Cần đổi mới cách quản lý Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (BTMTVN, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) là địa chỉ không thể thiếu đối với nhiều du khách trong nước và quốc tế tới thăm Hà Nội. Bởi lẽ, đây là nơi họ hy vọng có “hệ thống trưng bày các sưu tầm hiện vật và tác phẩm quan trọng của Việt Nam cung cấp cho công chúng những hiểu biết sâu sắc độc đáo về nền văn hóa và lịch sử của cộng đồng các dân tộc của Việt Nam” - đúng như lời tự giới thiệu của BTMTVN trên trang web của mình. Tuy nhiên…
Du khách đòi hỏi cao hơn ở bảo tàng quốc gia
Là một người chuyên hướng dẫn khách du lịch hơn hai chục năm nay, nơi đây đối với tôi trở nên yêu mến, thân quen như chính nhà mình. Dẫn khách đi xem, thật vui mừng và phấn khích khi nghe những lời khen, những nhận xét tinh tế sâu xa nhưng cũng không thể không buồn đến lặng người trước những đánh giá khách quan, những lời chê xác đáng của những người khách là đồng bào ta và cả bạn bè quốc tế đến từ Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Thuỵ Điển, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... nói về thực trạng hiện nay của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tham quan bảo tàng, du khách hiểu được những nét tiêu biểu trong tiến trình lịch sử mỹ thuật Việt Nam từ thời xa xưa bởi những nét khắc khoẻ khoắn, duyên dáng trên vách đá hang Đồng Nội, hình người, hình thuyền, hình chim,... trên trống đồng Ngọc Lũ, điêu khắc đình làng cho đến hệ thống hiện vật mỹ thuật truyền thống qua các triều đại.
Tuy nhiên, những yếu tố cần thiết tối thiểu để nâng cao giá trị, tăng thêm tính hấp dẫn, tính khoa học thì người xem chưa thoả mãn, cho rằng nó quá tụt hậu, không tương xứng với tầm vóc một bảo tàng quốc gia.
Khi giới thiệu cho du khách, tôi cảm nhận rất rõ, dù bảo tàng cần bảo đảm tính ổn định, nhưng phần tranh tượng thế kỷ XX tại sao lâu lắm vẫn nguyên như vậy. Tôi không thể không tự hỏi, phải chăng hiện vật bảo tàng chỉ có như vậy? Bởi nếu có thì sao không định kỳ luân chuyển giới thiệu những tác phẩm, những bộ sưu tập để công chúng thưởng ngoạn? Hoặc thế kỷ XXI đã qua gần 2 thập niên mà không thấy biển hiệu phòng trưng bày tác phẩm thế kỷ XXI ở đâu, hay bảo tàng chưa kịp sưu tầm được tác phẩm thế kỷ XXI? Tôi tìm mãi chỉ thấy xuất hiện rất ít tác phẩm bày chung với các tác phẩm thế kỷ XX ở một phòng nhỏ trưng bày các tác phẩm sưu tầm gần đây, lọt giữa lộ trình tham quan các tác phẩm tranh tượng thế kỷ XX.
Tra cứu thông tin nhưng… không được
Để tra tìm thông tin hiện vật - điều mà du khách thường rất muốn biết - tôi được chỉ lên phòng trình chiếu ở tầng 2. Tôi chẳng thấy gì ngoài bức tường trắng lạnh lẽo, thật thất vọng. Thiết nghĩ, chí ít cũng phải có một máy tính để khách tra thông tin tối thiểu trên mạng, điều mà nhiều bảo tàng địa phương đã làm.
Tò mò, tôi tìm hỏi phòng lưu giữ hiện vật, hy vọng được tiếp cận thông tin hiện vật nhanh hơn. Càng thất vọng khi biết phải qua quá nhiều thủ tục hành chính, cán bộ hẹn vài ngày sau mới trả lời vì phải tra sổ… Tôi hỏi ra mới biết BTMTVN chưa áp dụng công nghệ tin học vào hệ thống quản lý và khai thác hiện vật!
Trước khi rời khỏi bảo tàng, nhiều người muốn có thứ gì vừa làm kỷ niệm vừa để tìm hiểu, nghiên cứu. Tôi dẫn khách đến cửa hàng dịch vụ văn hoá tìm mua ấn phẩm. Thật là thất vọng cả quầy chỉ có vẻn vẹn một vài tập sách do bảo tàng xuất bản đã lâu. Du khách thật sự ngạc nhiên, bởi họ biết với nhiều bảo tàng nước ngoài, với những hiện vật phong phú, đa dạng của bảo tàng thì thừa sức tập hợp, biên soạn thành những ấn phẩm dày, mỏng, cỡ lớn, cỡ nhỏ... đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khác nhau. Đây chính là một việc làm quan trọng trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của một bảo tàng, vừa là nguồn thu rất đáng kể cho bảo tàng.
Theo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật Lê Bá Đảng
Câu chuyện đầy nghị lực của cậu bé câm điếc bẩm sinh
Nữ diễn viên U60 vẫn sở hữu vòng eo 58 nhờ thói quen này
Đình Tú xác nhận hẹn hò tình trẻ kém 5 tuổi tên Huyền, còn tiết lộ đối phương "xinh gái lắm"?
Ngân 98 thị phi, tai tiếng nhưng Lương Bằng Quang quyết cưới bằng được, biết lý do ai cũng gật gù
Cột tin quảng cáo