Doanh nghiệp - Doanh nhân

Câu chuyện khởi nghiệp của kiến trúc sư trẻ và bí quyết mở rộng quy mô startup

Sau hơn 5 năm hoạt động, quy mô của startup chuyên về kiến trúc, xây dựng - Công ty CP Kiến trúc Thước Tầm đã được mở rộng hơn 10 lần.

Khởi nghiệp từ năm 2012, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Viết Khim - CEO Công ty CP Kiến trúc Thước Tầm - cho biết, hành trình lập nghiệp của anh là chuỗi ngày cố gắng bền bỉ, từng bước mở rộng quy mô công ty chứ không trông chờ vào một cơ hội bứt phá.

Nắm bắt thời cơ để khởi nghiệp

KTS Nguyễn Viết Khim điều hành cuộc họp tại công ty

Năm 2012, khi sắp tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, cơ hội trở thành doanh nhân bất ngờ đến khi Khim cộng tác thiết kế với một công ty thi công dự án nhà thi đấu ở Cần Thơ. Công ty này không tìm được đơn vị thi công khán đài di động dù đã có hồ sơ thiết kế, vì sản phẩm này còn mới mẻ và chưa từng được sản xuất, lắp đặt tại thời điểm đó.

Nhìn thấy cơ hội lớn ở dự án này, Khim "liều" nhận làm. Quá trình vừa học vừa làm thời sinh viên giúp Khim quen biết nhiều thợ thi công công trình. Anh đã liên hệ nhờ khoảng 4 - 5 người thi công giúp mình, rồi dựng nên "xưởng gỗ” với vài tấm bạt che trên một bãi đất trống.

Đáp ứng thành công yêu cầu của khách hàng đầu tiên, Khim tích lũy được một số vốn để mở xưởng gỗ trên diện tích 150m2 với tiền thuê 5 triệu đồng/tháng, vừa là nơi làm việc, vừa là... nhà ở. Mỗi năm sau đó, Khim đổi xưởng một lần, tăng gấp đôi diện tích, bổ sung nhiều công cụ. Đến nay, xưởng gỗ của Thước Tầm có diện tích 2.000m2.

Chọn mục tiêu phù hợp ở từng giai đoạn phát triển

Ở giai đoạn đầu lập nghiệp, chưa có nhiều mối quan hệ, chưa có tên tuổi trên thị trường, CEO Thước Tầm chọn cách đi tìm các nhà thầu lớn anh đã từng cộng tác thời sinh viên để thi công đồ gỗ cho họ với giá thành rẻ mà chất lượng tốt. Lúc đó Công ty chưa tốn nhiều chi phí quản lý nên chú trọng vào tiêu chí giá thành rẻ để thu hút đối tác B2B. Đến hết năm thứ hai, Thước Tầm mới mở văn phòng.

 

Quá trình làm việc với các đối tác B2B tạo nền tảng để Thước Tầm chứng minh hiệu quả với những khách hàng B2C tiềm năng sau này thông qua việc cho họ thấy những hình ảnh sản phẩm thực tế đã thực hiện. Nhờ đó, bên cạnh đối tác B2B, Công ty có thêm nhiều khách hàng trực tiếp hơn.

"Nhiều người nói khi khởi nghiệp từ con số 0, khó khăn lớn nhất là tài chính, nhưng tôi nghĩ đó không phải là vấn đề. Vì chúng ta có thể chủ động lựa chọn hướng đi, phân khúc khách hàng phù hợp với tình hình kinh doanh", Nguyễn Viết Khim chia sẻ. Anh cho biết, Công ty chọn phân khúc khách hàng sở hữu nhà dân dụng, nhà ở tư nhân, bởi vì với phần lớn khách hàng ở phân khúc này, ngôi nhà là tài sản tích cóp cả đời và họ luôn chuẩn bị sẵn tài chính khi xây nhà.

"Tôi chọn cách thi công một mảng nhỏ trong dự án lớn của các đối tác B2B và giúp họ đạt được biên độ lợi nhuận cao nhất, bù lại tôi thuyết phục họ tạm ứng mức vốn nhiều nhất", KTS. Nguyễn Viết Khim nêu dẫn chứng cụ thể về cách linh hoạt vượt qua trở ngại về vốn.

Lúc đầu Khim chỉ chọn kinh doanh mảng đồ gỗ. Hai năm sau Thước Tầm mới mở thêm mảng xây dựng, cụ thể là thiết kế, thi công công trình kiến trúc nhà dân dụng. Lý giải cách chọn hướng đi này, Khim cho biết, phần vì những gói hợp đồng đồ gỗ "nhỏ tiền" (khoảng 30, 50 đến 100 triệu đồng), phần vì những khách hàng mảng nhà dân dụng rất kén chọn đơn vị thi công mà lúc đó Công ty chỉ vừa mới bước vào thị trường nên không dễ được họ tin tưởng.

Do đó, cách làm này phù hợp với mức độ phát triển của Công ty ở thời điểm đó. Hiện tại, Thước Tầm đã nhận thiết kế, thi công các block chung cư, những dự án tòa nhà cho thuê.

 

"Mỗi giai đoạn phát triển, tôi có định hướng khác nhau. Chẳng hạn lúc đầu mình phải "chạy theo" khách hàng, làm sao để đưa sản phẩm và hình ảnh của Thước Tầm đến với họ. Sau đó phải làm sao để trong hàng trăm doanh nghiệp, khách hàng chọn mình.

Tiếp theo, Thước Tầm muốn tạo ra những sản phẩm mang giá trị riêng cho những khách hàng phù hợp, chọn khách hàng riêng cho mình. Đó là tiêu chí của Thước Tầm và cũng là lẽ tự nhiên. Việc chuyển giao cần được thực hiện dần dần. Chẳng hạn như với sản phẩm đồ gỗ, ban đầu chúng tôi làm việc trực tiếp với khách hàng, sau đó sẽ chuyển dần sang hướng thương mại.

Lĩnh vực xây dựng cũng vậy, hiện tại chúng tôi trực tiếp gặp khách hàng, thiết kế, thương thảo, chỉnh sửa, sau này chúng tôi sẽ có những dự án với những sản phẩm riêng của Công ty để bán ra thị trường. Lúc đó hiệu suất sẽ cao hơn và cũng sẽ tạo ra những giá trị tốt hơn", KTS. Nguyễn Viết Khim chia sẻ.

CEO Thước Tầm cho biết, định hướng ngay từ ngày đầu và lâu dài dành cho Thước Tầm là trở thành công ty đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, những dự án du lịch nghỉ dưỡng, nhưng hướng phát triển này đòi hỏi phải có tiềm năng tài chính. Hiện tại, Thước Tầm đã thực hiện những dự án đầu tư như vậy ở các huyện ngoại ô TP.HCM, bắt đầu với quy mô nhỏ, khoảng 4.000 - 5.000m2.

"Thước Tầm là một quy chuẩn, là cây thước cổ truyền của ngành kiến trúc Việt Nam. Đặt tên Công ty là Thước Tầm, tôi mong muốn xây dựng một doanh nghiệp Việt, một thương hiệu Việt có thể đạt được những chuẩn mực mới, vươn đến một tầm cao mới trong lĩnh vực kiến trúc, từng bước tiến tới hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài hoặc xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài", doanh nhân trẻ Nguyễn Viết Khim nói về hướng phát triển dài hạn của Công ty CP Kiến trúc Thước Tầm. 

 

Nên đọc
Theo Doanh nhân Sài Gòn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo