CEO Vietnam Airlines: "To rất nhiều lợi thế, nhưng sẽ bị đâm thủng bụng nếu không nhanh và không chịu thay đổi"
Cả Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Minh và CEO Nguyễn Trí Thành của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đều góp mặt tại sự kiện CEO Summit 2018 với nhan đề "Kỷ nguyên Kinh tế trí tuệ nhân tạo: Bài học từ các điển cứu Harvard và tinh hoa thế giới" do Vietnam Report phối hợp cùng báo Vietnamnet tổ chức mới đây.
Trước câu hỏi của một bạn trẻ về việc nên chuẩn bị như thế nào cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết: Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những cái mới của thế kỷ 21.
Nhưng theo ông Thành, rào cản không đến từ công nghệ, mà đến từ những cái truyền thống mang tính mặc định, giáo điều.
"Tôi nghĩ chúng ta là người Việt Nam với nhau, công nghệ thì có rồi, nhưng để phát huy được thì với văn hóa giáo điều phải break-through. Đây là vấn đề rất khó. Từ giáo dục mình nói rất nhiều, đi học cứ học thuộc, liệu có sáng tạo, có tranh luận cởi mở?"
"Giờ là giai đoạn mà chính tôi ngồi đây cũng nghĩ: Vietnam Airlines theo định nghĩa của các hãng hàng không thế giới là thuộc hãng hàng không truyền thống (Traditional full service), giờ có Low-cost (hàng không giá rẻ mà đại diện là VietJet Air - PV), có Hybrid Airlines (mô hình hàng không lai giữa Full service và Low-cost, đại diện là Bamboo Airways - PV). Mình làm thế nào?"
Ông Thành cho biết, mô hình Traditional của Vietnam Airlines định nghĩa về tiêu chuẩn "Business Class" (hạng thương gia), hay "Economy Class" (hạng phổ thông)… Nhưng với mô hình hiện đại, tất cả đã thay đổi: Phương thức bán mới, cách tiếp cận khách hàng mới, kể cả ý tưởng mới về máy bay, cái ghế, dịch vụ, kết nối…
"Tôi nghĩ quan trọng nhất là trí tưởng tượng của mình, nhưng phải có mục tiêu và làm sao để phát huy được. Và để chuẩn bị cho nó phải thay đổi văn hóa - đó là điều khó nhất. Và mới đầu phải nuôi dưỡng nó, tìm phương thức mới".
"Cái mạnh của các công ty Startup là tính linh hoạt rất nhanh. Người ta nói thời đại này là thời đại ông làm nhanh mới thắng, chứ không phải làm to mới thắng. To rất nhiều lợi thế, nhưng sẽ bị đâm thủng bụng nếu mình không nhanh và không chịu thay đổi. Người làm rất nhiều năm như tôi thực ra giờ lại trở thành bất lợi thế", ông Thành chia sẻ.
Và mỗi khi nghĩ đến cái gì mới thì ông lại nghĩ lại những chuyện cách đây 5-10 năm. Còn người trẻ, bản chất chưa cần "đổi" họ đã "mới".
Ông Thành sinh năm 1961, làm việc tại Vietnam Airlines từ năm 1991. Từ tháng 10/2008, ông giữ chức Phó Tổng Giám đốc và giữ cương vị Tổng Giám đốc Vietnam Airlines từ tháng 6/2016.
Ông Thành cho rằng sự sáng tạo và trí tưởng tượng là vô tận, mà với trình độ công nghệ thông tin ngày nay chúng ta có thể hiện thực hóa được.
Về việc ứng dụng công nghệ thông tin tại Vietnam Airlines, mặc dù không phải hãng sản xuất máy bay, nhưng các máy bay Vietnam Airlines đặt hàng đều có sử dụng công nghệ theo dõi tình trạng máy bay, động cơ đang hoạt động trong thời gian thực (real time), hàng triệu dữ liệu của động cơ tàu bay đều có hệ thống phân tích và cảnh báo, và vô vàn chương trình khác như hệ thống đặt giữ chỗ, hệ thống quản trị nhằm tối ưu hóa doanh thu...
Ông Thành cũng cho biết, trong 2 năm vừa qua, Vietnam Airlines tuyển khoảng 1.500 tiếp viên. Cách thức tuyển dụng chính là phỏng vấn, với những câu hỏi cốt lõi như học vấn, trình độ tiếng Anh.
Nếu như trước đây, trình độ tiếng Anh trung bình của tiếp viên Vietnam Airlines ở mức 500 điểm TOEIC, thì 2 năm vừa qua mức trung bình đã gần 700 điểm TOEIC.
"Quan trọng nhất là tuyển đúng. Tuyển nhầm rồi về đào tạo rất mệt", ông Thành cho biết. Quan điểm này khá tương đồng với quan điểm của TS Masahiro Fukuhara - Founder kiêm CEO Institution for a Global Society (IGS), đơn vị phát triển sản phẩm AI trong tuyển dụng nhằm giảm thiểu những thiên kiến của người trực tiếp tuyển dụng, cũng như giảm thiểu thời gian, chi phí đào tạo sau tuyển dụng.
Năm 2017, Vietnam Airlines đạt doanh thu hơn 83.000 tỷ đồng, gần gấp đôi doanh thu của hãng hàng không giá rẻ VietJet Air, nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt hơn 3.100 tỷ đồng, kém xa mức lợi nhuận trước thuế hơn 5.300 tỷ đồng của VietJet.
Năm 2018, Vietnam Airlines đặt kế hoạch doanh thu ở mức 97.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu khoảng 2.400 tỷ đồng, chỉ bằng 77% so với thực hiện năm 2017.
End of content
Không có tin nào tiếp theo