Doanh nghiệp - Doanh nhân

Cây đa cổ trăm tuổi mọc trên đá và cuộc ngã giá 10 cây vàng của đại gia Hà Nội

Để sở hữu được cây đá cổ, quý hiếm bậc nhất trong giới chơi cây ở Việt Nam, cách đây 20 năm ông Nguyễn Văn Lộc (Hà Nội) từng phải bỏ ra 10 cây vàng mới ngã giá thành công.

Cây đa cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Lộc (Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội). Theo ông Lộc, cây có tên là “đa phúc, đa tài, đa phú quý” và là một trong những cây đa cổ ít ỏi, quý hiếm sở hữu hình dáng độc đáo, tuổi đời lâu năm.

Cây cao khoảng gần 2m, đường kính thân 70cm, tán xòe rộng với những tay cành chi chít lộc lá. Đặc biệt, cây nổi bật bởi bộ rễ chùm như những móng rồng ôm trọn hòn đá cảnh. Vào mùa xuân, các búp non đâm chồi rực rỡ như son rất đẹp mắt.

Cây đa cổ có tuổi đời hàng trăm năm, sở hữu vẻ đẹp cổ kính, hình dáng độc đáo.

Bộ rễ của cây ôm trọn đá như những móng vuốt rồng.

Chủ nhân của “siêu cây” độc đáo này cho hay, trong giới chơi cây, đây được đánh giá là một trong những “bảo bối”, cây đa quý hiếm bậc nhất của Việt Nam. “Cây sanh cổ thì nhiều nhưng cây đa cảnh, mọc trên đá lại hội tụ đầy đủ những yếu tố “cổ, kỳ, mỹ, văn” của một cây cảnh đẹp thì trong hàng vạn cây mới có 1. Ở Việt Nam, tôi tự hào bởi đây được xem là một trong những cây đa quý nhất, biểu tượng cho những cây đa cổ thụ ở làng quê Việt Nam”, ông Lộc khẳng định.

Cách đây 20 năm, ông Lộc phải bỏ ra 10 cây vàng mới sở hữu được "siêu cây" cổ này.

Các tay cành chi chít lộc lá.

Theo ông Lộc, cây đa cổ trước đây thuộc sở hữu của một dòng họ ở Thanh Hóa, được truyền lại từ đời này, sang đời khác và được xem như báu vật. Để mua được “siêu cây” này, ông Lộc cũng phải mất nhiều thời gian đeo đuổi, ngã giá.

“Thời điểm những năm 1999-2000 dù thị trường cây cảnh chưa sôi động nhưng tôi đã phải chi 10 cây vàng, bằng tiền một mảnh đất ở Hà Nội mới thương lượng thành công”, ông Lộc tiết lộ.

Trong giới chơi cây, đây được đánh giá là một trong những “bảo bối”, cây đa quý hiếm bậc nhất của Việt Nam.

Thời gian đầu, cây chưa định hình rõ dáng thế, ông Lộc phải khá vất vả để tạo tác, uốn chỉnh các tay cành. Ông Lộc kể, khác với các cây cảnh khác, chăm đa phải có chế độ riêng để cây giữ được vẻ cổ kính. “Không giống như sanh, kỹ thuật tạo tác cho đa cảnh phức tạp và khó hơn nhiều. Thời kỳ nào cần uốn, thời kỳ nào bổ sung chất dinh dưỡng cũng phải tính toán rất kỹ lưỡng. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cây cũng có thể mất đi dáng thế, cái hồn cốt của cây ngay”, chủ nhân cây đa cổ cho hay.

 

Hiện tại, cây đa cổ thụ này đang được trưng bày tại Triển lãm Sinh vật cảnh huyện Quốc Oai.

Nhiều người ngỏ ý trả giá cao để mua đứt cây đa cổ nhưng ông Lộc cho biết, chưa có ý định bán.

Hiện tại, cây đa cổ thụ này đang được trưng bày tại Triển lãm Sinh vật cảnh huyện Quốc Oai và thu hút rất đông sự chú ý của khách tham quan. Nhiều người ngỏ ý trả giá cao để mua đứt cây đa cổ nhưng ông Lộc cho biết, chưa có ý định bán.

“Đầu những năm 2000 có người đã trả tôi 500 triệu nhưng tôi không bán. Sau này, nhiều người đi ô tô, thuyết phục sang nhượng với giá lên tới hàng tỷ đồng nhưng tôi cũng không bán. Thực tế, việc mua bán cây cảnh rất khó nói. Đây là cây tôi tâm huyết, rất vất vả chăm sóc mới có được nên phải ai thật sự quý hóa, hiểu được giá trị cây tôi mới đồng ý sang nhượng”, ông Lộc khẳng định.

Chủ nhân của siêu cây này cũng khẳng định, hiện vườn cây cảnh nhà ông có hàng nghìn cây lớn nhỏ nhưng “cây đa cổ” này được xem là một trong những cây “độc đinh”, báu vật trong vườn nhà nên ông muốn gìn giữ và để lại cho các thế hệ sau.

Nên đọc
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo