CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo: Từ khi khởi nghiệp đã xác định phải làm ăn lớn
Từ cô sinh viên khởi nghiệp với vốn liếng là chữ tín
Sinh trưởng trong một gia đình Hà Nội gốc, năm 17 tuổi, bà Thảo đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính và sớm nổi tiếng trong cộng đồng với bảng thành tích học tập xuất sắc và tài kinh doanh thiên bẩm.
Khi còn là sinh viên năm thứ 2, bà đã bước vào thương trường. Khi ấy thị trường Đông Âu thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm nên bà kinh doanh đủ thứ, từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, HongKong (Trung Quốc) sang Đông Âu. Đồng thời, bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị…
Vốn liếng của CEO Vietjet bấy giờ chủ yếu là chữ tín và sự lao động chăm chỉ của bản thân. “Khi thấy mình chăm chỉ và có trách nhiệm thì các đối tác phân phối lớn sẽ chọn là đại lý để phân phối hàng cho họ nên mình không cần phải có nhiều vốn. Do mình làm việc rất hiệu quả và trung thực, ví dụ thị trường giá cả hay biến động thì mình làm việc trung thực theo cách ngày nào giá bao nhiêu, và doanh thu ngày hôm đấy tương ứng với giá hôm đấy mình đều thông báo cho người ta rất cẩn thận, nên người ta có niềm tin, và thấy được làm việc với mình hiệu quả, doanh thu lợi nhuận đảm bảo tốt.”
Có một điểm đặc biệt sau này trở thành “đặc tính” kinh doanh của bà Thảo, đó là bà không có hứng thú “làm chuyện cò con”. Xưa đến nay bà chưa bao giờ làm nhỏ. Các công ty người ta chung nhau một container, thì bà phải làm một lúc cả trăm container. Hoặc nếu chở hàng bằng đường sắt, người ta chỉ dùng một toa tàu thì bà dùng đến cả đoàn tàu.
Nhờ khởi nghiệp thành công và có niềm tin, chỉ sau 3 năm khi mới 21 tuổi, bà đã có 1 triệu USD đầu tiên (thời đó là rất lớn) nhờ kinh doanh các loại hàng điện tử, máy văn phòng, máy fax và cao su tự nhiên. Với số vốn này, bà Thảo chuyển sang kinh doanh những mặt hàng công nghiệp như sắt thép, máy móc, phân bón và một số loại hàng hóa khác.
Khá kín tiếng nên thông tin về bà Thảo không có nhiều song chỉ cần nhìn lại con đường mà người phụ nữ này đã đi qua, ai cũng có thể cảm nhận được sự quyết liệt và nhạy bén trong kinh doanh. Không chỉ thế, ở cuộc sống thường nhật, được biết bà Thảo là người rất sôi nổi trong các hoạt động đoàn thể và từ thiện.
Đến nữ doanh nhân quyền lực làm thay đổi thị trường hàng không
Là CEO nữ hiếm hoi của ngành, bà Thảo được nhìn nhận là người đang “làm thay đổi thị trường hàng không”.
Kể từ khi “cất cánh” vào năm 2011, đến nay sau 5 năm, sự thay đổi lớn nhất mà bà Thảo tạo ra được trên thị trường là hiện thực hoá “giấc mơ” mọi người đều có thể tiếp cận với dịch vụ hàng không hiện đại. Theo thống kê chưa đầy đủ có tới 30% hành khách của Vietjet trong số 30 triệu hành khách đã chọn bay cùng hãng hàng không này 5 năm qua là hành khách lần đầu được đi máy bay.
Vietjet hiện có một đội tàu bay hơn 40 chiếc Airbus A320 và A321, vận hành trên 53 đường bay trong đó có 36 đường bay trong nước và 17 đường bay quốc tế, theo công bố của hãng này. Trung bình cứ hơn một tháng thì hãng này mở ra một đường bay mới và mỗi ngày, hãng vận hành trên 300 chuyến bay. Vietjet đang áp đảo thị trường nội đia và không chỉ đáp ứng nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không. Hãng tạo ra nhu cầu di chuyển bằng việc mở các đường bay giữa các thành phố nhỏ, như giữa Đà Nẵng và Cần Thơ, hay giữa Hải Phòng và Đà Lạt “tạo ra hành khách chứ không lấy hành khách của hãng khác”. Được biết, Vietjet đang vượt các hãng hàng không khác như các chỉ số về hiệu quả khai thác, nhân sự…
Bên cạnh đó, hãng còn có những hợp đồng lịch sử hàng chục tỷ USD như thuê, mua 100 tàu bay của Boeing trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam và hợp đồng mua hơn 100 tàu bay Airbus trong đó có 20 tàu bay trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Hollande đến Việt Nam.
Mặc dù CEO của Vietjet phủ nhận “Tôi chưa bao giờ ngồi đếm xem mình có bao nhiêu tiền” nhưng theo tính toán của Bloomberg, bà Thảo hiện có tài sản ròng vượt 1 tỷ USD và là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam.
Trước khi quyết định đầu tư vào hàng không, bà và các cộng sự đã nhìn thấy nhu cầu vận tải hàng không tại Việt Nam cũng sẽ giống như các thị trường quốc tế và có sự nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình phù hợp. “Tất cả đều là những mô hình vận chuyển hàng không đi theo hướng xã hội hóa rộng rãi, nó giúp cho việc đi bằng máy bay được đơn giản như xe buýt và taxi, thay vì quan niệm coi máy bay như cái gì đó rất xa xỉ. Thật ra máy bay cũng chỉ như bất kỳ loại hình vận chuyển nào khác. Nên mình muốn đem máy bay đến những nơi chưa phổ biến loại hình này”.
Mô hình hàng không bà Thảo kiến tạo và đang theo đuổi là một mô hình lai giữa giá rẻ và truyền thống, bà gọi đó là “hàng không thế hệ mới”. Cụ thể, Vietjet được quản trị theo mô hình quản lý chi phí vận hành khai thác sao cho tối ưu, trong đó gồm chi phí tàu bay, dịch vụ mặt đất, kỹ thuật, và chi phí về nhân lực, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí về con người. Song khác với mô hình giá rẻ, Vietjet có những dịch vụ riêng của mình, như dịch vụ skyboss có phòng chờ, xe đưa đón, thêm lựa chọn cho dịch vụ cao cấp trên chuyến bay để hướng đến đối tượng khách hàng rộng hơn, gồm khách hàng có khả năng chi trả cao.
Ngay cả mô hình tài chính của Vietjet cũng là mô hình tài chính táo bạo mà các hãng phát triển nhanh như AirAsia, Indigo và Lion Air áp dụng: đặt máy bay với số lượng lớn, đàm phán được các hỗ trợ kỹ thuật và giá tốt hơn so với các hãng khác, sau đó chuyển lại cho các công ty thuê mua tài chính và thuê lại máy bay từ các công ty này. Các chuyên gia cho rằng đây là mô hình tài chính hiệu quả, đảm bảo cho hãng có đội máy bay mới, đồng bộ mà không phải mang gánh nặng vay nợ.
Nhiều ý kiến cho rằng Vietjet đang đối mặt với cả thách thức trong thị trường nội địa và quốc tế, nhất là trong bối cảnh hạ tầng hàng không được cho là phát triển chậm và đối mặt với khả năng quá tải, tuy nhiên bà Thảo lại xem đây như là cơ hội. Bà cho biết Vietjet sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng sân bay nếu có cơ hội.
Việc tham gia vào thị trường quốc tế cũng sẽ thử thách năng lực điều hành của Vietjet. Hiện nay VietJet đang khai thác 18 đường bay quốc tế, đang chiếm khoảng 30% thị phần của các hãng giá rẻ trên những đường vé này. Bà Thảo tỏ ra hoàn toàn tự tin về khả năng phát triển trên thị trường quốc tế của Vietjet và đặt kỳ vọng trong tương lai sẽ bay trong tầm bán kính thị trường của 50% dân số thế giới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo