Doanh nghiệp - Doanh nhân

Cách đặt câu hỏi của Steve Jobs mà người quản lý nào cũng nên học tập, chỉ 2 câu hỏi đủ để nhân viên nói thật hết về tình hình công ty

Steve Jobs rất bận rộn và không có thời gian theo dõi tất cả các báo cáo được gửi tới. Thay vào đó, ông thường hỏi nhân viên 2 câu trong cuộc họp nhưng chỉ vậy cũng đủ để nắm hết tình hình của các bộ phận.

Steve Jobs dành phần lớn thời gian của mình để cống hiến cho Apple, nhưng bên cạnh đó ông cũng là nhà đầu tư chính, kiêm chủ tịch của Pixar. Việc quản lý một công ty công nghệ lớn như Apple khiến cho Steve Jobs chỉ còn lại một quỹ thời gian khá eo hẹp cho Pixar. Do đó, ông cần phải nghĩ ra một phương thức đặc biệt để nắm bắt tình hình tại Pixar và đưa ra quyết sách nhanh nhất có thể.

Trong một bài viết về chiến lược quản lý của Steve Jobs trên trang Medium, tác giả Andy Raskin đã miêu tả lại rằng Jobs chỉ cần đặt ra 2 câu hỏi trong mỗi cuộc họp và lắng nghe nhân viên của mình trả lời là đã đủ hiểu hết tình hình công ty.

Trước mỗi lần tới họp tại Pixar, Jobs đều sắp xếp lịch họp trước với các nhóm tại công ty này. Thông thường buổi họp của ông sẽ chỉ có tối đa khoảng 12 người mà thôi. 

Steve Jobs.

Ngay khi bắt đầu cuộc họp, Jobs sẽ chỉ định một người bất kỳ và hỏi rằng "Bạn hãy chỉ cho tôi biết ở Pixar bộ phận nào làm việc không tốt". Người được chỉ định sẽ phải nói ra ý kiến của mình và Jobs sẽ hỏi xem mọi người có đồng ý hay không.

Tiếp theo, Jobs chọn ra một nhân viên mới và hỏi "Bạn chỉ ra cho tôi bộ phận nào tại Pixar đang làm việc tốt".

Với mỗi phiên họp, Jobs sẽ lập đi lập lại 2 câu hỏi này với các thành viên cho tới khi nào ông cảm thấy mình đã hiểu rõ tình hình và các vấn đề tại công ty hay các vấn đề nảy sinh trong các team.

Sếp có thể hỏi bất kỳ điều gì trừ câu "Ai có ý kiến gì không?"

Đối với các nhà quản lý thì việc nhận được thông tin phản ánh từ các nhân viên bên dưới là điều vô cùng quan trọng để có thể đưa ra quyết sách đúng đắn. Nhưng thực tế thì không phải ai cũng biết cách đặt ra câu hỏi để các nhân viên nêu ra các kiến nghị, phàn nàn hay góc nhìn thực sự của mình về công ty.

 

Đa phần các quản lý khi tham gia vào một cuộc họp lớn đều đặt ra một câu hỏi vô cùng chung chung "Ai có ý kiến gì để giúp team phát triển hơn không?" Tất nhiên, những câu hỏi kiểu này sẽ chỉ mang lại bầu không khí im lặng hoặc tất cả cùng "đồng lòng" trả lời một chữ "Không" mà thôi.

Cách làm của Steve Jobs để khắc phục tình trạng này chính là ông chọn ra một nhân viên ngẫu nhiên, đặt cho họ một câu hỏi mở mà họ không thể trả lời qua loa bằng một chữ "không". 

Như câu hỏi đầu tiên của Steve Jobs không hẳn là chỉ ra bộ phận có vấn đề trong công ty mà nó là một câu hỏi mở, buộc người trả lời phải chỉ ra bộ phận nào đang có vấn đề "nhất". Bởi trong một tập thể, không bao giờ có chuyện tất cả các cá nhân đều có sự thể hiện ngang nhau, sẽ phải có người hơn kẻ kém. Và như vậy câu hỏi này sẽ luôn có một câu trả lời rõ ràng chứ không đơn thuần chỉ là câu trả lời cho có như "Em thấy không có bộ phận nào không tốt" hay "Em thấy không cần cải thiện gì". 

Nếu người được hỏi đưa ra câu trả lời nhưng không được sự đồng tình của mọi người trong phòng thì ít nhất cũng đã có sự thảo luận, bàn bạc được đưa ra và Steve Jobs đã có thêm thông tin về ý kiến của người nhân viên được hỏi cũng như những người phản biện để từ đó phân xử, đưa ra quyết sách phù hợp.

Cách đặt câu hỏi đặc biệt này của Steve Jobs là điều mà bất kỳ một quản lý nào cũng nên học theo để loại bỏ đi sự nhàm chán, không khí tĩnh lặng cùng sự "đồng lòng giả tạo" trong rất nhiều cuộc họp hiện nay.

 

Nên đọc
Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo