Doanh nghiệp - Doanh nhân

Bỏ việc nha sĩ xây dựng ứng dụng thanh toán giao dịch tỷ USD mỗi tháng

Lee Seung-gun từng khiến gia đình hoang mang khi từ bỏ công việc nha sĩ tại bệnh viện thuộc tập đoàn Samsung để thành lập startup ứng dụng di động.

Sau 7 năm và 8 ứng dụng thất bại, người sáng lập của Viva Republica đã thành công với ứng dụng thanh toán Toss - hiện có 8 triệu người đăng ký với các giao dịch lên tới 1,4 tỷ USD một tháng.

Ngày 18/6, Viva Republica tuyên bố nhận được khoản đầu tư 40 triệu USD từ GIC Pte. và Sequoia China. Theo đó, tổng số vốn đầu tư công ty có trụ sở tại Seoul này đã huy động được là 116 triệu USD.

Ứng dụng Toss, cho phép người dùng chuyển cho nhau số tiền lên 2 triệu Won (1.822 USD) mỗi ngày, đã gây sốt ở Hàn Quốc khi giảm thời gian chuyển tiền xuống chỉ còn vài giây. Ứng dụng này đã giúp cải tiến hệ thống thanh toán thường bị tắc nghẽn bởi các hình thức bảo mật và thống trị bởi các ngân hàng tại Hàn Quốc. Thành công của Toss được xem là là điều hiếm gặp tại nền kinh tế vốn được thống trị bởi các nghiệp đoàn lớn như Samsung hay LG.

Lee Seung-gun, người sáng lập Viva Republica - Ảnh: Bloomberg.

"Ở Hàn Quốc, mọi người thường sợ thất bại, bởi thất bại là điều khó có thể tha thứ", Lee, 36 tuổi cho biết. "Tôi đã từng có công việc đảm bảo không thất bại, nhưng tôi không hạnh phúc".

Sau khi bỏ công việc nha sĩ, con đường khởi nghiệp của Lee không mấy suôn sẻ. Lee đã bỏ 150 triệu Won (gần 136.000 USD) tiền tiết kiệm để thành lập Viva Republica và lần lượt chứng kiến nhiều ứng dụng của công ty thất bại. Từng có lúc trong tài khoản ngân hàng của Lee chỉ có 20.000 Won (18 USD) và phải nhờ đến gia đình của các nhân viên công ty - khi đó làm việc không lương - để công ty tiếp tục hoạt động.

Toss nổi lên như một ứng dụng trong lĩnh vực mà chưa có quy định pháp lý rõ ràng nào và chỉ thực sự thành công vào năm 2015 khi cơ quan giám sát tài chính của Hàn Quốc chấp nhận hoạt động gửi tiền giữa các cá nhân cho nhau là hợp pháp. Sau đó, Lee hợp tác với các tổ chức tài chính lớn như Kookmin Bank và Samsung Card.

Cùng với sự thành công của Toss cũng là sự cạnh tranh từ các đối thủ như Naver Corp - công ty sở hữu cổng tìm kiếm lớn nhất Hàn Quốc và Kakao Corp - ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại nước này. Cả hai công ty này đều "nhảy" vào lĩnh vực thanh toán di động.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, thị trường thanh toán trực tuyến giữa các cá nhân của nước này đã tăng trưởng 417% trong năm ngoái so với năm 2016. Viva Republica cho biết ứng dụng Toss xử lý 70% trong số 35 tỷ USD giao dịch trung bình mỗi ngày và đã mở rộng sang nhiều dịch vụ tài chính khác như quản lý điểm tín dụng.

 

"Ngày càng nhiều ngân hàng đang đẩy nhanh tốc độ giao dịch trực tuyến sau khi những ứng dụng như Toss mọc lên", Kim Kyong-hwan, người nghiên cứu các startup của Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc). "Những ứng dụng này đang buộc các tổ chức tài chính hiện tại của Hàn Quốc phải thay đổi cách làm kinh doanh bởi những rào cản pháp lý đã giúp họ kéo dài quá lâu quá trình chuyển đổi sang kỹ thuật số của mình".

Thành công của Toss, ứng dụng cũng nhận được đầu tư từ PayPal Holdings Inc., Goodwater Capital và Altos Ventures, đã giúp Lee được mời vào nhóm các quản lý doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống Moon Jae In trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul, Lee quyết định nhìn lại sự nghiệp của mình sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự với một phần công việc là điều trị bệnh cho người dân trên một hòn đảo hẻo lánh của Hàn Quốc. Đó là khi ông nhận ra rằng với một ứng dụng, ông có thể tiếp cận được nhiều người hơn với một bệnh viện.

Tuy nhiên, bỏ công việc tại bệnh viện thuộc sở hữu của Samsung - tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc không hề dễ dàng. Sức mạnh tài chính và ổn định đã giúp các công ty như thế này thu hút được những sinh viên tốt nhất và đảm bảo cuộc sống cho họ - điều mà nhiều startup khó cạnh tranh được.

Điều đó có nghĩa là Lee phải tìm một thị trường ngách vừa dễ tiếp cận vừa cần ít vốn và ông tìm được cơ hội khi nhìn vào những hạn chế của hệ thống thanh toán tại Hàn Quốc.

 

Nên đọc
Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo