CEO Wefit từng muốn bỏ học giữa chừng để khởi nghiệp
27 tuổi, Nguyễn Khôi là một trong những doanh nhân trẻ được Forbes vinh danh trong danh sách 30 nhân vật nổi bật dưới 30 tuổi; một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017 do Thủ tướng chính phủ trao tặng; Top 3 khởi nghiệp tiềm năng năm 2016 tại chương trình Start up Festival do VTV tổ chức…
Nguyễn Khôi là cái tên nổi bật trong cộng đồng startup công nghệ Việt Nam. Anh là người sáng lập kiêm CEO của Wefit, ứng dụng tập luyện fitness (thể dục) tại hàng trăm địa điểm.
"Tôi không có định nghĩa cụ thể về thành công, vì nếu cho rằng mình thành công, ngay lập tức bản thân sẽ không còn động lực để thúc đẩy và cố gắng", Nguyễn Khôi nói.
Wefit là ứng dụng kết nối các phòng tập với khách hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sử dụng. Ra đời tháng 6/2016, đến nay Wefit có hơn 6.000 khách hàng, 600 đối tác tại Hà Nội và TP.HCM. Hiện nay, mức tăng trưởng hàng tháng của ứng dụng của Wefit luôn đạt khoảng 40%.
"Đây không chỉ là câu chuyện kinh doanh, mà còn là khát vọng của chúng tôi với mục tiêu đưa công nghệ vào cải thiện chất lượng đời sống. Công nghệ số, ngoài là công cụ kiếm tiền, còn làm cho đời đẹp hơn, nhân văn hơn", CEO Wefit tâm sự.
Giấc mơ khởi nghiệp từ khi còn trên ghế nhà trường
Nguyễn Khôi nổi bật với tính cách tự lập. Từ nhỏ, anh đã có đam mê với lĩnh vực khoa học tự nhiên. Năm 17 tuổi, anh du học ngành Kỹ sư Máy tính tại Học viện Công nghệ Illinois (Chicago, Mỹ). Với tính cách sôi nổi, Khôi tham gia các câu lạc bộ công nghệ để trải nghiệm thực tế và trao dồi kiến thức.
Thời sinh viên, Khôi ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ. Năm thứ 3 đại học, anh từng có ý định bỏ học để theo đuổi đam mê. Xác định mục tiêu rõ ràng, Khôi xin thực tập tại các công ty công nghệ lớn như: Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Venture, VTC, Netlink để tìm hiểu về thị trường công nghệ Việt Nam.
Với mong muốn đưa công nghệ tiên tiến học được ở nước ngoài về phục vụ cho người Việt, Khôi từ chối lời mời làm việc tại những công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft và Nokia. Để hiện thực hóa giấc mơ, Khôi dành thời gian học thêm về kinh doanh, truyền thông, marketing.
Khởi nghiệp trong căn phòng nhỏ của gia đình
22 tuổi, Nguyễn Khôi trở về Việt Nam. Anh bắt đầu dự án startup đầu tiên mang tên Volcano, chuyên sản xuất các sản phẩm Mobile Apps và dự án Ontot. Tuy nhiên, dự án này không thành công như mong đợi. Nhóm khởi nghiệp của anh rơi vào bế tắc, nhiều bạn đã ra đi.
Nhớ lại những ngày đầu vất vả, chàng trai Hà Nội tâm sự, mẹ anh là người chăm lo từng bữa cơm cho nhóm khởi nghiệp. "Chúng tôi không có văn phòng, không có vốn để hoạt động. Cả nhóm chen nhau làm việc tại căn phòng nhỏ ở nhà tôi", anh kể.
Ngày làm việc của Khôi bắt đầu từ sáng sớm đến đêm muộn. Khởi đầu khó khăn nhưng anh thấy mình may mắn bởi luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình và bạn bè. Đó là động lực để anh bước tiếp trên con đường đã chọn và bỏ lại phía sau gánh nặng cơm áo gạo tiền.
"Kiên nhẫn và học tập từ thất bại rồi bạn sẽ thành công", CEO Wefit khẳng định.
Nguyễn Khôi và đồng đội nhận lời mời gia nhập Topica năm 2014. Trong hai năm theo đuổi lĩnh vực giáo dục, anh thành công với dự án Edumall, hệ thống siêu thị các khoá học trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á.
Tái khởi nghiệp thành công
"Tôi không có định nghĩa cụ thể về thành công, vì nếu cho rằng mình thành công, ngay lập tức bản thân sẽ không còn động lực để thúc đẩy và cố gắng. Vì vậy đây cũng chính là lúc tôi quyết định khởi nghiệp trở lại và cho ra đời Wefit", Nguyễn Khôi nói.
Ngày nay sức khỏe là ưu tiên hàng đầu của mỗi người. Tuy nhiên người Việt không có thói quen tập thể dục và cân bằng dinh dưỡng. Vì thế, anh muốn thực hiện một dự án thúc đẩy và giúp mọi người hình thành thói quen rèn luyện sức khỏe.
Quan điểm khởi nghiệp của Nguyễn Khôi luôn hướng đến mục tiêu đưa công nghệ vào cải thiện chất lượng đời sống.
"Tôi yêu công nghệ và mong muốn đưa công nghệ vào lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông. Giáo dục tôi đã đi cùng Topica, y tế thì chưa đủ chuyên môn. Vì thế tôi nảy ra ý tưởng ứng dụng công nghệ vào fitness", Nguyễn Khôi cho hay.
Người dùng tham gia vào Wefit có thể đi tập thỏa thích tại bất cứ phòng tập nào trong hệ thống. Hiện nay Wefit đã phát triển hệ thống lên đến 600 phòng tập với hơn 20 bộ môn như: Gym, Yoga, Boxing, Zumba... Đặc biệt họ chỉ thanh toán một lần duy nhất cho tất cả các phòng tập trong hệ thống Wefit.
Ngoài ra, ứng dụng Wefit còn có thêm những kênh thông tin về sức khỏe, dinh dưỡng, nhắc lịch tập để người dùng có thể chủ động cân bằng chế độ tập luyện và dinh dưỡng của bản thân.
Ứng dụng này ban đầu không được các phòng tập đón nhận bởi tâm lý chia sẻ khách hàng. Thực tế, các phòng tập chỉ có khách trong những khung giờ cố định và họ vẫn phải trả chi phí nhân viên, điện nước… vì thế, ứng dụng sẽ giúp lấp đầy khoảng trống, tối ưu hóa doanh thu.
Khó khăn tiếp theo là người dùng vẫn chưa quen sử dụng ứng dụng công nghệ vào việc tập luyện. Để xây dựng niềm tin với khách hàng, Wefit đã khảo sát và lựa chọn những phòng tập uy tín chất lượng tương đồng để người tập có được dịch vụ tốt nhất.
Tham vọng xây dựng hệ sinh thái phục vụ cộng đồng
Mục tiêu của Wefit không chỉ hướng đến những người đang tập mà cả người chưa tập. Ứng dụng này sẽ giúp họ giải quyết được bài toán thời gian, chi phí và địa điểm để luyện tập.
Chia sẻ về thành quả của Wefit, CEO Nguyễn Khôi tâm sự: "Chúng tôi còn chặng đường dài phía trước. Mục tiêu trước mắt vẫn là tập trung phát triển Wefit. Trong tương lai, tôi mong muốn xây dựng một hệ sinh thái các sản phẩm giúp người Việt nâng cao chất lượng đời sống".
Theo người sáng lập Wefit, quan trọng nhất với các startup chính là tinh thần không bỏ cuộc.
"Kiên nhẫn và học tập từ thất bại rồi bạn sẽ thành công", anh khẳng định.
Khôi và đồng đội ấp ủ giấc mơ xây dựng công ty unicorn (có giá trị vốn hóa vượt tỷ USD), đưa công nghệ Việt Nam sánh ngang với các nước trong khu vực và thế giới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo