CEO Thiên Minh chia sẻ bí quyết dẫn đến thành công
Bước khởi đầu nỗ lực
Không chỉ thành công với thương hiệu quản lý điểm đến Buffalo Tours, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Tập đoàn Thiên Minh được nhắc đến nhiều hơn với các thương vụ đầu tư, M&A trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Hiện nay, Thiên Minh đang sở hữu chuỗi khách sạn 5 sao mang phong cách kiến trúc Pháp cổ Victoria Hotels & Resorts ở cả Việt Nam và Luang Prabang (Lào); chuỗi khách sạn 4 sao ÊMM tại Sài Gòn, Hội An và Huế. Bên cạnh đó là khối tài sản lớn thuộc lĩnh vực hàng không với thủy phi cơ Hải Âu; du thuyền Emeraude, L’Azalee nổi tiếng tại Vịnh Hạ Long… Gần đây nhất, Thiên Minh tạo thêm điểm nhấn trong chuỗi giá trị của mình bằng việc liên minh với hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á - Air Asia.
Trước đó, CEO sinh năm 1973 của Tập đoàn Thiên Minh từng chia sẻ: “Có thể doanh nghiệp của bạn không lớn nhất, nhưng hãy cố gắng trở thành người giỏi nhất trong những phân khúc nhỏ mà mình đã chọn”.
Chính bởi những cố gắng đó, CEO Trần Trọng Kiên đã được đền đáp khi thương hiệu Buffalo Tours, được ông xây dựng năm 1994 với số vốn vỏn vẹn 2.000 USD chắt chiu từ cả mùa hè làm thêm, nay đã có hệ thống rộng lớn trải dài trên 11 quốc gia.
“Hiện nay, tuy hoạt động của Buffalo Tours tại thị trường Myanmar còn hơi yếu; tại Trung Quốc, lợi nhuận đạt được chưa cao; nhưng ở các thị trường khác, Buffalo Tours đều đã hoạt động ổn định từ 3 năm trở lên, trong đó, 5 thị trường có doanh thu trên 1 triệu USD là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Campuchia và Singapore. Buffalo Tours còn nằm trong top 10 công ty quản lý điểm đến tại Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Singapore…”, ông Kiên không giấu nổi niềm vui khi kể về “đứa con” đã trưởng thành.
Chia sẻ về bí quyết thành công của mình, CEO Trần Trọng Kiên cho rằng, đó là tổng hòa từ các yếu tố dựa trên nền tảng cạnh tranh lâu dài cho các công ty từ thương hiệu chung Buffalo Tours, lượng khách hàng toàn cầu lớn, công nghệ tốt, hệ thống quản lý điểm đến vào hàng tốt nhất trên mạng, nguồn vốn dồi dào…
Quyết đoán với chiến lược linh hoạt
Để có hệ thống Buffalo Tours tại 11 thị trường như hôm nay, phải kể đến quyết định vươn ra khu vực của ông Kiên, bắt đầu bằng việc mua lại một công ty du lịch tại Thái Lan vào năm 2009. Khi đó, hẳn nhiều người đã nghĩ ông mạo hiểm khi “cả gan” cạnh tranh tại một cường quốc du lịch, nơi có tốc độ phát triển du lịch hơn hẳn Việt Nam. Nhưng với vị CEO này, một khi quyết định đầu tư là đã có sự tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Ở thời điểm đó, ông Kiên nhận thấy, điểm yếu của du lịch Thái Lan là phần lớn người điều hành đã ở tuổi 50, 60 - độ tuổi không còn nhiều sáng tạo. Đó là lý do vì sao khi các tour đi bộ, tour đi xe đạp ngay trong Thủ đô Bangkok, hay các tour tìm hiểu văn hóa của người Thái qua trang phục, điệu múa... do Buffalo Tours mở ra ở thời điểm đó ngay lập tức tạo được cơn sốt, hấp dẫn không chỉ với du khách nước ngoài, mà cả ngay cả với những người dân Thái Lan.
Sau đó, khi đầu tư vào Singapore, ông được chính quyền nước này đặt khá nhiều kỳ vọng vào việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo, tuy nhiên kết quả đạt được không như kỳ vọng.
“Trong kinh doanh du lịch, sáng tạo đôi khi chỉ cần bắt đầu từ những thay đổi rất nhỏ nhưng tốt hơn từng ngày, như thay gối mềm hơn, chăn thơm hơn, khăn tắm trang nhã hơn…”, CEO Trần Trọng Kiên chia sẻ sau những trải nghiệm kinh doanh.
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù nắm trong tay khá nhiều lợi thế, nhưng ông Kiên cho rằng, để cạnh tranh được ở thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần có chiến lược cụ thể đối với từng thị trường.
“Tại Campuchia, doanh nghiệp cần có thế mạnh về văn hóa, dịch vụ và nguồn vốn dồi dào. Nhưng ở Thái Lan hay Nhật Bản, vốn của mình không thể so sánh với những “ông lớn” trên thị trường, nhưng lợi thế đến từ khả năng phát triển sản phẩm, tính sáng tạo trong cách tiếp cận sản phẩm, cách phát triển bền vững sản phẩm. Đặc biệt, việc kinh doanh không chỉ tập trung vào lợi nhuận, mà còn phải luôn ý thức về môi trường, đóng góp cho cộng đồng tại địa phương. Tại Myanmar, Thiên Minh tập trung vào phân khúc khách cao cấp, người lớn tuổi, chương trình kết hợp du lịch với từ thiện; còn ở Malaysia lại tập trung vào du lịch mạo hiểm… Tại Việt Nam, Buffalo Tours cũng không phải là công ty lớn, nhưng luôn giữ vị trí nhất, nhì ở một số phân khúc như thị trường Anh, Đức, Australia; đối tượng khách du lịch lớn tuổi; lĩnh vực du lịch mạo hiểm, du lịch kết hợp thiện nguyện…”, ông Kiên phân tích.
Mạo hiểm đầu tư vào hàng không
Sau khi sở hữu Hải Âu với dịch vụ thủy phi cơ, năm 2017, ông Kiên lại khiến khá nhiều người bất ngờ với kế hoạch kết hợp cùng Air Asia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á, để thành lập liên minh hàng không tại Việt Nam với tỷ lệ vốn góp 70 - 30 (Thiên Minh góp 700 tỷ đồng, Air Asia góp 300 tỷ đồng).
“Với số vốn pháp định tối thiểu là 1.000 tỷ đồng, thời gian đầu, chúng tôi sẽ đưa vào hoạt động 6 máy bay, sau 4 năm, số tàu bay sẽ tăng lên 30. Việc mua máy bay có thể sẽ “ngốn” hết vốn pháp định, nhưng vốn không phải là yếu tố duy nhất mang lại thành công”, ông Kiên nói.
Vietjet Air là ví dụ điển hình cho thấy, sự đầu tư nghiêm túc, cùng may mắn và thị trường thuận lợi sẽ mang lại thành công. Ông Kiên cho biết đã chuẩn bị cho kế hoạch “lấn sân” này trong 2 năm, mặc dù biết rằng, chọn con đường đầu tư vào hàng không cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận đối mặt với rủi ro.
Ông kỳ vọng, liên minh này sẽ bắt đầu có lãi ở năm thứ 5, nhưng cũng không phủ nhận kết quả kinh doanh thực tế có thể sẽ khác xa kỳ vọng. Trước đó, doanh nghiệp Hải Âu của ông bắt đầu cho lợi nhuận sau 2,5 năm thành lập, trong khi kỳ vọng chỉ là 1 năm.
Air Asia không phải là thương hiệu quá xa lạ, vì hãng này đã có mặt tại Việt Nam cả chục năm nay với các tuyến bay thẳng tới TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Nha Trang và sắp tới là Phú Quốc. Trong đó, với đường bay từ Bangkok đến TP.HCM, Air Asia đang chiếm vị trí số 1 trong việc đưa khách tới Việt Nam với từ 5-8 chuyến/ngày.
Theo nhận định của ông Kiên, sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Air Asia muốn tận dụng uy tín của Thiên Minh ở tính năng động, văn hóa trẻ, hiểu biết về thị trường du lịch. Thiên Minh cần ở Air Asia thương hiệu, hệ thống phân phối sản phẩm hiệu quả, kinh nghiệm trong vận hành, từ thuê máy bay, xây dựng quy trình đến phân phối sản phẩm.
Thừa nhận đầu tư hàng không có thể tiềm ẩn những rủi ro, nhưng ông Kiên cũng khẳng định, sẵn sàng chấp nhận vì sự đánh đổi là xứng đáng, nếu liên minh này có thể tạo ra một hãng hàng không tư nhân Việt Nam mạnh, với những lợi thế sẵn có từ hai phía đối tác.
Chat với CEO Trần Trọng Kiên:
Mục tiêu năm 2018 của ông là gì?
Mục tiêu rất rõ ràng, quý I tập trung các khách sạn hiện tại, quý II là quyết liệt với hàng không, quý III mảng trực tuyến và quý IV chính thức đầu tư mở rộng mảng khách sạn.
Kế hoạch năm 2018 là mở rộng dự án chuỗi khách sạn khác như xây dựng thêm khách sạn thương hiệu ÊMM tại Cần Thơ, mở rộng Ecolodge, Hòa Bình… Với 2 thương hiệu có sẵn là Victoria và ÊMM, chúng tôi đang tìm hiểu và sẵn sàng liên doanh, liên kết đưa nhiều thương hiệu mới tới Việt Nam như kết hợp với Tập đoàn Tui (Đức) cho ra đời thương hiệu Tui Cruise. Thị trường nước ngoài, Myanmar, Singapore, Hồng Kong, Nhật Bản… cũng là những điểm hấp dẫn để đầu tư.
Vậy còn kế hoạch kinh doanh, thưa ông?
Năm 2017, lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn là 600 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ năm trước). Với công ty có 1.150 tỷ đồng vốn chủ sở hữu thì lợi nhuận 600 tỷ đồng là tốt nhờ vào tăng năng suất và hiệu quả. Năm 2018, mục tiêu tăng trưởng của toàn Tập đoàn là trên 20%. Hy vọng năm 2019, khi những giá trị từ mở rộng khách sạn, liên doanh hợp tác và hàng không bắt đầu được tạo ra, thì mức tăng trưởng sẽ khả quan hơn.
Đâu là nét nổi bật trong văn hóa doanh nghiệp của Thiên Minh?
Kỷ luật, sáng tạo, chăm chỉ, bình đẳng và vui vẻ như bạn thấy đấy, khó có nơi nào nhân viên sau giờ làm việc có thể nhảy múa trước cửa phòng CEO như ở Thiên Minh.
CEO Trần Trọng Kiên sinh năm 1973, là bác sỹ đa khoa thực hành (Trường đại học Y Hà Nội), cử nhân tiếng Anh (Trường đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội), thạc sỹ quản trị kinh doanh, tài chính (Đại học Tổng hợp Hawaii, Hoa Kỳ).
End of content
Không có tin nào tiếp theo