Văn hóa

Chênh vênh nền điện ảnh Việt

Năm 2020, Việt Nam phấn đấu là nước có nền điện ảnh đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á và 10 năm sau (2030) sẽ là một trong những nền điện ảnh mạnh của khu vực châu Á.
(TNO) - Đó là những mục tiêu được đặt ra trong dự thảo đề án Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 do Cục Điện ảnh xây dựng. Buổi hội nghị góp ý cho đề án đã diễn ra hôm qua 25.6 tại Hà Nội, và sắp tới sẽ được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 28.6.
 
Mục tiêu không tưởng
 
Năm 1995, các nhà quản lý đã bắt tay xây dựng đề án quy hoạch ngành điện ảnh nhưng phải ngưng lại ngay sau đó. Từ năm 2009 - 2011, chiến lược phát triển điện ảnh được xây dựng nhưng cũng không thành công. Đến giữa năm ngoái, đề án mới tiếp tục và vừa được hoàn thành. Như vậy phải mất đến gần 20 năm, ngành điện ảnh mới vạch được ra con đường cần đi.
 
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thẳng thắn: “Bảy năm để điện ảnh Việt đứng đầu Đông Nam Á là việc không tưởng, thời gian đó chỉ kịp hồi sức. Cần hiểu khi mình bằng được họ lúc này, thì họ đã bỏ xa mình rồi”. Mục tiêu cần có tính khả thi chứ không phải để như giấc mơ không tưởng. Theo bà Ngát, điện ảnh Việt nên đề ra mục tiêu trước mắt là phải chiếm lĩnh được thị trường trong nước, tiếp đó đạt được các giải thưởng quốc tế và xa hơn là phát triển xuất khẩu phim.
 
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đưa ý kiến: “Chính thị trường sẽ tạo ra những nhà làm phim chuyên nghiệp, nhạy bén, quy trình sản xuất phim chuyên môn hóa cao”.
 
Tuy nhiên, đó chỉ là với  phim thương mại. Riêng phim nghệ thuật, phim tác giả, nhà nước phải là nhà tài trợ. Hơn nữa, để đi trên con đường dài và xa hơn, nhà làm phim cần môi trường sáng tạo thực sự tự do. “Nhà quản lý phải thay cách thức kiểm duyệt bằng phân loại phim”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kêu gọi.
 
Ranh giới giữa điện ảnh nhà nước và tư nhân đang được cố gắng làm mờ. Đã đến lúc phải tính chuyện hợp sức cùng nhau.
 
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc Công ty BHD e ngại: “Nếu không trợ giúp nhau, thì chỉ vài năm tới, nền điện ảnh trong nước sẽ không còn của người Việt Nam”. Các tập đoàn nước ngoài sẽ dần thôn tính các rạp chiếu và phim nước ngoài sẽ chiếm lĩnh hết thị phần. Nhà nước cần có chính sách bảo trợ việc phát hành phim trong nước với thời gian hợp lý giống như Hàn Quốc đã từng làm để thúc đẩy nền điện ảnh trong nước.
 
Để không đứng ngoài cuộc
 
Trên thế giới, hiện tại là thời của phim kỹ thuật số (KTS), trong khi Việt Nam chủ yếu vẫn áp dụng các kỹ thuật sản xuất phim nhựa. Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ câu chuyện buồn khi nhiều bộ phim Việt Nam không thể trình chiếu hay tham dự các liên hoan phim quốc tế chỉ vì kỹ thuật làm phim chưa được số hóa.
 
Chuyển sang môi trường KTS như điện ảnh thế giới là yêu cầu bắt buộc. Nếu đến năm 2020, quy trình sản xuất, phát hành phim tại Việt Nam mới hoàn thành việc số hóa sẽ là quá muộn. Phim được làm bằng KTS có thể phổ biến nhanh chóng. “Với công nghệ số, phim có thể được truyền qua vệ tinh, phim được mua chỉ cần một cú click chuột. Hơn nữa, KTS còn mang đến những ngôn ngữ biểu đạt mới cho điện ảnh. Nếu điện ảnh trong nước vẫn đi theo con đường phim nhựa thì sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi của thế giới”, nhà quay phim Lý Thái Dũng nói.
 
 
 
 
Minh Ngọc
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo