CEO Viettel chia sẻ cách trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu
Sáng 26/2, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã có phần tham luận tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội về câu chuyện cách mạng 4.0.
Cuộc cách mạng này, trong thời gian qua đã nhiều lần được nhắc đến bởi những tác động như vũ bão của nó đến mọi ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho cuộc cách mạng này đã trở thành vấn đề cấp bách.
Là một doanh nghiệp công nghệ viễn thông hàng đầu Việt Nam, ông Hùng đơn giản lý giải cách mạng 4.0 là "cái mới thay thế cái cũ" và quan trọng là người ta có dám làm, dám thay đổi hay không. Đó cũng chính là cách mà Viettel vận hành, biến đổi và đào tạo nhân lực.
"Từ tổng quát nhất để mô tả cách mạng 4.0 là làm ngược", CEO Viettel nói. Tức là làm ngược những cái chúng ta đang làm, ngược những gì chúng ta suy nghĩ. Cách mạng 4.0 mở ra cơ hội mới cho những suy nghĩ ngược dòng nhưng tạo kết quả bất ngờ, cơ hội cho người đi sau đột phá. Ông nhấn mạnh chỉ khi có những điểm đứt gãy như thế thì các quốc gia nghèo mới có thể vượt lên được, còn nếu cứ làm giống những người đi trước, mãi mãi thì sẽ không có cơ hội nâng thứ hạng lên.
"Công cụ 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho việc làm khác đi. 4.0 gắn liền với sự phá huỷ, sáng tạo mang tính phá huỷ. Do đó, với các quốc gia có quá khứ hoành tráng, nền tảng 2.0, 3.0 chắc chắn, họ sẽ không đủ can đảm để phá huỷ. Chỉ có ai không có gì mới dám làm", ông cho biết.
Theo đó, ông nhớ lại hơn 10 năm trước, khi Viettel vẫn còn là công ty nhỏ, với 2,3 tỷ đồng tiền vốn trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác đã có cơ sở hạ tầng hàng chục năm với số vốn lớn hơn gấp nhiều lần, ông Hùng đã đặt vấn đề với một giáo sư người Malaysia rằng Viettel đang quá khó khăn khi không có gì trong tay cả.
Vị giáo sư này đã cười và trả lời rằng Viettel đang có trong tay mọi thứ để thắng. Bởi lẽ khi có nhiều thứ trong tay, người ta sẽ sợ mất. "Điều đó là cái khai sáng Viettel", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói và cho biết đến nay, tập đoàn vẫn tiếp tục áp dụng câu nói đấy "Và khi thành công, chúng tôi lại tự biến mình về con số 0, vì chỉ số 0 mới có sức sáng tạo, ít khi là số 1".
Đối với việc đào tạo nhân sự cho cách mạng 4.0, CEO của Viettel cũng đưa ra một số triết lý "ngược" đã được tập đoàn áp dụng. Ví dụ, ông cho rằng nếu trước đây người ta học trước rồi mới làm sau thì nay phải ngược lại, làm trước mới học sau. Bởi nếu đào tạo cho một người chưa biết gì thì không khác "nước đổ lá khoai". Các em cần phải tự học, tự biết từ 70 – 90% thì mới có thể ngộ ra khi được giảng dạy.
Trước đây giáo viên là thầy thì nay giáo viên chỉ nên là huấn luyện viên, để học trò làm là chính. Việc giảng dạy nếu trước là dạy sâu chuyên ngành thì nay phải là đa ngành vì cơ hội nằm ở sự liên kết giữa các ngành.
Hay nếu ngày xưa coi cách giải quyết vấn đề là câu chuyện chính thì nay phải tìm ra được vấn đề, đấy mới là điểm mấu chốt...
Và dù đối với tư duy ngược, suy nghĩ ngược đến như thế nào thì CEO Viettel cũng nhấn mạnh hơn tất cả là luôn cần có sự cố gắng. Bởi để tiếp tục tồn tại, luôn cần đặt ra mục tiêu cao hơn, khó hơn. "Đó là những mục tiêu mà đa số mọi người nghĩ là không thể, chỉ có không thể mới tạo ra được sự khác biệt", ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo