Chiếc chìa khóa mở túi tiền nhà đầu tư vĩ đại P.Fisher
Trong cuộc sống, một khi tìm thấy người phù hợp, chúng ta sẽ mong muốn gắn bó với họ đến hết phần đời còn lại. Trong đầu tư, Philip Fisher - cha đẻ của học thuyết tăng trưởng cũng đã tìm được “người bạn đời” của mình để gắn kết cho đến khi qua đời - cổ phiếu Motorola.
Cẩm nang định giá công ty
Philip Fisher (1907-2004) được xem là người tiên phong trong lĩnh vực đầu tư tăng trưởng, sáng lập thuyết đầu tư hiện đại và là một nhà đầu tư thành công. Ông còn được mệnh danh là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại. Chính “huyền thoại đầu tư” - tỷ phú Warren Buffett từng thừa nhận 15% chiến lược của mình là kế thừa từ Fisher.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 1928 tại trường kinh doanh Stanford nổi tiếng, ông thành lập Công ty Fisher & Company, một doanh nghiệp mà mọi sự tập trung đều hướng vào cổ phiếu tăng trưởng. Công ty của ông chưa bao giờ phục vụ nhiều hơn 12 khách hàng, và chính những khách hàng này đã giàu có hơn rất nhiều cùng với Fisher.
Phương pháp đầu tư của Fisher nghiêng về mặt định tính trong đầu tư. Bao gồm những yếu tố khó đo lường liên quan đến con người, hệ thống quản lý, thương hiệu và những lợi thế cạnh tranh trong dài hạn.
Lý thuyết đầu tư tăng trưởng này được ông gói gọn trong cuốn sách Common Stocks & Uncommon Profits (Cổ phiếu bình thường và lợi nhuận bất thường) được viết vào năm 1957. Học thuyết của ông đã trở thành một cẩm nang kinh điển dành cho những người “ngoại đạo” về việc định giá công ty dựa trên tiềm năng tăng trưởng của chúng.
Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc bỏ tiền vào một công ty, Fisher phải gặp cho bằng được ban quản lý của công ty. Nếu người quản lý chịu gặp ông, trả lời phỏng vấn của ông về công ty một cách suất xắc thì chắc chắn ông sẽ đầu tư. Một trong số nhiều câu hỏi hay và khó nhất mà Fisher thường sử dụng khi phỏng vấn các doanh nghiệp là: “Cái gì doanh nghiệp của ngài đang định làm mà những đối thủ cạnh tranh của ngài chưa làm?”.
Đây là câu hỏi sẽ giúp Fisher định hướng tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của công ty và câu trả lời từ phía lãnh đạo công ty là chìa khóa để mở túi tiền của ông. Thường thì người quản lý được hỏi sẽ gặp bối rối với nó, nhưng đến năm 1955, ông nhận được câu trả lời suất xắc từ một công ty không được Phố Wall đánh giá cao. Đó chính là Motorola.
Đi ngược đám đông
Những công ty được nhắm đến đều là đại gia mới nổi trong một ngành tăng trưởng bất kỳ, với tiềm năng phát triển ngắn hạn. Điều đó lý giải vì sao Phố Wall không chuộng cổ phiếu của Motorola, và vì thế cổ phiếu này được bán với giá thấp.
Hiện nay, Motorola là công ty lớn thứ hai thế giới về kinh doanh chất bán dẫn, chỉ sau Texas Instruments. Bên cạnh đó, công ty còn là gã khổng lồ trong lĩnh vực điện tử viễn thông, một ngành mà tương lai tăng trưởng rất sáng lạn.
Ngược thời gian, vào thời điểm năm 1955, khi Fisher bắt đầu mua cổ phiếu của Motorola thì công ty đang hoạt động trong ba lĩnh vực là ti vi, radio và chất bán dẫn. Và hoạt động kinh doanh ti vi của Motorola thì đang làm cạn kiệt lợi nhuận của toàn bộ phần còn lại của công ty.
Giới tài chính lúc ấy khi nghe về Motorola thì nghĩ ngay đến nhánh tivi, vì vậy đã bỏ qua lĩnh vực kinh doanh truyền thông rất quan trọng mà khi đó đang chiếm một nửa công ty.
Sự đánh giá ấy của các nhà đầu tư đã gây bất lợi cho Motorola trên sàn niêm yết. Nhưng nó lại mang đến cơ hội tuyệt vời cho Fisher sở hữu cổ phiếu Motorola với mức giá rẻ cùng với tiềm năng tăng trưởng dài hạn trong nghành truyền thông và chất bán dẫn.
Nhờ việc nghiên cứu và phân tích công ty bằng tư duy độc lập logic mà không bị số đông chi phối, Fisher đã có trong tay loại cổ phiếu mà giá của nó sau này luôn làm chao đảo chỉ số S&P 500.
Cổ phiếu Motorola là phần tài sản lớn nhất của Fisher, và mặc dù chúng đã tăng gấp 30 lần trong 20 năm kể từ khi mua, Fisher vẫn không bán ra.
Theo Doanh nhân Sài Gòn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo