CEO DigiPencil MVV Nguyễn Tiến Huy: Tiên phong trong "kỷ nguyên kết nối"
Được biết, chàng doanh nhân trẻ từng có nhiều quyết định mạo hiểm: từ chối cơ hội sống ở nước ngoài với bố mẹ, từng bỏ ngang việc học khi đang là sinh viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM và quyết định rời vị trí giám đốc truyền thông số tại Tập đoàn Truyền thông toàn cầu Ogilvy để khởi nghiệp một công ty sáng tạo. DigiPencil MVV của anh từng được Báo cáo Về nền kinh tế số của Diễn đàn APEC 2017 ghi nhận là một trong những công ty tiêu biểu của Việt Nam.
Nguyễn Tiến Huy chia sẻ, hầu hết các quyết định của bản thân đều để thỏa mãn khát vọng sáng tạo. "Tôi rất sợ cảm giác chán bản thân hoặc chán công việc cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày. Cuộc sống sẽ không còn thú vị nếu mỗi sáng thức dậy trong một căn hộ cao cấp ở Singapore, đón metro đến làm việc trong một văn phòng hiện đại, chiều tối trở về với căn hộ im ắng buồn tẻ. Cuộc sống ở Việt Nam thú vị hơn nhiều, hầu như luôn có một ngày mới mẻ vì không biết điều bất ngờ gì xảy ra" - Huy hóm hỉnh tâm sự.
Huy suy nghĩ, làm việc tại tập đoàn truyền thông đa quốc gia là một môi trường kích thích sáng tạo nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ giới hạn. Chỉ khi làm chủ ở DigiPencil, vị giám đốc trẻ này mới thỏa mãn khát vọng riêng. Ngoài công việc ở Công ty, Nguyễn Tiến Huy còn tham gia lĩnh vực phim ảnh, kinh doanh F&B. Những gì Huy theo đuổi là giá trị sáng tạo gắn liền với thương hiệu Bút chì (Pencil).
Tại sao sáng tạo lại gắn với chiếc bút chì?
Một ý tưởng bất chợt xuất hiện trong đầu đều có thể dùng chiếc bút chì để phác thảo ngay. Dùng bút chì sẽ không sợ sai, mọi nét đều có thể tẩy xóa hay sửa chữa. Tinh thần sáng tạo thường gắn với biểu tượng bút chì là vì vậy.
Có bao giờ ý tưởng của ông được chiếc bút chì sửa sai?
Có chứ. Chẳng hạn như giai đoạn làm việc ở Tập đoàn Ogilvy, tôi đưa ra tham vọng thay đổi vai trò của doanh nghiệp này tại Việt Nam nhưng có những ý tưởng chưa phù hợp tại thời điểm đó. Những lần thử như vậy cho tôi nhiều bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn hào hứng với vai trò tiên phong, nhất là trong lĩnh vực marketing.
Nhưng người đi tiên phong thường phải trả giá với nhiều thất bại...
Tôi không sợ thất bại. Khi rời vị trí lãnh đạo ở Tập đoàn Ogilvy, tôi nghĩ đơn giản là cứ thử khởi nghiệp. Nếu thất bại thì trở lại làm thuê, không có gì đáng sợ cả. Hơn nữa, tiên phong trong marketing rất thú vị. Ý tưởng tiên phong trong ngành công nghệ thường phải hoàn hảo, nếu không muốn thất bại nhanh chóng. Trong khi đó, ngành marketing có vẻ "dễ tính" hơn. Doanh nghiệp luôn cần những ý tưởng sáng tạo để trở nên khác biệt trong thị trường cạnh tranh. Còn người dùng cuối thì luôn thích trải nghiệm mới, dù trải nghiệm đó không thật hoàn hảo.
Người tiêu dùng trong kỷ nguyên kết nối hiện nay ngày càng trở nên hiểu biết và tự tin, được gọi là người tiêu dùng kết nối (connected spenders). Theo một nghiên cứu mới nhất của Nielsen và Demand Institute, người tiêu dùng kết nối là những người thường xuyên kết nối với internet và đồng thời có mức sẵn sàng chi tiêu cao, cũng là nhóm người tiêu dùng có tiềm năng tác động đến nền kinh tế toàn cầu.
Theo nghiên cứu này, đến năm 2025, người tiêu dùng kết nối sẽ chiếm gần 40% dân số toàn cầu và đóng góp hơn 50% tổng mức tiêu dùng hằng năm trên thế giới. Tại Việt Nam, số lượng người tiêu dùng kết nối trong năm 2015 là 23 triệu và được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi, lên 40 triệu người trong năm 2025.
Lượng người này hầu như không còn tin vào những quảng cáo hời hợt nữa mà cần có nội dung quảng cáo kết nối với thương hiệu bằng nhiều điểm tiếp xúc. Và các điểm tiếp xúc này lại kết nối với nhau tạo thành chuỗi trải nghiệm khách hàng.
Thế hệ kết nối hẳn rất khác về xu hướng tiêu dùng?
Cha mẹ tôi giờ cũng dùng Facebook và Zalo. Họ đã là một phần của thế hệ kết nối, theo nghĩa rộng. Nhưng đại diện của thế hệ kết nối chính là giới trẻ Gen Z. Việc thấu hiểu họ nghĩ gì, làm gì, tư duy như thế nào sẽ là chìa khóa để dự báo được tương lai đang chờ đón. Doanh nghiệp hiện nay buộc phải quan tâm nhiều hơn đến động lực tham gia vào thế giới số của người tiêu dùng để đi tắt đón đầu, tạo ra sản phẩm mới giúp công dân số thỏa mãn khao khát thể hiện mình.
Mới đây, DigiPencil có một nghiên cứu về thế hệ kết nối gồm những người sinh ra từ nửa cuối thập niên 1990 trở đi, là thế hệ nối tiếp thế hệ thiên niên kỷ (Gen Y - Millennials). Thời đại công nghệ số đã sinh ra một thế hệ sành công nghệ - những người đã, đang và sẽ định hình xu hướng tiêu dùng. Họ cũng nắm giữ cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp.
Ông có thể chia sẻ một vài điểm khác biệt về thế hệ kết nối này?
Dễ thấy rằng thế hệ kết nối đã ăn ngon hơn, mặc đẹp và sống sang hơn so với thế hệ trước. Instagram trở thành cẩm nang chỉ dẫn thế hệ kết nối đi đâu, ăn gì. Nếu như Facebook là một nơi ồn ào và nhộn nhịp thì thế giới của Instagram tinh tế và "sang chảnh" hơn.
Đó là nơi để theo dõi những xu hướng thời trang, làm đẹp, ẩm thực mới nhất, nơi đăng những tấm ảnh gần như tức thời, nơi check-in sống ảo hay khoe dấu ấn. Con nhà giàu Việt Nam thì lựa chọn Instagram làm nơi khoe túi xách, đồng hồ hàng hiệu, siêu xe, những bữa ăn "sang chảnh" giống như trào lưu của rich kids trên thế giới.
Nhiều người nghĩ rằng thế hệ này đang lạm dụng công nghệ và ích kỷ hơn. Ông nghĩ sao?
Không đâu. Thế hệ kết nối có một nỗi sợ lớn, đó là sợ không theo kịp trào lưu. Mạng xã hội giúp con người kết nối online dễ dàng mọi lúc mọi nơi, nhưng chính nó đã gây ra cùng một nỗi sợ ở những người trẻ. Đó là sợ bị lạc hậu, sợ không theo kịp thời đại, sợ không bằng bạn bè, sợ so sánh với con người khác. Và chính nỗi sợ đó lại khiến các bạn trẻ không thể rời xa mạng xã hội, nơi để họ quên đi sự trống rỗng, bắt kịp nhịp sống này. Kéo theo đó là thói quen không thể xa rời smartphone, như một hội chứng.
Để tiếp cận với thế hệ này, cần thay đổi cách nhìn, phá bỏ định kiến để sẵn sàng thấu hiểu họ, bởi vì những bạn trẻ này thực ra sống rất thực chất, có chiều sâu, sẵn sàng kết nối và cởi mở chứ không lạm dụng công nghệ hay ích kỷ và cô độc như nhiều người thường nghĩ.
Để con đường mà thương hiệu đến với thế hệ kết nối dễ dàng hơn, DigiPencil đã chuyển hướng từ một công ty chuyên về giải pháp truyền thông số thành một Agency kết nối, giúp tạo ra cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên kết nối, bằng cách giúp hệ thống hóa chiến lược thương hiệu, kết nối từ các kênh truyền thống đến các kênh mới, kết nối trải nghiệm khách hàng, kết nối tới huyệt tâm lý của người tiêu dùng mới. Và đặc biệt, ngoài những khách hàng là tập đoàn đa quốc gia, DigiPencil mong muốn đóng góp cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Cách làm marketing, thương hiệu trong thời đại kết nối cũng có nhiều thay đổi, phải không, thưa ông?
Chắc chắn như vậy. Trước đây, các kênh marketing đóng vai trò khác nhau, chẳng hạn như quảng cáo truyền hình, biển bảng dùng để thu hút sự chú ý, các kênh trực tuyến thì tập trung vào thu hút tương tác... và tất cả kết nối với nhau dựa trên đồng nhất về hình ảnh, thông điệp thương hiệu. Hiện nay, tính kết nối được xây dựng ở cả năm giai đoạn trong hành trình khách hàng, bao gồm "Aware" (nhận biết), "Appeal" (cuốn hút), "Ask" (tìm hiểu), "Act" (hành động), "Advocate" (ủng hộ) như tác giả Philip Kotler đã hệ thống trong tác phẩm Marketing 4.0.
Trong đó, ở giai đoạn nhận biết, người tiêu dùng tiếp nhận thông tin về nhãn hiệu từ truyền thông, quảng cáo, từ bạn bè một cách khá thụ động. Đến giai đoạn "cuốn hút", từ việc xử lý các thông điệp tiếp thị, người tiêu dùng có thể hình thành sự ghi nhớ tạm thời hoặc ấn tượng khó quên. Còn ở giai đoạn "tìm hiểu", người tiêu dùng nghiên cứu các nhãn hiệu trong danh sách rút gọn bằng cách chủ động thu thập thông tin từ truyền thông, bạn bè, gia đình và các công ty.
Họ cũng kết nối với những người tiêu dùng khác để tìm hiểu thông tin và xây dựng các mối quan hệ về "cộng đồng sản phẩm". Giai đoạn "hành động" không chỉ giới hạn ở việc khách hàng mua hàng mà còn liên quan đến việc họ sử dụng sản phẩm và các dịch vụ hậu mãi.
Và giai đọan "ủng hộ” là người tiêu dùng thể hiện lòng trung thành đối với nhãn hiệu bằng cách mua hàng thường xuyên và cổ động cho những người khác cùng mua. Vì thế, chúng tôi phát triển chiến lược thương hiệu kết nối, và các sản phẩm sáng tạo như TVC quảng cáo truyền hình, kênh nội dung trực tuyến của thương hiệu để có thể kết nối hành trình khách hàng với thương hiệu một cách toàn diện.
Trong hành trình tiếp cận cái mới sẽ bộc lộ nhiều cái cũ lạc hậu, thậm chí không còn đúng. Chẳng hạn như đã sai khi đánh giá hiệu quả của một chiến lược truyền thông tiếp thị tập trung vào các chỉ số đánh giá mức độ tương tác (Engagement) với nội dung của người dùng. Ai đó có nhớ lần cuối mình click vào một mục quảng cáo là lúc nào không. Có lẽ là không. Tôi cũng vậy.
Sự thật là theo ComScore, chỉ có 8% người dùng internet chiếm 85% số click lên quảng cáo hiển thị hình ảnh. Trên facebook cũng vậy, chỉ có 10% số người sử dụng facebook nhấp vào hoặc tương tác vật lý với bài đăng mà các thương hiệu đưa ra. Vì vậy, 90% người sẽ không nhấp vào nội dung có thương hiệu của ai đó nhưng không có nghĩa là họ không quan tâm đến bài đăng hoặc không muốn sản phẩm trên quảng cáo. Họ chỉ tương tác vào nó theo một cách khác.
Một nghiên cứu khác của McKinsey chỉ ra rằng, 80% khách hàng bỏ đi nếu bị yêu cầu nhập form thông tin và chỉ 1% số khách hàng tiềm năng tiếp cận được trên online là được chuyển đổi thành khách hàng. Một nghiên cứu khác cho thấy hơn 90% doanh số bán hàng offline do quảng cáo online mang lại là những người không tương tác vật lý với quảng cáo. Ai đó và tôi có thể là những người trong những người mua hoặc sử dụng sản phẩm trên facebook dù không cần nhấp vào quảng cáo!
Nếu hiệu quả truyền thông không đo lường bằng click chuột vậy thì sẽ đo lường bằng gì?
Hiệu quả truyền thông sẽ được đo lường bằng các phương pháp truyền thống như bảng nghiên cứu sức khỏe thương hiệu, nhưng có sự chỉnh sửa phù hợp hơn với các kênh mới. Trên các kênh trực tuyến, tương tác giờ đây được tính cả bằng thời gian đôi mắt dừng ở một thông tin nào đó, thể hiện bằng việc ngón tay cái dừng lại trên nội dung khi lướt bằng di động.
Có quá nhiều thứ mới mẻ như vậy thì cần nhân sự như thế nào để đáp ứng cho marketing trong thời đại kết nối?
Facebook gọi đây là "thumbstopping" và đã có thể đo lường được nó. Theo dự đoán của chúng tôi, các kênh digital khác cũng sẽ sớm thay đổi theo. Để tối ưu hóa việc nhận thức và ghi nhớ thương hiệu, doanh nghiệp sẽ phải mở rộng phạm vi tiếp cận để tối ưu hóa 100% (bao gồm 90% người dùng "không click") nữa.
Nhân sự luôn là thách thức của bất cứ doanh nghiệp nào. DigiPencil cũng không ngoại lệ. Bằng cấp không phải là yếu tố quan trọng nhất tại công ty của tôi. Bốn giá trị cốt lõi làm nên con người của DigiPencil là Curiousty (tò mò), Creativity (sáng tạo), Courage (can đảm), Candour (chính trực).
Đào tạo luôn là yếu tố quan trọng nhất để có được con người đủ 4C như trên. Tôi thường chia sẻ với nhân viên tầm nhìn xa hơn để họ vươn tới. Giá trị vật chất đương nhiên là quan trọng nhưng giá trị cho tầm nhìn mới là yếu tố giúp các bạn trẻ xác định được cơ hội. Những người cùng tầm nhìn mới đồng hành và chia sẻ văn hóa doanh nghiệp với người đứng đầu doanh nghiệp, đồng thời họ sẽ luôn đón nhận và học hỏi những thứ mới mẻ trên thế giới một cách hào hứng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo