Doanh nghiệp - Doanh nhân

Cha con đại gia Trầm Bê sở hữu bao nhiêu tài sản ở Sacombank?

(DNVN) - Chỉ riêng ông Trầm Bê đã sở hữu 27,650,619 cổ phiếu Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Báo cáo quản trị 2016 của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho thấy, tính đến 31/12/2016, ông Trầm Bê và các thành viên trong gia đình đang sở hữu gần 180 triệu cổ phần của Sacombank, tương đương với 9,512% vốn cổ phần của ngân hàng này.

Cụ thể, ông Trầm Bê sở hữu 27,650,619 cổ phiếu Sacombank, tương đương với 1,467%. Trong khi đó, 3 người con của ông Bê là Trầm Trọng Ngân sở hữu 89,162,687 CP (4,731%) , Trầm Thuyết Kiều sở hữu 27,046,050 CP (1,435%), Trầm Khải Hòa sở hữu 33,348,285 CP(1,769%).

Bên cạnh đó, nếu tính cả con rể của ông Bê là ông Lê Trọng Trí đang sở hữu 2,067,853% CP (0,11%) thì gia đình ông Bê đang sở hữu 179,295,494 cổ phần của Sacombank, tương đương với 9,512% vốn cổ phần của Sacombank.

Gia đình đại gia Trầm Bê.

Ngoài gia đình ông Trầm Bê, cơ cấu sở hữu vốn hiện tại của Sacombank gồm có Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nắm giữ 165 triệu cổ phiếu STB, tương ứng tỷ lệ 8,76%. Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn EXIM sở hữu 3,49% (65,7 triệu cổ phiếu).

CTCP Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu sở hữu 2,09% (39 triệu cổ phiếu), Quỹ đầu tư Market Vectors Vietnam ETF  sở hữu 2,05% (38,5 triệu cổ phiếu) và còn lại là các cổ đông nhỏ lẻ khác.

Trên sàn chứng khoán, ngày 24/2, cổ phiếu STB của Sacombank đã giảm sàn hết biên độ từ mức 11.050 đồng/cổ phiếu xuống còn 10.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ giảm 7%.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước ngày 24/2 đã phát đi thông báo về việc chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và người có liên quan tại Sacombank.

Thông báo cho biết, thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề nghị của hai ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định chấp thuận sáp nhập Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam (PNB) vào Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

 

Ngày 01/10/2015, PNB và Sacombank đã hoàn thành các thủ tục sáp nhập theo quy định pháp luật. Ông Trầm Bê và các tổ chức, cá nhân liên quan đã thực hiện ủy quyền quyền cổ đông (quyền biểu quyết và quyền đề cử) tại PNB/Sacombank/Sacombank sau sáp nhập cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước.

Tiếp tục triển khai thực hiện Phương án tái cơ cấu hai ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa (con trai ông Trầm Bê) cũng đã có đơn gửi Hội đồng quản trị Sacombank và Ngân hàng Nhà nước xin từ nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị Sacombank.

Trên cơ sở đề nghị của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa, xét thực tiễn quá trình triển khai Phương án tái cơ cấu PNB/Sacombank/Sacombank sau sáp nhập và các ý kiến chỉ đạo có liên quan của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, ngày 24/2/2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank.

Ông Trầm Bê và người có liên quan có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại tại Sacombank theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc chấm dứt vai trò quản trị điều hành đối với ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank nằm trong lộ trình và các giải pháp thực hiện Phương án tái cơ cấu Ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gắn với Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, Phương án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

 

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo Sacombank khẩn trương tổ chức Đại hội đồng cổ đông trong tháng 4/2017 để kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, ổn định tình hình tổ chức và phát triển hoạt động của Sacombank, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Nên đọc
Công Danh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo