Câu chuyện bí ẩn đằng sau kiệt tác 'Cưỡng đoạt thiếu nữ thành Sabine'
Du khách tới bảo tàng nghệ thuật Louvre, Paris, Pháp thường bị thu hút bởi một bức tranh có tiêu đề gây sốc The Rape of Sabine Women (Cưỡng đoạt thiếu nữ thành Sabine). Trong tiếng Anh, từ "rape" có nghĩa là cưỡng bức, cưỡng đoạt và mang ý nghĩa tiêu cực, khiến không ít du khách là phụ nữ khi nhìn thấy đều cau mày khó chịu.
Tuy nhiên, với bức tranh này, nó lại mang một ý nghĩa khác. Từ "rape" ở đây được dịch từ chữ "raptio" của tiếng Latin, mang ý nghĩa là "bắt cóc" hay "chiếm đoạt".
Bức tranh được lấy cảm hứng từ một câu chuyện nằm trong chuỗi huyền thoại về lịch sử thành Rome. Theo truyền thuyết La Mã, người sáng lập ra Rome là Romulus, có một người em trai là Remus. Mẹ của họ là Silvia, con gái vua Numitor, bị người chú là Amulius cướp ngôi và bắt nàng đi tu. Vẻ đẹp của Silvia khiến thần chiến tranh Mars xiêu lòng và sau đó, nàng đã sinh hạ cho thần hai cậu con trai. Amulius khi hay tin, sợ rằng hai đứa trẻ này lớn lên sẽ trả thù cho ông ngoại nên lệnh bỏ giỏ trôi sông Tiber. Giỏ mây chở hai đứa trẻ khi tạt vào bờ thì bắt gặp một con sói cái. Thay vì giết hại, nó lại cho anh em Romulus bú sữa và nuôi nấng. Sau đó, hai vợ chồng người chăn cừu trong một lần vô tình đi làm, bắt gặp cảnh hai đứa trẻ đang bú sữa sói cái nên cảm động, đã đem về nuôi nấng rồi đặt tên chúng là Romulus và Remus.
Năm tháng qua đi, cậu bé uống sữa sói ngày nào đã trở thành những chàng trai khỏe mạnh, tài năng. Cả hai sau này đã lật đổ Amulius và lấy lại ngôi vua cho ông ngoại. Sau đó, cả hai quyết định thành lập một thành phố cho riêng mình và địa điểm được chọn là nơi sói cái đã nuôi dưỡng họ. Romulus vạch ranh giới và bắt đầu xây tường quanh ngọn đồi Palatine, ra lệnh không ai được vượt ra ngoài ranh giới. Nhưng Remus lại không tuân theo mệnh lệnh của anh và bị chém đầu. Tên thành phố là Roma.
Tại thành phố này, Romulus chào đón tất cả mọi người, kể cả những người chạy trốn và sống ngoài vòng pháp luật. Vì không đủ đàn bà để làm vợ cho những người này, nên người đứng đầu Roma lập mưu để bắt cóc phụ nữ, con gái của bộ lạc bên cạnh mang tên Sabine. Romulus cho bày tiệc và mời các gia đình người Sabine tới dự. Trong bữa tiệc, khi được lệnh của Romulus, những người đàn ông Sabine không để ý thì người của Romulus chạy ùa đến và bế thốc phụ nữ Sabine chạy đi. Vua của Sabine giận dữ nên gây chiến với Romulus. Khi mà cuộc chiến còn đang tiếp diễn thì những người đàn bà có chồng và có con với người ở Roma cũng đã thích ứng với cuộc sống mới, họ cầu khẩn hai bên ngưng chiến, nhờ đó chiến tranh kết thúc.
Câu chuyện cưỡng đoạt phụ nữ Sabine là nguồn cảm hứng của nhiều họa sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. Một trong những kiệt tác được nhiều người biết đến nhất thuộc về họa sĩ Nicolas Poussin được trưng trong bảo tàng Louvre, của Paul Rubebs tại National Gallery London. Hai bức tranh nổi tiếng này họa lại cảnh cưỡng bắt. Bức nổi tiếng thứ ba là The Intervention of the Sabine Women (Sự can thiệp của phụ nữ Sabine) của họa sĩ Jacques-Louis David, cũng được treo tại Louvre. Bức tranh này miêu tả cảnh vợ Romulus (con gái người đứng đầu Sabine) đứng dang tay ngăn chồng và cha đánh nhau, trên mặt đất là một đám trẻ em đang nằm, bò.
Ngày nay, du khách khi tới Rome cũng có thể chiêm ngưỡng một tác phẩm điêu khắc nổi tiếng khác, cũng có liên quan đến câu chuyện này. Đó là Capitoline She Wolf - khắc họa hình ảnh hai đứa trẻ đang bú sữa sói cái. Đây cũng được coi là một trong những biểu tượng của thành Rome.
Theo Livescience, Lourve là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới và là nơi sở hữu một trong những bộ sưu tập nghệ thuật ấn tượng nhất trong lịch sử. Do đó, du khách khó có thể chiêm ngưỡng tất cả tác phẩm trong một lần tham quan. Tráng lệ, phù hoa và ấn tượng mạnh mẽ là những cụm từ được du khách nhắc đến nhiều nhất khi ghé thăm nơi này. Bảo tàng nằm dọc theo bờ sông Seine, Paris. Ban đầu, bảo tàng được xây dựng như một pháo đài vào năm 1190, và được trùng tu vào thế kỷ 16 như một cung điện để phục vụ hoàng gia. Những năm sau đó, nơi đây liên tục được mở rộng. Diện tích hiện tại là hơn 60.000 m2. Năm 1793, vua Louis XIV chuyển toàn bộ nơi ở của hoàng gia tới Versailles, và Louvre trở thành bảo tàng nghệ thuật, trưng bày các bộ sưu tập, hiện vật của hoàng gia. Dưới thời Napoleon, bảo tàng được đổi tên thành bảo tàng Napoleon. Tuy nhiên, sau sự thất bại tại Waterloo, bảo tàng trở lại như cái tên ban đầu. Bộ sưu tập của Louvre bao gồm các đồ cổ Ai Cập, tác phẩm điêu khắc Hy Lạp và La Mã cổ đại, đồ trang sức, vương miện cùng nhiều hiện vật của quý tộc Pháp. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo