Văn hóa

Ca trù tìm đường “cất cánh”

Ngày 30/11, lớp truyền dạy ca trù đầu tiên đã khai giảng tại Viện Âm nhạc Việt Nam, như một động thái thúc đẩy cam kết bảo vệ và hướng đến mục tiêu trở thành di sản văn hóa thế giới.

Dẫu vậy, người quan tâm đến ca trù vẫn lo lắng, vì Việt Nam chỉ còn thời hạn 2 năm nữa để giữ nguyên danh hiệu đã được UNESCO công nhận.


Lớp học đầu tiên

Lần đầu tiên 30 học viên là các hạt nhân được tuyển chọn từ các Câu lạc bộ ca trù trong cả nước đã tham dự lớp học do Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức. Trong buổi khai giảng, học viên vừa được nghe các nhà nghiên cứu ca trù hàng đầu như nhà văn Ngô Văn Phú, PGS.TS Vũ Nhật Thăng, NSƯT Nguyễn Văn Khuê diễn giải, giới thiệu về âm nhạc và văn thơ trong ca trù; vừa được thưởng thức các tiết mục Thét nhạc, Bắc phản - Hát nói, Ba mươi sáu giọng, Tỳ bà hành do nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, ca nương Phạm Thị Huệ trình diễn.

Lớp học truyền dạy ca trù sẽ kéo dài trong 10 ngày. PGS. TS Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc cho biết: "Năm nay, Viện tổ chức hai lớp học, một lớp cho các học viên có trình độ phổ thông về ca trù, đang sinh hoạt tại các Câu lạc bộ ca trù trong cả nước, một lớp có trình độ cao gồm các ca nương, kép đàn, trống chầu đã có hiểu biết, biểu diễn về ca trù, nhưng muốn nâng cao khả năng trình diễn. Năm 2013, Viện Âm nhạc sẽ đề xuất Bộ VHTT&DL cấp kinh phí để mở nhiều lớp học hơn".

Mong mỏi khó thành sự thật

Các cuộc khảo sát mới đây cho thấy, Việt Nam hiện còn 18 nghệ nhân ca trù, đều ở độ tuổi ngoài 80 (năm 2009 khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp còn 21 nghệ nhân). Thế hệ kế cận muốn gắn bó với ca trù ngày càng ít. Cả nước có khoảng 60 Câu lạc bộ ca trù với 500 thành viên, nhưng số người có thể trình diễn hát ca trù không nhiều như vậy.

Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2005, chỉ có chưa đầy 10 câu lạc bộ tham dự. Đến Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2011, con số này đã lên tới vài chục. Nhưng trong cuộc họp giữa các cơ quan quản lý văn hóa và đại diện 15 tỉnh, thành có câu lạc bộ tham gia Liên hoan, nhiều đơn vị đã thừa nhận: Họ không biết gì về ca trù, vì học được mấy bài của các nghệ nhân nên đăng ký tham gia. Và Viện Âm nhạc Việt Nam - đơn vị đăng cai tổ chức Liên hoan ca trù toàn quốc, cũng cho biết: Không phải tất cả các câu lạc bộ tham gia liên hoan đều có đào nương, kép đàn có thể biểu diễn ca trù chuẩn. Song, liên hoan ca trù vẫn khuyến khích mọi đối tượng tham gia để thúc đẩy phong trào trên cả nước cũng như nâng cao nhận thức của người dân.

Hơn 3 năm trở thành di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, nhưng những việc làm được so với kế hoạch đặt ra chỉ là kiểm kê, lên danh sách nghệ nhân, câu lạc bộ, tổ chức hội thảo, hội nghị và các cuộc liên hoan. Còn việc để có một chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân, nghệ sĩ, câu lạc bộ ca trù… thì vẫn "dậm chân tại chỗ". Ngay cả lớp truyền dạy ca trù đầu tiên, theo Quyết định 4351/QĐ-BVHTTDL ngày 8/11/2012 của Bộ VHTT&DL sẽ khai giảng vào 10/11, nhưng đến tận 30/11 lớp học mới bắt đầu.
 
Trong kỳ liên hoan năm 2011, PGS.TS Đặng Hoành Loan rất tự tin cho rằng: "Chỉ khoảng 2 năm nữa, Việt Nam có thể làm hồ sơ đề nghị UNESCO rút ca trù khỏi danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp để trở thành di sản phi vật thể đại diện của nhân loại". Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, có vẻ như niềm tin này khó thành sự thật, nếu như UNESCO đánh giá công tác bảo tồn di sản của Việt Nam là thiếu và yếu. Theo quy định của UNESCO, sau 5 năm được công nhận, nếu nước sở tại không có các chính sách bảo tồn hợp lý, di sản sẽ sẽ bị thu hồi danh hiệu. Như vậy, Việt Nam chỉ còn 2 năm nữa để tìm đường cho ca trù, liệu có kịp "chữa cháy"?

 

 

Bích Hảo (Theo KTĐT)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo