoa văn trên trang phục của dân tộc Ta Ôi có thể chia làm 8 loại chủ yếu sau:
Biểu tượng cố kết cộng đồng: Gồm có 6 hình ảnh tiêu biểu. Đó là Trmóq pakoóm - “Tương hợp, giao hòa”, Karboóq trmóq - “Đoàn kết một lòng”, Siteeng teeng r-al - Liên kết tỏa sáng, Siteeng teeng pakhâm - “Liên kết bền vững”, charbeeng - “Cầu nối đơn”, Charbeeng kloak - “Cầu nối đôi”. Như chính tên gọi, các hình ảnh trên quy tụ thể hiện tính cố kết ở mọi phương diện cuộc sống để cùng tồn tại và phát triển. Và đó cũng là đặc trưng đáng trân trọng và cần khai thác triệt để để tiếp tục làm nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội Ta Ôi thời hiện đại.
Biểu tượng lao động và sản phẩm lao động: Là chuỗi hình ảnh về phương tiện lao động, sản phẩm lao động và vai trò lao động của người phụ nữ. Hình ảnh về phương tiện lao động gồm: Kanooi - “Cái ổ” để chăn nuôi; Apơat - “Cái trỉa” để trồng trọt; Apoóh tiho - “Bẫy sập”, Aram - “Cái đơm”, Anoók - “Cái xúc cá”, Mbeen - “Cái lưới” để săn bắt; Karta - “Cầu thang” để cất giữ, sấy khô lương thực, thực phẩm. Hình ảnh về sản phẩm lao động có thể từ việc trồng trọt mà có như Tôm a-úm - “Cây ngô”, Tôm khăn - “Cây sắn”, Tôm aro - “Cây lúa”, Kallong atuang - “Hạt đậu” nhưng cũng có thể hái lượm sản vật rừng núi sông suối như Abăng - “Mụt măng”, Pir Arui - “Hoa đỗ quyên”, Kartoonh - “Rau rớn”,.... Hình ảnh thể hiện vai trò lao động của người phụ nữ duy nhất là Klikloóh - “Đàn bà giã gạo” hay cũng chính là hình ảnh Mẹ lúa. Trong lao động để tạo ra thu nhập thường nhật cho gia đình, cộng đồng, trụ cột lại chính là phụ nữ.
Biểu tượng chiến đấu thể hiện rõ nhất qua 6 hình ảnh: Khêl - cái khiên, Talleau - “cái kiếm”, Kos - “Giáo”, Chiroóng - “Chông”, Tarăh - “Mũi tên”, Karring - “Hàng rào kiên cố”. Nhữnh hình ảnh này vừa là vũ khí giao tranh với đối phương khi xảy ra cuộc chiến vừa là phương tiện bảo vệ, an toàn, ổn định cuộc sống cộng đồng nhưng cũng vừa là thông điệp chủ quyền, sở hữu về một vùng, một khu vực nào đó. Dân tộc Ta Ôi cũng như các dân tộc khác ở vùng Bình Trị Thiên, đã từ lâu dấy lên tinh thần yêu nước thương nòi. Ngay từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng hồi đầu công nguyên dưới cái tên người Lý ở vùng Ô Lý, người Ta Ôi đã cùng hợp lực nhất tề đứng lên đánh đuổi giặc Hán. Rồi đến các cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Tây Sơn, chống thực dân Pháp, chống phát xít Nhật và chống đế quốc Mỹ, lòng vẫn không sờn, họ đem cả sức người sức của phục vụ kháng chiến cùng các dân tộc khác của Việt Nam. Chỉ bằng những thứ vũ khí thô sơ ấy mà đã có bao nhiêu người con Ta Ôi lập nên kì tích. Anh hùng liệt sĩ A Vâu (xã Hồng Kim, huyện A Lưới), đã đào hố thả chông, đặt bẫy giết nhiều tên Mỹ, nguỵ; Hồ Thị Đơm (xã A Ngo, huyện A Lưới), đặt chông, hái lá rừng ủ men thả vào đoạn sông mà kẻ thù thường xuyên uống ăn...
Biểu tượng Ẩm thực: Bao gồm những hình ảnh về món bánh đặc trưng là Akoat - “Bánh sừng”; những thực phẩm ưu chuộng và phổ biến như Chipos ntroi - “Cựa gà”, Chiris asiu - “Xương cá”; những vật chứa gia vị mang đậm cốt cách của vùng sâu lạnh như Parrúk prík - “Mấu nhồi ớt”, Chipar prík - “Hũ ớt” và những loại cây cho nước làm thành rượu uống như Atao - “Rượu Aveat”, Ala Pardin - “Rượu đình đình”, Ala Tuvak - “Lá đoác”. Cơ cấu ẩm thực của người Ta Ôi tuy không cầu kỳ, đa dạng nhưng độc đáo, riêng có, gắn bó với điều kiện địa lý, địa chí vùng miền rừng núi, khe suối và có độ ẩm cao.
Biểu tượng ca múa nhạc và lễ hội: Tuy chỉ thể hiện qua 4 hình ảnh: Ngai Yayăq - “Đàn ông nhảy hội”, Ngai Răm - “Đàn bà múa hội”, Mmoók - Cột lễ”, Abóh oos - “Bếp lửa” nhưng đã toát lên đầy đủ bức tranh dân ca, dân nhạc, dân vũ gắn kết lễ hội truyền thống độc đáo, tâm linh. Ngai yayăq tượng trưng cho sức mạnh phi thường, anh dũng trong chiến đấu với các trở lực và là sự khởi đầu cho mọi nguồn sinh lực hội, lễ cộng đồng. Ngai Răm tượng trưng cho vẻ đẹp hoang sơ, nhu mì, chung thủy và nặng gánh gia đình của người phụ nữ vùng cao. Mmoók tượng trưng cho điểm tương giao, hội ngộ giữa con người và thần linh bảo hộ, chở che, minh giám diễn tiến cuộc sống cộng đồng. Abóh oos là mạch máu cơ thể cộng đồng, là mạch sống sinh sôi, ấm áp xuyên thời gian.
Biểu tượng truyện cổ: Được sơn nữ Tà Ôi chú tâm khai thác và thể hiện đa dạng nhưng chủ yếu có các hình ảnh sau: Ngkoang katíng - “Dốc parsee - dốc tình yêu bất tử”, Pir pang - “Truyện cổ tích Pir Choonh”, Trangâu plôm - “Truyện cổ tích Pir Tulíq”, Kineang Tring - “Chương Kalang Niêt Ka trong sử thi Achât). Ngkoang Katíng là nơi ghi lại chuyện tình bất tử của một chàng trai mồ côi, nghèo khổ với một cô gái nhà giàu, xinh đẹp nhất làng. Pir Pang là cô gái mang tên loại hoa rừng mỹ miều, chăm ngoan và giỏi dang việc bếp núc, nương rẫy khiến nhiều chàng trai tứ xứ si mê, theo đuổi và cuối cùng chàng trai mồ côi, vạm vỡ, không kém phần giỏi dang đã được nàng chọn làm ý trung nhân. Trangâu plôm là linh hồn của bà phù thuỷ ác độc, cam tâm giành chồng của nàng Pir Tulíq và khiến đến nỗi nàng bị chồng đưa đến ngọn núi cao nhất, xa nhất, không biết đường về nhà, rồi giết chết. Kineang Tring là hình ảnh hung dữ, tàn bạo, ăn thịt người của cha mẹ nàng Thiên Nga xinh đẹp trên không trung đã bị chàng Achât hạ bệ sau khi lập mưu, tính kế một cách cẩn trọng.
Biểu tượng tổ tông, dòng họ: Có khá nhiều hình ảnh nhưng tiêu biểu là Kooi rét (con Kì Đà) - “Họ Blup Akôl”, Kiring (cá Kiring ở suối sâu) - “Họ Kiring”, Pile pis (quả bưởi) - “Họ Kansoaiq”, Piriu (quả Piriu trong rừng) - “Họ Piriu”, Parlong (quả dâu rừng) - “Họ Parlong”, Adeeng (lá môn thục) - “Họ Adeeng”, Apăl (cối giã) - “Họ Apăl”. Những hình ảnh thể hiện tổ tông, dòng họ đa dạng về thể loại (động vật, thực vật, đồ vật...) và khi xướng danh có thể nhằm tôn thờ hoặc kiêng, cữ.
Biểu tượng siêu nhiên: Dồm có 4 hình ảnh đặc tả những vị thần hiện hữu thường trực trong thế giới tâm linh của cộng đồng người Ta Ôi: Vavak (bươm bướm) - “Linh hồn tổ tiên”, Aseap (con dơi) - “Thần hộ vệ trừ tà ma”, Adang (con nhện) - “Thần hộ vệ trừ bệnh tật”, Chidoang avang (đuôi chim én) - “Thần mùa xuân”.
Càng đi sâu vào thế giới hoa văn trên trang phục truyền thống càng có nhiều điều đáng nói về bản sắc văn hoá dân tộc Ta Ôi ở đủ các bình diện (văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần, văn hoá xã hội), sống động mà êm ả, cầu kỳ mà thanh nhã. Xâu chuỗi 8 loại biểu tượng hoa văn đã nêu trên, chúng ta nhìn thấy toàn cảnh bức tranh xã hội dân tộc Ta Ôi. Chỉ việc chèn kết những đoạn thẳng, những hình răng cưa mà chủ đạo là hình tam giác, vô tình, nữ Ta Ôi đã trở thành người gìn giữ và truyền tải một phần kho báu văn hoá của dân tộc mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn về cái chết của nữ minh tinh huyền thoại Hollywood - Natalie Wood
Người Công giáo đón Tết Nguyên đán như thế nào?
Du lịch nội địa Việt Nam hút khách 'Tây ăn Tết ta'
Hoa hậu Kỳ Duyên lần đầu lên tiếng nói rõ về tin đồn yêu Đoàn Thiên Ân khiến dân tình ngỡ ngàng
Xuân Son bất ngờ xuất hiện ở Táo Quân 2025, chi tiết đặc biệt về ĐT Việt Nam khiến NHM phấn khích
Hoa hậu Lê Hoàng Phương lên tiếng về tin đồn đang hẹn hò bồ cũ 2k4 của Thiều Bảo Trâm