Doanh nghiệp - Doanh nhân

CEO Carlsberg: 'Bia Hà Nội là một thương hiệu tốt'

Đánh giá cao thương hiệu bia Hà Nội, ông Cees 't Hart – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Carlsberg muốn tăng sở hữu cổ phần tại Habeco.

Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ông Cees ‘t Hart - Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Carlsbeg có buổi chia sẻ với báo chí về tiến trình thảo luận tăng sở hữu cổ phần Habeco, những đánh giá của ông về tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam cũng như thị trường bia trong nước.

- Trong khi nhiều chuyên gia nhận định Bia Hà Nội đang mất đi tính ổn định về chất lượng và thị trường, ông đánh giá như thế nào về Habeco? Tập đoàn lên kế hoạch hợp tác và phát triển ra sao trong tương lai tại công ty này?

Ông Cees 't Hart đánh giá cao thương hiệu bia Hà Nội, mong muốn tăng sở hữu cổ phần tại công ty này. Ảnh: Phạm An.

- Thị trường bia Việt Nam là một thị trường rất cạnh tranh, vì thế có lúc doanh nghiệp dành thêm được thị trường, nhưng cũng có lúc thị phần của họ bị giảm sút. Đó là việc rất bình thường và vì vậy tôi không bình luận về các biến động thị phần của Habeco hiện nay. Đối với chúng tôi, điều quan trọng là phải đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu cần phải cải thiện để có thể phát triển.

Chúng tôi cho rằng Bia Hà Nội là một thương hiệu mạnh và Habeco cũng là một doanh nghiệp tốt, là cánh cửa tiếp cận thị trường với vị trí tốt, đặc biệt là đối với thị trường khu vực miền Bắc. Đây cũng chính là lý do tại sao chúng tôi muốn kết hợp tất cả các yếu tố này với kiến thức và kinh nghiệm về công nghệ, maketing và về thị trường bia của chúng tôi. Và vì thế chúng tôi mong muốn tiếp tục tăng cường tỷ lệ sở hữu ở Habeco để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của công ty.

- Quá trình thảo luận về việc mua thêm cổ phần tại Habeco đang ở giai đoạn nào?

- Carlsberg luôn ủng hộ chủ trương thoái vốn của Chính phủ Việt Nam và đã nỗ lực là một đối tác trung thành trong suốt quá trình này. Đối với Habeco, từ 2008, Carlsberg là nhà đầu tư chiến lược của công ty với hơn 17% cổ phần và chúng tôi mong muốn tiếp tục tăng cường tỷ lệ sở hữu ở Habeco và đã tham gia thảo luận với đại diện Bộ Công Thương, các cơ quan có liên quan và Habeco về quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp này.

Trong thời gian gần đây, quá trình thảo luận đã đạt được nhiều tiến triển tích cực. Thực sự quá trình trao đổi cũng rất phức tạp về mặt pháp lý. Như các bạn cũng biết chúng tôi có quyền ưu tiên mua, tuy nhiên, để đảm bảo các tiến triển tích cực của quá trình thảo luận, chúng tôi đã có nhiều thỏa hiệp quan trọng trên cơ sở ý kiến của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Habeco. Đến nay các bên cũng đã đạt được nhiều thống nhất về nguyên tắc và chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục các thảo luận về vấn đề này để đẩy nhanh quá trình thoái vốn và đạt được các kết quả tốt.

 

Cũng cần nói thêm rằng, chúng tôi ý thức rất rõ rằng việc chúng tôi có quyền ưu tiên mua không có nghĩa là chúng tôi không cần phải trả mức giá công bằng khi mua tài sản của Nhà nước. Như đã nói, chúng tôi cho rằng Habeco là một tài sản tốt và chúng tôi sẵn sàng trả mức giá công bằng để mua tài sản đó.

- Có những lo ngại sau khi bán cho nhà đầu tư nước ngoài, những thương hiệu bia lâu đời của Việt Nam như Sabeco hay Habeco sẽ có nguy cơ dần mất đi. Xin ông cho ý kiến về nhận định này?

- Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ quan điểm cần phải bảo vệ thương hiệu sau mua bán, sáp nhập. Tuy nhiên, Carlsberg cũng có nhìn nhận khác về vấn đề này. Chiến lược phát triển của Carlsberg là dựa trên việc giữ gìn và phát triển các thương hiệu địa phương. Chúng tôi tin tưởng vào việc các doanh nghiệp toàn cầu mạnh gìn giữ các thương hiệu địa phương. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi không cố gắng quốc tế hoá các doanh nghiệp địa phương mà thay vào đó chúng tôi thực sự đầu tư, phát triển các thương hiệu địa phương.

Trong suốt 25 hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi đã gắn bó với thương hiệu Huda, Huda Gold và Halida. Doanh thu từ các thương hiệu thuần Việt này tại Việt Nam chiếm tới 90%. Chúng tôi cũng đã có hơn 25 năm hoạt động ở châu Á, và khoảng 75% doanh thu cũng đến từ các thương hiệu bia địa phương. Ở Nga hoặc ở khu vực Tây Âu cũng vậỵ, doanh thu là từ các thương hiệu địa phương luôn chiếm khoảng 75% - 80%.

Công ty cũng có mặt ở nhiều quốc gia khác được một thời gian dài. Ở đó, chúng tôi không được biết đến với cái tên Carlsberg, mà ví dụ ở Thụy sĩ là Feldschlösschen, hoặc Ringnes ở Na Uy, Kronenbourg ở Pháp, ở Nga là Baltika. Tôi chỉ nêu một vài ví dụ về các doanh nghiệp mà chúng tôi đã mua lại để cho thấy Carlsberg thực sự phát triển nhờ các thương hiệu bia địa phương.

 

Tại Việt Nam, chúng tôi luôn coi mình là một doanh nghiệp Việt Nam, có quan hệ mật thiết với các bên liên quan, như Chính phủ, người tiêu dùng, đối tác thương mại, khách hàng. Chúng tôi cũng vận hành doanh nghiệp theo cách thức của người Việt, đồng thời bổ sung thêm các yếu tố về công nghệ sản xuất bia, kiến thức xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, hay quản lý nguồn nhân lực để giúp cho doanh nghiệp phát triển hơn nữa.

- Công ty không phải là hãng bia ngoại duy nhất tham gia vào quá trình mua lại cổ phần khi Việt Nam tiến hành thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước Habeco, Sabeco…Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?

- Sự thành công trong quá trình thoái vốn tại Sabeco vừa qua là một minh chứng cho những nỗ lực đã thực hiện để xây dựng các thương hiệu bia Sabeco và Habeco cũng như tiềm năng phát triển hơn nữa của ngành bia Việt Nam. Để lựa chọn nhà đầu tư, chúng tôi cho rằng điều quan trọng là phải đánh giá toàn diện về nhà đầu tư, ý định đầu tư của họ trong dài hạn.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Carlsberg ủng hộ quá trình cổ phần hóa Habeco và cam kết phát triển mạnh hơn nữa thương hiệu bia địa phương.

Sự có mặt của các nhà đầu tư ngoại cũng có ý nghĩa tích cực, góp phần phát triển thị trường. Ví dụ, với những Tập đoàn lớn họ có thể mang công nghệ sản xuất bia tân tiến tới Việt Nam. Đồng thời, họ cũng có nhiều kinh nghiệm phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vv. Đối với Carlsberg, chúng tôi sẽ làm việc này trên cơ sở phát triển các thương hiệu địa phương như Huda, Huda Gold hay Halida và tôi cho rằng đây là điều mang lại lợi cho tất cả các bên.

- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng, tốc độ phát triển của Việt Nam hiện nay nói chung cũng như mức tăng trưởng của thị trường bia trong nước và quốc tế?  

 

- Điều đầu tiên tôi muốn nói là tôi rất ấn tượng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, tầm nhìn và quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Tôi có gặp Ngài Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Davos hồi tháng 1/2018 và chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rất thú vị. Tôi rất ấn tượng bởi quyết tâm của Ngài Phó Thủ tướng và cách mà Phó Thủ tướng tập trung vào vấn đề cải cách kinh tế và thúc đẩy nền kinh tế số.

Điều tôi thấy khá rõ là các Công ty phương Tây không cần mang công nghệ số tới Việt Nam, bởi các bạn về cơ bản đã là các chuyên gia và đang xuất khẩu công nghệ số sang các nước khác. Tôi cho rằng đây là điều kiện rất thuận lợi giúp Việt Nam ứng dụng tốt các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo giúp cải thiện hoạt động kinh doanh hàng ngày, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng cũng như giúp cải thiện năng lực sản xuất sản phẩm.

Chúng tôi đã hoạt động tại Việt Nam gần 25 năm nay và đã chứng kiến các thay đổi tại Việt Nam. Tôi vẫn bị ấn tượng bởi một bài báo nói rằng tốc độ tăng trưởng của cải của Việt Nam là rất cao. Việt Nam thậm chí còn vượt hơn cả Trung Quốc. Sự phát triển của nền kinh tế, tầng lớp trung lưu, và việc Việt Nam có một cơ cấu dân số tương đối trẻ đều là những yếu tố thuận lợi để phát triển hơn nữa thị trường bia. Chính vì vậy, chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng và tin tưởng vào sự phát triển của ngành sản xuất bia của Việt Nam.

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo