Chàng trai bứt ra thành ông chủ từ ám ảnh 'bám váy mẹ'
Dưới đây là chia sẻ của anh Ngô Phương (35 tuổi), đang điều hành một công ty về thực phẩm và chung vốn với hai người bạn mở công ty du lịch tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Ngày xưa, tất cả những người từng biết tôi trước 18 tuổi đều nói rằng "Con trai mà suốt ngày bám váy mẹ". Thậm chí bạn ông anh trai còn nói: "Cả đời mày chỉ bám váy mẹ và ở sau lũy tre làng thôi".
Nhà đông con nhưng tôi là út nên được mẹ cưng chiều nhất. Tính tôi nhát, cái gì cũng mẹ, đi đâu cũng có mẹ đi cùng, ăn cũng chờ mẹ gắp cho. Tôi lại yếu, hay ốm nữa, chúng bạn phải làm đủ việc, còn tôi chỉ mỗi việc ăn học thôi mà chẳng nên hồn, thi đại học thì rớt lên rớt xuống.
Học xong phổ thông bạn bè không đi học thì chuyển qua đi làm hết. Tôi vượt vũ môn hai lần không được đành học nghề, nhưng theo trào lưu nghề nào hot nhất thì a dua học theo. Tôi học nghề cơ khí. Khổ nỗi dậy thì chưa thành công, dù cái tiếng ồm ồm mà cái thân hình thì lúc nào cũng như người suy dinh dưỡng. Tôi phải chia tay nghề đó tìm cái phù hợp.
Năm 21 tuổi tôi buông tay mẹ ra khỏi lũy tre làng. Lúc đầu nói đi chơi, xuống Hà Nội xin được làm thợ cơ khí rồi mới gọi về báo, Mẹ la quá trời luôn. Ngày ấy đi theo chúng bạn, thích cái gì là làm, không biết mình cần cái gì, mình là ai? Sống không mục đích, chơi vơi. Nhiều lúc tôi cũng muốn chạy về với mẹ, an phận sau lũy tre làng, ngồi không đã có mẹ nuôi, chẳng phải lo lắng gì nữa.
Nhưng cũng lúc ấy nghĩ lại những câu mỉa mai của mọi người, tôi lại cố bám trụ, bắt buộc phải thay đổi để hòa nhập.
Đầu năm 2015, sau chuyến ra đảo Lý Sơn chơi, tôi tình cờ đọc được bài viết của Tony buổi sáng trên mạng về cách làm tỏi đen. Tôi lấy số tỏi mua làm quà từ Lý Sơn về và thử làm theo cách của tác giả. Sau rất nhiều lần thử nghiệm thì cũng làm ra được sản phẩm hoàn thiện. Yêu thích các cuốn tác giả khuyên đọc, lúc đó tôi mới tìm ra đam mê cuộc đời mình.
Năm 2016 tôi quay lại đảo khảo sát vùng trồng tỏi, sau đó trở lại Sài Gòn bỏ công việc thợ điện tử gắn bó trong 5 năm. Một tháng sau đó tôi ra đây lập nghiệp.
Việc bỏ phố ra đảo xây dựng ước mơ của mình, 10 người biết thì 9 người can ngăn nói khùng nói dở, dân đảo còn bỏ xứ để vào đất liền sống, mình lại bỏ phố ra đảo. Nhưng lần này tôi biết mình không ngẫu hứng. Tôi đã nghiên cứu khá kỹ mới quyết định. Bao năm kinh qua nhiều công việc, sống nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người tôi đã có chút kinh nghiệm để xác định tiềm năng phát triển công việc của mình và nơi mình đến sống.
Năm đầu tiên khi chưa xong thủ tục để sản xuất, tôi đi bán trà sữa và bánh tráng trộn ở cầu cảng Lý Sơn để duy trì cuộc sống. Đến tháng 4/2017, tôi bắt đầu thành lập công ty riêng về thực phẩm và đầu năm 2018 cùng hai người bạn góp vốn thành lập công ty về du lịch (sau khi chúng tôi đạt giải nhì cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp 2017 của tỉnh Quảng Ngãi).
Nếu nói thành công bây giờ còn quá sớm, bởi tôi mới đang giai đoạn đầu của khởi nghiệp. Có điều tôi có xuất phát điểm là một chàng trai yếu đuối, không rời được mẹ, nhưng đến nay dù muộn đã tự lập và cuộc sống đang theo chiều hướng tốt lên.
Giờ mỗi lần về quê các dịp lễ Tết, tôi cũng gặp lại những người đã nói mình "cả đời chỉ bám váy mẹ ở sau lũy tre làng". Mọi người lại kêu "mày đi dữ quá, chẳng giống mày hồi nhỏ gì cả". Tôi cười nói: "Bị các anh chọc quê dữ quá, giờ em đi quen chân luôn rồi".
Đúng là phải đi mới biết được lũy tre làng ta nhỏ bé thế nào, thế giới bên ngoài rộng lớn có bao điều cần học. Đừng lãng phí tuổi trẻ ở nhà ăn bám bố mẹ. Hãy đi để còn được trở về.
End of content
Không có tin nào tiếp theo