Chiếc túi 3 tỉ đồng và sức cám dỗ “nguy hiểm” của… hàng hiệu
Đã nhiều lần, thế hệ những nghệ sĩ như NSND Đặng Nhật Minh, NSƯT Nhuệ Giang, NSND Bùi Bài Bình… khi chia sẻ về đời sống nghệ thuật ở Việt Nam đương đại đã từng bày tỏ, đôi khi, họ cảm thấy “khó hiểu”, “không thể giải thích”, thậm chí là… “bất lực” trước một xã hội- mà ở đó, nhiều giá trị vàng- thau đã đảo lộn, nhiều sự thật-giả như nhau, nhiều sự ồn ào- ầm ĩ bỗng trở thành thước đo để đánh giá độ nổi tiếng của một “ngôi sao” nào đó.
Từ bao giờ, một “hotgirl” có thể nổi tiếng sau một đêm chỉ với một chùm ảnh khỏa thân vừa đăng tải? Từ bao giờ, một cô gái có thể được săn đón chỉ vì… thừa nhận là gái bao và vì có một núi hàng hiệu đắt tiền do bạn trai mua tặng (không phải do lao động)? Từ bao giờ những chiếc túi hàng hiệu, những chiếc váy xa xỉ, những siêu xe, nhà lầu trở thành thông tin được săn lùng, trở thành thước đo giá trị, đẳng cấp của một “ngôi sao” và được mang ra so sánh giữa “ngôi sao” này với một “ngôi sao” khác? Từ bao giờ, việc phải đi “mượn”, đi “thuê” hàng hiệu trở thành một thứ mốt cần phải có để người đẹp A, người đẹp B sử dụng cho “bằng chị bằng em”? Từ bao giờ, việc phải có bằng được những món xa xỉ, đắt tiền mà không phải nhờ lao động đã trở thành mục đích sống của một bộ phận các cô gái trẻ (lại sẵn “chân dài”)?
Hàng hiệu giờ đã trở thành một thứ thông tin đắt giá như danh tiếng của bất cứ “ngôi sao” nào trong giới giải trí. Hàng hiệu gắn liền với… thương hiệu của một ca sĩ, một diễn viên, một người mẫu, một hoa hậu. Dư luận chỉ biết đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ chiếc siêu xe vài tỉ, nhà lầu dát vàng, chiếc váy vài trăm triệu đến chiếc túi xách tay cũng có thể lên tới hàng tỉ đồng của các “ngôi sao”.
Đời sống hào nhoáng, xa hoa, lộng lẫy ấy khác xa với đời sống của hàng mấy chục triệu người dân lao động đang sống, ở đây. Người ta không khỏi đặt câu hỏi, sự xa hoa- xa xỉ ấy từ đâu mà có?
Chia sẻ về câu chuyện “bóng tối phía sau sàn catwalk”, cựu người mẫu Thân Thúy Hà đã chia sẻ rằng, bản thân cô cũng “choáng” trước mức độ “khoe” đồ hiệu của các “ngôi sao” trẻ bây giờ. “Tôi thấy ai cũng có siêu xe, siêu nhà cả. Chuyện “khoe” hàng hiệu đã trở thành một thứ mốt, một sự đua đòi ngấm ngầm với nhiều cô gái trẻ. Và đứng trước sức cám dỗ của hàng hiệu, không ít cô gái sẽ sa ngã, sẽ dễ hư hỏng, dễ đánh đổi để có được”.
Thân Thúy Hà kể lại, thế hệ người mẫu như cô, như Xuân Lan… thời ấy, không biết đồ hiệu là gì. “Chúng tôi thời ấy chỉ chạy hon-đa ngoài đường, ăn ốc luộc ở vỉa hè, vô tư sống. Việc được lên trang bìa của một tờ báo là cả một sự nỗ lực, cố gắng không ngừng. Chúng tôi ngày ấy không dễ được lên báo như bây giờ. Cuộc sống hiện tại nhiều cám dỗ hơn, nhiều cạm bẫy hơn”- cựu người mẫu Thân Thúy Hà chia sẻ.
Cựu người mẫu Xuân Lan đưa quan điểm, thời của cô, không có internet, không các trang mạng phát triển rầm rộ, không có nhiều những cám dỗ vật chất “nguy hiểm” như bây giờ. Đời sống hiện đại đã có những bước đi rất xa, chính vì thế, nhu cầu của con người cũng lớn hơn, ham muốn vật chất nhiều hơn, đó cũng có thể là lý do khiến nhiều cô gái trẻ sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có được cuộc sống “hàng hiệu” nhanh hơn, nhiều hơn, dễ dàng hơn.
Thế mới biết, sức cám dỗ của hàng hiệu “nguy hiểm” đến mức nào.
Dư luận có nên vạch tội các “đại gia” ham của lạ? Dư luận có nên kết tội những cô gái trẻ dễ dàng đánh đổi mọi thứ để có tiền, có hàng hiệu tiêu xài?
Hay, lỗi chỉ tại chiếc váy hàng hiệu quá đẹp và lỗi tại chiếc siêu xe quá sang?
End of content
Không có tin nào tiếp theo