Doanh nghiệp - Doanh nhân

CEO Tinovy kể chuyện khởi nghiệp thời trang

Tự nhận mình khởi nghiệp một cách tình cờ và may mắn, nhưng câu chuyện mà Hoàng Thị Nội, Giám đốc Tinovy chia sẻ lại không chỉ đơn giản như vậy. Dám nghĩ, dám làm, khao khát khẳng định dấu ấn riêng, không chấp nhận bỏ cuộc mới là những yếu tố để có ngày cô thợ may trở thành bà chủ chuỗi thương hiệu thời trang công sở.

Cô thợ may nuôi ước mơ thương hiệu riêng

“Tôi kinh doanh thời trang một cách rất tình cờ”, Minh, tên thường gọi của CEO Tinovy Hoàng Thị Nội, bắt đầu câu chuyện của mình như vậy.

Chị kể, hơn mười năm trước, gác lại ước mơ vào giảng đường đại học do điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, cũng như bao cô gái, Minh lấy chồng, sinh con.  Rồi chị mở một tiệm may nho nhỏ để mưu sinh, đây cũng là công việc chị yêu thích từ nhỏ.

Thời gian đầu, Minh nhận may gia công theo mẫu cho một số shop thời trang công sở tại Hà Nội. May nhiều cho khách, chị cũng mày mò sáng tạo một số mẫu mã mới chào bán thử qua một số shop thời trang. Lúc đầu, chị chỉ gửi bán vài bộ, cứ bán hết chị lại bắt tay vào cắt may vài mẫu khác.

 "Tôi đang tập bơi nên sẽ chọn nơi nước nông để tập, khi giỏi hơn, tôi mới bơi ra vùng rộng lớn, nước sâu".

Sản phẩm tự thiết kế được tiêu thụ nhiều hơn, cô gái trẻ nghĩ tới việc cần phải xây dựng một thương hiệu thời trang gắn với tên tuổi mình. Minh kể: “Vô tình một lần vào shop quần áo, tôi thấy chiếc áo mình may được gắn mác thương hiệu khác bán với giá khá cao so với giá nhập từ mình. Tôi tự hỏi: Tại sao mình lại không làm một thương hiệu riêng cho sản phẩm mình thiết kế, để mọi người biết tới sản phẩm của mình hơn và tự hào với sản phẩm đó, mà hiệu quả kinh tế cũng tốt hơn”.

Nghĩ là làm, dù không qua trường lớp về thiết kế, chưa biết việc xây dựng thương hiệu riêng về thời trang phải bắt đầu từ đâu, Minh vẫn quyết tâm, với ý nghĩ rằng cứ làm, nếu sai thì sửa rồi sẽ có ngày thành công.

Minh lùng sục các loại sách vở tham khảo về đặt tên thương hiệu. Nâng lên đặt xuống mãi, cuối cùng chị quyết định chọn cái tên Tinovy. Minh giải thích, cái tên này được ghép bởi những chữ đầu tiên của tên chồng, chị và con gái. Có thể cái tên Tinovy không thật kêu, nhưng với Minh, cái tên này mang nhiều ý nghĩa, bởi gia đình chính là những người đầu tiên ủng hộ Minh xây dựng một thương hiệu riêng.

“Tôi cho rằng, không một doanh nghiệp khởi nghiệp nào có thể có một cái tên nổi bật. Phải dần định vị được thương hiệu đó trong tâm trí khách hàng, để họ nhớ và trở nên quen thuộc”, Minh nói. Và thực tế, để cái tên Tinovy được nhiều người biết đến là một câu chuyện dài kỳ.

Nếu như trước đây, việc may gia công chỉ là làm theo mẫu các shop đặt, vải cũng do họ chọn và giao hàng là nhận tiền công thì đến khi triển khai thương hiệu riêng, Minh phải tự sáng tạo ra mẫu mã riêng, tìm đối tượng khách hàng riêng và đương nhiên phải phù hợp xu hướng thời trang chung.

 

"Điều tôi hạnh phúc nhất trong công việc hiện tại là không bị bó buộc về thời gian, làm chủ được thời gian của mình".     

“Tôi luôn có suy nghĩ rằng, mốt là một chuyện, quan trọng là mình phải cảm thấy thoải mái với những thứ mình mình mặc. Từ suy nghĩ đó, tôi dành thời gian trao đổi với bạn bè, người thân và cả những người tôi mới gặp đôi lần để hiểu mong muốn của họ và thiết kế ra những mẫu quần áo công sở vừa đảm bảo yếu tố thời trang, tôn vóc dáng người mặc, vừa cho người mặc cảm giác thoải mái”, Mình chia sẻ. Và những sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu Tinovy đến tay khách hàng thông qua chuỗi cửa hàng Việt Brothers.

Bước ngoặt từ cú vấp ban đầu

Việc phân phối sản phẩm mang thương hiệu Tinovy qua chuỗi cửa hàng Viet Brothers tương đối ổn định cũng là lúc Minh muốn thành lập một công ty riêng để quản lý và phát triển thương hiệu của mình. Ngoài ra, chị cũng muốn mở cửa hàng để phân phối trực tiếp sản phẩm đến tay các khách hàng quen thuộc.

Với chút vốn tích lũy được và tâm thế luôn tự tin, chị bắt tay vào triển khai ý tưởng mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, như rất nhiều startup, thiếu kinh nghiệm và kiến thức về quản trị, về thương trường, Minh nhanh chóng gặp rắc rối.   

“Sự tự tin thái quá, lại chưa được trang bị kiến thức và kế hoạch phát triển cụ thể khiến tôi như mối bòng bong trong giấy tờ, thủ tục, tiền bạc… và không có thời gian để tập trung vào thiết kế sản phẩm, mà giao cho người khác. Hệ quả là mẫu mã bị lai tạp, hàng bị trả lại rất nhiều. Khi nhận ra vấn đề thì tôi đã mất quá nhiều. Khi đó, tôi chỉ muốn buông bỏ tất cả. Thế nhưng, nghĩ về con gái, nghĩ về gia đình và công sức đã bỏ ra, tôi quyết định sẽ theo tới cùng”, Minh kể.

Dù không qua trường lớp về thiết kế, chưa biết việc xây dựng thương hiệu riêng về thời trang, nhưng Hoàng Thị Nội đã xây dựng lên thương hiệu thời trang công sở nổi tiếng Tinovy.

Và cơ may đã đến với Minh trong một lần chị tìm đến một đơn vị tư vấn. Đánh giá cao về năng lực và quyết tâm của cô gái trẻ, đồng thời nhận thấy tiềm năng của startups này, công ty không chỉ tư vấn giúp Minh về đường lối phát triển, về các quy trình thủ tục, mà còn sẵn sàng trở thành nhà đầu tư chiến lược, đồng thời cử người trực tiếp tham gia hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu của Tinovy với trục chính vẫn xoay quanh nhà sáng lập trẻ tuổi 9x.

 

Với sự hỗ trợ của nhà đầu tư chiến lược, hoạt động của Công ty nhanh chóng ổn định trở lại khi Minh được trở lại trực tiếp với khâu sản xuất. Sản phẩm được cải thiện, doanh số tăng, đơn hàng gia tăng chóng mặt. Bên cạnh đó, cửa hàng phân phối sản phẩm trực tiếp của Minh cũng chính thức được ra mắt tại Láng Hạ. Không lâu sau đó, 10 cửa hàng khác liên tiếp được mở ra ở nhiều tỉnh, thành phố từ miền Trung trở ra Bắc.

Đô thị lớn là thị trường đầy tiềm năng với các hãng thời trang, nhưng mức độ cạnh tranh cũng vô cùng gay gắt. Thay vì tập trung phát triển thị trường đô thị lớn, nơi mà các thương hiệu lớn đã khẳng định được chỗ đứng, Minh đi vào thị trường các tỉnh, thành phố đang phát triển, coi đây là bàn đạp để phát triển lâu dài.

“Tôi đang tập bơi nên sẽ chọn nơi nước nông để tập, khi giỏi hơn, tôi mới bơi ra vùng rộng lớn, nước sâu”, Minh ví von về lý do chọn phân khúc thị trường tỉnh lẻ.

Minh cho biết, mỗi cửa hàng đặt ra khách hàng mục tiêu và xây dựng chiến lược hậu mãi. Cùng với chăm sóc khách hàng là vấn đề chất lượng sản phẩm. Sau thời gian trực tiếp sản xuất, Minh nghĩ rằng cần phải đầu tư mạnh vào đội ngũ thiết kế riêng, xây dựng phòng kỹ thuật và đưa nhân viên kỹ thuật đến trực tiếp giám sát tại xưởng. Với những cửa hàng nhượng quyền, Tinovy vẫn quản lý chất lượng, 100% các tiêu chuẩn, có giám sát bán hàng, quản lý khu vực, đào tạo thực hành giám sát toàn bộ hệ thống.

Thị trường thời trang công sở đang có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhà thiết kế chuyên nghiệp, trong đó có những thương hiệu do nước ngoài đầu tư. Họ có lợi thế về mẫu mã, tiềm lực tài chính cùng chiến lược phát triển bài bản. Con đường Minh đi chắc chắn không chỉ có thuận lợi một chiều. Nhưng câu chuyện về lòng đam mê với thời trang, khát khao xây dựng thương hiệu thời trang riêng uy tín của CEO Tinovy là sự cổ vũ tính thần với nhiều người trẻ tuổi đang khát khao khởi nghiệp kinh doanh.  

 

Nên đọc
Theo Tinh Nhanh Chứng Khoáng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo