Doanh nghiệp - Doanh nhân

CEO Offpeak: "Nhiều cơ hội khởi nghiệp ở Việt Nam"

Chàng trai biết 6 thứ tiếng Christian Nguyễn cho biết, Việt Nam có nhiều cơ hội để bất cứ ai cũng có thể thử, thất bại, học hỏi và làm lại. Còn ở nước ngoài, một khi thất bại sẽ rất khó khăn để bắt đầu lại.

Christian Nguyễn là Tổng giám đốc của Offpeak - ứng dụng tìm kiếm và đặt nhà hàng với mức giá ưu đãi, đang hoạt động tại Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. Từng gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu dự án, song nhờ nỗ lực và kiên trì, chàng Việt kiều Pháp đã thuyết phục được nhiều quỹ đầu tư rót vốn hàng triệu USD.

Dưới đây, anh đã chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và gọi vốn nước ngoài thành công.

* Nhiều năm làm việc ở Pháp với mức lương hàng nghìn Euro mỗi tháng. Vì sao anh từ bỏ tất cả để về Việt Nam gầy dựng sự nghiệp?

- Việt Nam đang trên đường phát triển, còn rất nhiều cơ hội tại đây. Trong xã hội đã phát triển, chiếc vé để bạn có thể thử, chưa nói đến thành công hay thất bại, đã rất đắt.

Ở một nơi có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, chỉ cần bạn biết mở rộng suy nghĩ để tạo ra dịch vụ mà người dân cần thì đây chính là cơ hội dành cho bạn. Nhất là khi tiết trời Sài Gòn luôn nắng ấm và nhiều món ăn ngon. Ở đây hay chỗ khác cũng thế. Vậy tại sao lại không phải là ở Việt Nam.

* Anh đã nhìn thấy những cơ hội kinh doanh gì ở Việt Nam?

- Có hai loại Việt kiều. Một là quen với văn hóa, cơ sở hạ tầng của nước ngoài và quay về Việt Nam với cảm giác khó chịu vì không quen.
Tôi thuộc nhóm thứ hai, tức là thấy cái gì cũng dễ dàng. Ví dụ, dù kẹt xe thì vẫn có cách để đến được nơi mình muốn chỉ với một chiếc xe máy. Trong khi đó, ở nước ngoài, bạn phải chờ xe buýt, đi tàu điện ngầm, đi bộ trong thời tiết giá lạnh.

Về nước, điều làm tôi thích nữa là sự gần gũi giữa con người với nhau. Tôi lại là người có thiên hướng tình cảm. Sự gần gũi trong mối quan hệ rất quan trọng đối với tôi. Tôi tìm thấy sự gắn kết ấy tại Việt Nam.

Ở Việt Nam có nhiều cơ hội kinh doanh để bất cứ ai cũng có thể phát huy các ý tưởng của mình. Có thể là ý tưởng chưa tốt, bạn vẫn có thể thử, thất bại, học hỏi và làm lại. Trong khi đó, ở nước ngoài, một khi thất bại sẽ rất khó khăn để bắt đầu lại. Thị trường ở đó rất khắc nghiệt.

* Sống và làm việc ở nước ngoài từ nhỏ, anh làm thế nào để bắt nhịp với môi trường kinh doanh ở Việt Nam?

- Đây là thị trường tiềm năng mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chú ý. Chúng ta có dân số hơn 90 triệu người trải dài từ Bắc đến Nam với yêu cầu cao. Nếu nói về công nghệ, số người dùng tiếp cận lĩnh vực này rất cao so với các quốc gia khác. Khi đã có nền tảng sẵn, bạn có thể phát triển ý tưởng trên nền tảng đó hiệu quả.

Lời khuyên của tôi là đừng nhìn vào thành công của sản phẩm tại nước ngoài và áp dụng tại Việt Nam. Mỗi nơi là một thị trường, văn hóa và xã hội khác nhau. Ý tưởng dù đẹp hay tốt bao nhiêu nhưng không phải cái thị trường cần thì không có lý do gì mà mọi người phải dùng. Trong trường hợp này, bạn rất khó tiếp cận thị trường. Ý tưởng đột phá chỉ đơn giản là xuất phát và giải quyết những vấn đề của xã hội nơi chính chúng ta đang sống. 

Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều cơ hội để khởi nghiệp như sức khỏe, giáo dục, thực phẩm sạch, nhất là ăn uống.

* Vì sao anh cho rằng ngành dịch vụ ăn uống (F&B) có nhiều tiềm năng cho các startup Việt?

- Bất cứ lĩnh vực nào cũng đều có người dẫn đầu. Ví dụ: Uber đứng đầu trong dịch vụ đặt xe, Booking đứng đầu trong lĩnh vực khách sạn...
Đối với ngành dịch vụ ăn uống (F&B), người đứng đầu vẫn chưa có. Đây chính là cơ hội cho chúng tôi. Nhà đầu tư thông minh hiểu rằng nếu các lĩnh vực khác có người dẫn đầu thì không có lý do gì mà ngành này lại không có.

Hãy nhìn vào các vấn đề của xã hội và tìm cách giải quyết nó. Một sản phẩm được sinh ra từ chính thị trường ngay nơi bạn sống cần sẽ không thể tìm được hoặc sao chép ở bất cứ đâu. Trong trường hợp này, khả năng dẫn đầu của bạn chắc chắn sẽ rất cao. 

* Làm thế nào để thuyết phục nhà đầu tư ngoại rót hàng triệu USD vào một dự án chỉ mới đi vào hoạt động?

- Tôi đã kiên trì gửi email và liên tục trao đổi để nhà đầu tư chú ý. Khi họ muốn có một cuộc hẹn, tôi sẽ đến đúng giờ và dùng tất cả năng lực để thuyết phục. Và cốt lõi để thuyết phục được nhà đầu tư là ngoại ngữ. Dù dự án của bạn có thu hút thế nào, điều đầu tiên nhà đầu tư đánh giá vẫn là niềm tin với người thực hiện dự án đó.

Ý tưởng và người thực hiện chính là 2 yếu tố quyết định một dự án khởi nghiệp có thu hút nhà đầu tư hay không. Niềm tin, cách nói chuyện và cảm giác bạn mang đến cho nhà đầu tư rất quan trọng. Để hai bên có thể hiểu, tin tưởng và làm việc cùng nhau thì việc sử dụng chung một ngôn ngữ sẽ mang lại lợi thế rất lớn. Ngay từ vòng gửi xe mà bạn không thể truyền đạt được đầy đủ nội dung và ý nghĩa về sản phẩm của mình sẽ khó thuyết phục họ đầu tư vào dự án của bạn. Vì đây không chỉ là ý tưởng mà còn là mối quan hệ lâu dài.

* Anh có lời khuyên gì cho các bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp?

- Thị trường Việt đã rất tiềm năng. Theo kinh nghiệm tiếp xúc với nhà đầu tư của tôi, không ai muốn bạn phát triển ra nước ngoài nếu chưa dẫn đầu tuyệt đối thị trường của mình. Trước tiên, hãy nghĩ làm thể nào để thành công ở thị trường trong nước trước.

Nên đọc
Theo DNSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo