Doanh nghiệp - Doanh nhân

CEO PhinDeli: Kinh doanh cà phê cần sự khác biệt

5 năm sau khi sở hữu thị trấn Buford, Mỹ và đổi tên nó thành PhinDeli vào năm 2013, doanh nhân Phạm Đình Nguyên - Chủ tịch kiêm CEO nhanh chóng trở thành người khai phá thị trường ngách khi ngành cà phê Việt Nam đã đủ mặt "anh tài".

Chào ông thị trưởng của PhinDeli! Doanh nhân Phạm Đình Nguyên hiện nay khác gì so với thời điểm 5 năm trước khi mua Buford của Mỹ?

Về cơ bản cũng không khác gì lắm. Tôi vẫn là tôi như cách nay 5 năm, có khác là chỉ bận rộn hơn vì lỡ "leo lên lưng cọp", lỡ trở thành "thị trưởng" của một thị trấn Mỹ! 

Thị trấn Buford gồm một trạm bưu điện, một trường học, môt trạm xăng, một tiệm tạp hóa hiện và vẫn hoạt động bình thường, nhưng, vì đang là mùa đông nên không tấp nập lắm. Nói thật là hiện nay tôi tập trung PhinDeli ở thị trường trong nước.

Ông Phạm Đình Nguyên - Chủ tịch kiêm CEO PhinDeli. Ảnh: Hoàng Tường.

Không thể nào xẻ thân cho nhiều mục tiêu. Thị trường cà phê trong nước rất cạnh tranh nên nếu không toàn tâm toàn ý thì sẽ khó thành công. Thị trường cà phê rang xay và hòa tan cạnh tranh rất khốc liệt và chỉ cần những "đại gia" ra trước "huých một cái" là chúng tôi đã loạng choạng!

Đó là lý do ông chọn hướng đi khác cho PhinDeli?

Là thương hiệu ra sau, chúng tôi cần sự khác biệt. Thị trường cà phê rang xay và hòa tan cạnh tranh rất khốc liệt nên tôi chọn mô hình cà phê take-away (cà phê mang đi) làm điểm khác biệt và làm thế mạnh.

Tiên phong trong lĩnh vực cà phê take-away là chúng tôi nhắm đến nhu cầu cà phê với hương vị pha phin, chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe mà giá hợp với số đông. Chúng tôi đã triển khai chương trình nhượng quyền để có thể phát triển nhanh. Những điểm nhượng quyền là các chuỗi cửa hàng tiện lợi, điểm giải khát, căntin trường học, bệnh viện, nhà máy...

Hiện nay, nhu cầu thưởng thức cà phê theo kiểu tiện lợi rất lớn nhưng chưa có doanh nghiệp đầu tư bài bản vào lĩnh vực này. Cuối năm 2015, chúng tôi đưa mô hình này vào thử nghiệm với 5 điểm bán đầu tiên tại TP.HCM. Cà phê uống ngon, có thương hiệu, giá phù hợp của PhinDeli nhanh chóng được khách hàng chấp nhận.

 

Thành công với mô hình này, chúng tôi phát triển hơn 2.000 điểm tại 40 tỉnh - thành. Hiện nay, gần như các trạm dừng chân ở Việt Nam đã có máy pha cà phê take-away của PhinDeli để đáp ứng nhu cầu thưởng thức loại nước uống đặc trưng này của Việt Nam. Nhờ "đánh trúng" nhu cầu có thực của khách hàng và lại tiện dụng cho cả người bán lẫn người mua nên cà phê mang đi phát triển nhanh chóng.

Ông từng nói, mua thị trấn Buford như là một sự tình cờ có chủ đích. Kết quả của "sự tình cờ có chủ đích ấy" nay ra sao?

 Có người học một ngành sau đó lại lập nghiệp ở một ngành khác hoàn toàn. Có người bao nhiêu năm làm trong một lĩnh vực sau đó không biết sao lại nhảy qua một lĩnh vực khác. Tôi cũng vậy. Quyết định mua thị trấn Buford hoàn toàn đến một cách tình cờ và suôn sẻ. Tính toán quá kỹ nhiều khi chẳng dám quyết định. Cứ suy nghĩ đơn giản, mơ mộng một chút đôi khi lại dễ dàng để ra quyết định đúng. Cũng nhờ "sự tình cờ" ấy đã dẫn dắt tôi đến ngành cà phê.

Nhưng ông vẫn làm chủ thị trấn Buford và vẫn điều hành tốt PhinDeli cùng với Công ty International Distribution Services đấy thôi?

Như tôi từng chia sẻ, trở thành thị trưởng thị trấn ở Mỹ như Buford là một niềm tự hào cho doanh nhân Việt Nam. Và, tôi muốn nhân cơ hội này để giới thiệu niềm tự hào ấy. Cụ thể là giới thiệu những sản phẩm "quốc hồn quốc túy". Ngẫm đi ngẫm lại thì chỉ có gạo, cà phê.

 

Mà cà phê thì mới có thể bán được rộng rãi ở Mỹ. Hơn nữa, Việt Nam mình là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng hàng thứ 2 thế giới. Chọn cà phê có thể nói là một quyết định "khó nhai" vào lúc đó và cả bây giờ cũng vậy. Bởi vì, có thể nói hơi quá một chút là nhà nhà kinh doanh cà phê, người người bán cà phê.

Ngoài cà phê tôi vẫn điều hành Công ty International Distribution Services chuyên phân phối hàng tiêu dùng nhanh như X-Men, thực phẩm chế biến của Vissan và vài năm gần đây là sản phẩm của các thương hiệu Castrol, LOréal... Năm 2017, International Distribution Services là nhà phân phối nhớt lớn nhất của hãng Castrol tại thị trường Việt Nam.

Tôi cũng tham gia các chương trình giảng dạy tại Học viện Plato - nơi tôi là một trong hai cổ đông sáng lập. Công ty phát triển ổn định, học viện đã vào quy cũ nên hiện nay hầu hết thời gian tôi dành cho PhinDeli.

Và ông đã đạt được mục tiêu "PhinDeli - cà phê take-away số 1 Việt Nam"?

Chúng tôi đã bán cà phê take-away với hơn 50.000 ly mỗi ngày. Hầu như không có quán nào có thể bán được số lượng ly mang đi nhiều như vậy. Tuy nhiên, chuyện này cũng chẳng có gì phải quá tự hào.

 

Chúng tôi đang phát triển rất tốt mô hình này vì nhu cầu cà phê sạch mang đi là rất lớn. Ngày càng nhiều người ý thức được cà phê nhiều hóa chất, phụ gia ảnh hưởng sức khỏe như thế nào. Vì thế mà nhiều chủ quán, shop nhỏ đề nghị mở nhượng quyền PhinDeli.

Là chủ doanh nghiệp nhưng thỉnh thoảng người tiêu dùng vẫn thấy ông xuống cửa hàng cùng với nhân viên bán hàng...

Vì PhinDeli là một thương hiệu khiêm tốn nên chúng tôi sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Và tôi không ngại chuyện cùng nhân viên làm việc tại các điểm bán. Điều cuối cùng chúng tôi hướng tới là hiệu quả. Cá nhân tôi không chỉ đi sâu đi sát mà còn phải động viên anh em nơi "tuyến đầu".

Việc đến tận các điểm bán cũng là cách thắt chặt quan hệ với các chủ shop để họ có thể ủng hộ sản phẩm của công ty. Đó là cách mình rút ngắn công sức của cả một hệ thống đồng thời tăng quan hệ giữa PhinDeli với khách hàng. Thay vì phải dùng nhiều tiền để chạy quảng cáo như các thương hiệu lớn, tôi làm theo cách "tích tiểu thành đại".

Ông từng có ước mơ đưa cà phê ra thị trường thế giới, và hiện nay, ước mơ đó đã được thực hiện đến đâu?

 

 Đúng là tôi đã có ước mơ như vậy và ước mơ đó vẫn còn. Nhưng tôi phải thực tế hơn. Mơ mộng cũng là liều thuốc bổ nhưng cuối cùng mình phải tập trung nguồn lực để đạt được những việc cụ thể. Hiện nay, thị trường trong nước là ưu tiên hàng đầu của tôi. Cà phê mang đi là hướng đi chiến lược. Ngay cả mục tiêu này cũng không phải dễ dàng đạt được.

Ông từng nói muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì cần có bạn đồng hành. Bạn đồng hành của PhinDeli là ai?

Đúng là lúc đầu muốn đi nhanh thì phải đi một mình. Chỉ khi đó mình mới có thể ra quyết định nhanh được. Công ty mới mà nhiều người quá có khi mất cơ hội. Nhưng đi một mình thì khó mà đi xa được. Kinh doanh cũng như trong cuộc sống, cần có người chia sẻ, đỡ đần vì một mình thì rất dễ cảm thấy cô độc. Tôi vẫn luôn tìm kiếm thêm bạn đồng hành, cùng chia sẻ tầm nhìn, khát vọng.

Nhưng điều quan trọng là bạn đồng hành phải "hợp cạ”. Hiện tại, chúng tôi đã tìm được bạn đồng hành nhưng còn một số thủ tục tiếp theo. Với hợp tác này, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển cà phê hòa tan và rang xay. Hy vọng vào cuối năm nay, sẽ có những chuyển biến mới cho cà phê hòa tan và rang xay PhinDeli trên thị trường trong nước.

Chia sẻ với báo giới ông thường nói có lẽ nhờ sống tử tế nên gặp nhiều may mắn.

 

Gieo hạt gì thì gặt trái đó thôi. Nếu sống tốt, tử tế với người khác thì mình sẽ được họ đối đãi tốt. Hoặc người khác nhìn vào cách mình sốrồi giúp đỡ mình. Tôi tâm niệm sự tử tế sẽ lan tỏa hạnh phúc. Hãy tử tế ngay cả khi người ta không tử tế với mình. Khi sống tử tế thì tâm mình thanh thản, không phải lo lắng, suy nghĩ nhiều.

Ông định nghĩa thế nào là doanh nhân hạnh phúc? Không chỉ doanh nhân, ai cũng luôn mưu cầu hạnh phúc. Ai cũng muốn kiếm tìm điều tốt đẹp để thức dậy vào buổi sáng với một tâm trạng phấn chấn và vui vẻ về nhà sau một ngày làm việc. Nếu tôi có được hai điều này thì rõ ràng tôi đã hạnh phúc. Tôi nhớ có câu nói của một người nào đó rất thú vị: "Cái đáng sợ không phải là chết mà là sống rỗng tuếch!".

Tôi nghĩ người hạnh phúc là người làm được công việc mà mình yêu thích mà lại kiếm được tiền. Trên thực tế thì có nhiều người kiếm được nhiều tiền qua công việc không thực sự yêu thích, hoặc có người rất yêu thích công việc đang làm nhưng lại không kiếm được tiền qua công việc đó. Người nào làm được công việc mà mình yêu thích và kiếm được tiền qua công việc đó thì không xem đó là công việc nữa, mà là hưởng thụ từ công việc.

Ông từng tài trợ bộ phim Mùa oải hương năm ấy và cũng có một vai diễn trong phim. Đây có phải là một cách làm truyền thông của PhinDeli?

Cơ bản vì PhinDeli không có thật nhiều ngân sách. Kể chuyện mang tính giải trí như tham gia vào Mùa oải hương năm ấy là một cách. Thông điệp quảng cáo nhẹ nhàng chứ không phải "đập vào mặt" hay "gõ vào đầu" theo kiểu quảng cáo "cưỡng bức".  Thương hiệu có thể được nhắc nhớ bằng nhiều cách. Nếu làm marketing để quảng bá thương hiệu thì chúng tôi sẽ làm khác.

 

Năm 2012, mua thị trấn Buford với giá 900.000 USD là cách chúng tôi làm PR, đưa thương hiệu PhinDeli ra thị trường. Vào thời điểm này, bỏ ra vài triệu USD để PR chưa chắc hiệu quả. Từ 2 năm nay chúng tôi không làm markting, không quảng bá thương hiệu và chỉ đẩy mạnh kinh doanh. Trong tương lai, nếu có làm thương hiệu, chúng tôi sẽ làm theo kiểu của người ít tiền, làm một cách sáng tạo, khác biệt để PhinDeli nhẹ nhàng đi vào lòng người.

Thị trấn PhinDeli đã xong "vai trò lịch sử" của nó. Ông không nghĩ sẽ sang lại cho người khác sao? Hay ông dùng cách này để có thẻ xanh của Mỹ?

Đã có người đặt vấn đề mua thị trấn nhưng tôi không đồng ý vì chưa tìm được người phù hợp. Để thị trấn PhinDeli hoạt động như bây giờ không phải là đơn giản. Năm năm qua, để duy trì thị trấn, chúng tôi đã làm được, tôi muốn người sở hữu Buford phải làm gì đó để thị trấn phát triển.

Tôi thích nước Mỹ nhưng không thích sống ở đấy. Thẻ xanh là một chuyện khác, không liên quan đến vấn đề sở hữu thị trấn Buford. Trên thực tế có những người mua nhà đến vài triệu mỹ kim nhưng vẫn không sở hữu được tấm thẻ này.

Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!

 

Nên đọc


Theo Doanh nhân Sài Gòn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo