Doanh nghiệp - Doanh nhân

CEO huyền thoại từng vực dậy Fiat và Chrysler là ai?

Sergio Marchionne được mô tả là người "chuyên sửa lỗi" cho các doanh nghiệp ôtô và là một huyển thoại của ngành ôtô hiện đại...

Sergio Marchionne, cựu giám đốc điều hành (CEO) của Fiat Chrysler Automobiles (FCA) và Ferrari, vừa qua đời ở tuổi 66 chỉ vài ngày sau khi từ chức. Ông Marchionne được xem là huyền thoại kém may mắn nhất của nền công nghiệp ôtô hiện đại. 

Cuối tuần qua, hội đồng quản trị của cả FCA và Ferrari đều đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp để tìm người thay thế cho Marchionne khi tình trạng sức khoẻ của ông đột ngột xấu đi vì ca phẫu thuật vai.

Marchionne tiếp quản Chrysler vào năm 2009. Ảnh: Getty Images.

Sinh ra tại Abruzzo, Italy vào năm 1952 nhưng sau đó ông chuyển tới Canada ở tuổi thiếu niên và theo học ngành kế toán tại đây. Sau khi ra trường, ông bắt đầu sự nghiệp tại một số doanh nghiệp Canada trước khi trở lại châu Âu.

Vực dậy Fiat, đưa Chrysler trở lại từ vực thẳm

Trước khi gia nhập ban giám đốc của Fiat vào năm 2003, Marchionne không hề có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp ôtô. Năm 2004, ông được bổ nhiệm làm CEO của Fiat.

"4 năm trước, Fiat là một tấn trò cười", Marchionne viết trên Tạp chí Harvard Business Review vào năm 2008. "Bất cứ khi nào mở một tờ báo ở Italy, bạn sẽ thấy một câu chuyện đáng xấu hổ: Fiat tiếp tục thua lỗ; dòng xe mới thất bại; đang có biểu tình ở đâu đó. Điều thậm chí tồi tệ hơn với tôi chính là công ty đã trải qua 4 đời CEO chỉ trong 3 năm. Hãy tưởng tượng việc tôi xuất hiện vào tháng 6/2004 và là người thứ 5 thử hồi sinh thứ mà hầu hết đều coi là xác chết".

Nhưng Marchionne đã làm được. Ông giúp Fiat lột xác với phong cách làm việc luôn tràn đầy năng lượng, không biết mệt mỏi và luôn đặt yêu cầu cao. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, Marchionne quyết định thâu tóm Chrysler - hãng ôtô Mỹ đã kiệt quệ trong nhiều năm và đang trên bờ vực thẳm. Marchionne đã giúp vực dậy và đưa hãng xe này trở lại thời ăn nên làm ra khi Mỹ phục hồi khỏi Đại khủng hoảng và thị trường ôtô nước này lập nhiều kỷ lục mới về doanh thu.

 

Fiat đã mua lại cổ phần của chính phủ Mỹ và Liên đoàn lao động United Auto Workers tại Chrysler (sau cuộc giải cứu năm 2009) và đưa công ty lên sàn chứng khoán thành công vào năm 2015, ngay khi các thương hiệu và Jeep của công ty này "lên hương" nhờ sự phục hồi của các dòng xe bán tải và SUV.

Đưa Ferrari lên một tầm cao mới 

Marchionne(ngoài cùng bên phải) tại sự kiện IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Ferrari vào năm 2015. Ảnh: AP.

Tại Ferrari, Marchionne gặp nhiều bất đồng với CEO lâu năm Luca di Montezemeloover, trong đó có việc mở rộng sản xuất của thương hiệu siêu xe lâu đời của Italy. Trong khi Montezemelo muốn giữ sản lượng ở mức 7.000 chiếc/năm trong khi Marchionne muốn 10.000.

Để giải quyết vấn đề này, ông đảm nhiệm luôn vị trí chủ tịch kiêm CEO, đồng thời giám sát các chiến dịch liên quan tới cuộc đua Công thức Một của Ferrari. Trên phố Wall có nhiều đồn đoán rằng sẽ có một vụ IPO tương tự cho các thương hiệu xe Maserati hoặc Alfa Romeo - thuộc sở hữu của FCA, hoặc cả hai.

Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố ý định sẽ rút khỏi vị trí CEO của FCA vào năm 2019, để lại những quyết định như vậy cho người kế nhiệm - người vẫn chưa được công bố khi ông bị bệnh (Marchionne dự định tiếp tục làm CEO của Ferrari tới năm 2021).

 

Marchionne cũng không hề ngần ngại bày tỏ quan điểm tiêu cực về sự yếu kém trong cách vận hành ngành công nghiệp ôtô toàn cầu. Năm 2015, ông viết một bản phân tích chấn động về sự yếu kém của các công ty. Bài phân tích sau đó được lan truyền và thảo luận rộng rãi, đa số ủng hộ quan điểm của ông rằng ngành công nghiệp ôtô quá thừa công nghệ, đam mê những đồng tiền dễ dãi và tìm mọi cách để duy trì năng lực sản xuất đang quá dư thừa.

"Ông trùm" nghiện công việc của ngành ôtô

Marchionne từng cố gắng nhưng không thành trong việc thuyết phục GM sáp nhập với FCA. Ảnh: Thomson Reuters.

Những việc Marchionne làm hoàn toàn không đi chệch khỏi cá tính thẳng thắn. Ông không ngại bảo vệ quan điểm của bản thân, ví dụ như tranh cãi rằng xe điện là thứ gây lãng phí thời gian, ngược lại hoàn toàn với quan điểm của CEO Tesla Elon Musk. (Ông thay đổi quan điểm về vấn đề này vào năm 2017 và 2018, bắt đầu nhìn công nghệ xe điện một cách nghiêm túc hơn).

Marchionne cũng tìm cách hợp tác với công ty phát triển xe tự lái Waymo của Alphabet để giúp FCA bắt kịp về công nghệ. Ông cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho Ferrari tung ra dòng xe SUV đầu tiên, cũng như một phiên bản siêu xe điện.

Marchionne được mô tả là một người nghiện công việc. "Trở thành lãnh đạo của Fiat là quyết định có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của tôi. Nó không giống như việc tham gia một câu lạc bộ", ông viết trên Harvard Business Review.

 

Với Fiat và Ferrari ở Italy, FCA có trụ sở ở London (Anh) và hoạt động của Chrysler ở Auburn Hill, Michigan (Mỹ), Marchionne thường xuyên phải di chuyển. Ông hầu như không ngủ nhiều và có khi làm việc tới nửa đêm nên thường xuyên hút thuốc và uống cà phê. Ông hiếm khi mặc vest và hình ảnh thường gắn liền với áo len đen.

Sự ra đi của Marchionne là sự tổn thất lớn đối với ngành công nghiệp ôtô, mất đi một người lãnh đạo mà theo mô tả của bản thân ông là "người chuyên sửa lỗi" cho các doanh nghiệp.

Nên đọc




Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo