Bồi hoàn tài sản, Dương Chí Dũng có thể thoát án tử?
Tin tức trên báo Tiền phong, tại khoản 3, Điều 40 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động bồi hoàn ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Cựu trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - Dương Chí Dũng bị tuyên tử hình về hành vi tham ô tài sản, số tiền 10 tỷ đồng và liên đới 100 tỷ đồng với tội danh Cố ý làm trái. Theo điều luật nói trên, nếu bàn riêng về vấn đề tài chính, ông Dũng có thể sẽ thoát án tử hình khi chỉ cần bồi hoàn 3/4 trong số 10 tỷ đồng của tội Tham ô tài sản.
Về quy định lập công lớn, luật sư Tiến nêu ví dụ như việc người bị kết án tử hình đó có thể biết thông tin sai phạm của cá nhân, tổ chức nào đó để tố giác. Theo Luật sư Phạm Thanh Sơn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, về vấn đề khắc phục, bồi hoàn tài sản chỉ là yếu tố xem xét giảm nhẹ, chưa phải là lý do quyết định.
Luật nói ít nhất phải bồi hoàn 3/4, không có nghĩa 1/4 còn lại họ được giữ, hoặc tẩu tán cho người thân. Có một thực tế là, khi nhiều vụ án tham nhũng được phanh phui, hầu như khối tài sản đã bị “chuyển hóa” sang nhiều chủ thể khác nhau, thậm chí là đã thất thoát phần lớn và luôn khó khăn trong công việc thu hồi.
Chính vì vậy, khi quy định thu hồi 3/4 tài sản để xem là hình thức giảm nhẹ đáng kể cũng là hợp lý. Ngoài ra, nếu kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ để chứng minh khối tài sản 1/4 còn lại, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể thu hồi theo luật định.
Khi đã hội tụ đủ yếu tố để giảm án, nếu quá trình thụ án tù chung thân, người phạm tội không có ý thức bồi hoàn nốt số tiền nói trên, dù có khả năng bồi hoàn và số tiền tham nhũng thực tế vẫn còn, họ có thể sẽ không được xem xét để giảm án và phải ngồi tù suốt đời.
Như vậy, nếu đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật, bị án Dương Chí Dũng sẽ được giảm xuống tù chung thân. Tuy nhiên, theo Điều 63 của Bộ luật Hình sự năm 2015, với loại tù chung thân này, thời gian chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành hình phạt 30 năm. Báo Dân Việt thông tin.
Dương Chí Dũng (SN 1957) bị bắt tháng 9/2012, khi 55 tuổi. Nếu bị án thuộc trường hợp được giảm án như quy định của pháp luật thì phải đến 85 tuổi mới được ra tù (trong trường hợp không phạm tội mới - PV).
Trước đó - tại cuộc họp báo quý IV năm 2015 của Bộ Tư pháp (ngày 31/12/2015), ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết: Dương Chí Dũng phải nộp án phí 218 triệu đồng và liên đới bồi thường 110 tỷ đồng, nhưng tới nay mới chỉ tự nguyện nộp lại 5,2 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo