Doanh nghiệp - Doanh nhân

CEO 7 tuổi ước mơ trở thành 'ông chủ ve chai'

Mở công ty tái chế năm 3 tuổi rưỡi, bé Ryan (Mỹ) quan tâm đến việc sở hữu một chiếc xe rác trong tương lai hơn học đại học.

Một cậu bé người Mỹ sống tại Orange County, bang California, đang biến phế thải thành kho báu của mình. Ryan Hickman, 7 tuổi, mở công ty tái chế và dành dụm tiền cho tương lai.

Ryan hiện là ông chủ kiêm nhân viên ve chai của Ryan’s Recycling Company. Theo cập nhật mới nhất, công ty ước lượng đã tái chế được 343.000 vỏ lon và chai, tương đương gần 35 tấn phế liệu.

Ryan Hickman, 7 tuổi, có kinh nghiệm gần 4 năm điều hành công ty ve chai. Ảnh: CNN.

Động lực được cậu bé nhắc nhiều lần như lý do khởi đầu và duy trì công ty khá đơn giản: "Vỏ chai có thể ra đại dương, làm tổn thương hoặc giết chết động vật".

Giám đốc "nhí" của Ryan’s Recycling được truyền cảm hứng từ một chuyến tham quan cùng cha năm 3 tuổi. Sau khi tới trung tâm tái chế ở California, Ryan sớm tìm ra mục tiêu cho cuộc đời mình.

Cha cậu bé, anh Damion Hickman, kể lại: "Thằng bé nhanh chóng thích thú việc phân loại và máy xử lý phế liệu, sau đó được trả công 2-3 USD và rất phấn khích".

Ryan hôm sau thông báo với cha: "Con sẽ mở công ty, bằng việc đi gom vỏ lon và chai từ tất cả hàng xóm".

Về nhà, Ryan cùng mẹ bắt đầu phân phát túi cho láng giềng, để họ đựng vỏ lon và chai bỏ đi. Dần dần, bạn bè, các thành viên trong gia đình và những cộng sự khác cùng tham gia, giúp Ryan trở thành nhà khởi nghiệp lúc nào không hay. Công ty của cậu bé còn có website riêng, ryansrecycling.com.

 

Ryan dành một khoảng thời gian hàng tuần để phân loại và sắp xếp chỗ phế liệu thu gom được. Cứ sau vài tuần, cậu mang chúng tới nhà máy tái chế.

CEO nhí được mời đến show Ellen nổi tiếng. Ảnh: Ellen Show.

Anh Hickman, nhân viên thiết kế đồ họa và từng không quan tâm nhiều đến tái chế, nhấn mạnh hầu như 100% là công sức của con trai, dù anh lái xe đưa đón Ryan 3 tuần một lần đến điểm tái chế và góp sức phân loại thủy tinh, nhôm và nhựa khi chúng chất đống.

Với Ryan, tái chế vừa giúp bảo vệ môi trường vừa giúp cậu bé có thu nhập. Không những thế, công việc trở thành đam mê với cậu. Mẹ CEO 7 tuổi, chị Andrea, chia sẻ: "Thằng bé còn muốn truyền lửa cho mọi người. Tôi nghĩ rằng Ryan ảnh hưởng lên tất cả chúng tôi, theo cách bạn đi qua một cái lon rơi trên đường mà không thể ngoảnh mặt làm ngơ".

Sau 4 năm hoạt động, hàng xóm đã quen thuộc với bé trai gõ cửa từng nhà để lấy phế liệu. Những người nhiệt tình thậm chí gọi điện cho cậu bé đến gom hoặc mang đến tận nhà Ryan.

AdvertisementTại trường học, hoạt động Ryan ưa thích là giúp đỡ nhân viên lao công, ông Jose, phân loại rác. Anh Hickman kể: "Cậu bé chiêu mộ cả bạn bè làm cùng, nên giờ có Ryan và 5 người bạn khác giúp đỡ ông Jose".

 

Cũng theo thông tin từ ông bố này, việc kinh doanh ve chai đã đem về cho con trai khoảng 11.000 USD.

Số tiền sẽ được tiết kiệm cho việc học đại học của Ryan sau này. Mặc dù vậy, cậu bé quyết tâm sở hữu một xe tải gom phế liệu và việc đang làm sẽ trở thành nghề nghiệp gắn bó trong tương lai.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, cha Ryan cho hay dù đã hướng con theo học đại học, khi 18 tuổi, cậu bé vẫn có thể đưa ra quyết định của riêng mình.

Cha của Ryan muốn con dành tiền học đại học nhưng để cậu bé tự quyết định cuộc đời khi 18 tuổi. Ảnh: Mental Floss.

Về phần Ryan, ông chủ nhí vẫn quả quyết: "Dù sao con vẫn muốn mua một chiếc xe tải".

Ngoài phế liệu, CEO Ryan’s Recycling còn kinh doanh áo phông in nhãn hiệu công ty, với giá 13 USD mỗi chiếc. Toàn bộ tiền được quyên góp cho Trung tâm thú biển Thái Bình Dương nằm bên bãi biển Laguna, California, địa điểm ưa thích tham quan của cậu bé. Nhờ vậy, Ryan được biết đến là "đại sứ trẻ" của trung tâm.

 

Ryan nói: "Cháu thích đến đó ngắm nhìn những chú sư tử biển, tiền đóng góp có thể mua thuốc và thức ăn cho chúng".

Nhiều người ngỏ ý giúp đỡ cậu bé nhưng người cha khá thận trọng: "Tôi không khuyến khích quyên góp một cách trực tiếp, vì không muốn người ta nghĩ rằng chúng tôi lợi dụng bọn trẻ để kiểm tiền".

Đa phần mọi người cảm thấy hạnh phúc khi có thể hỗ trợ và bình luận việc làm của cậu bé truyền cảm hứng. Tuy nhiên, số ít tỏ ra nghi ngờ đứa trẻ trở thành công cụ marketing cho việc làm ăn của phụ huynh.       

Anh Hickman tâm sự: "Chúng tôi cố gắng không đọc những bình luận kiểu đó. Tôi đáp lại một lần và dừng lại, vì thấy không đáng".

Nên đọc
Theo Ngôi sao
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo