Chiêng Tha - nhạc cụ độc đáo của người dân tộc B’râu
Người B’râu coi Chiêng Tha là "vật chủ" kết nối giữa thế giới của dân làng với các thần linh trên cao. Bởi vậy, khi có những lễ hội quan trọng như: lễ đâm trâu, mùa giáp hạt, lễ mừng lúa mới... chiêng Tha luôn là linh hồn của lễ hội.
Chiêng Tha của người B’râu chỉ có độc nhất hai chiếc, gồm Chuar (vợ) và Jơliêng (chồng); cả hai đều không có núm (chiêng bằng), có kích cỡ khác nhau. Khi làm lễ gọi Tha về, thần Tha sẽ mời tất cả các thần khác về để cùng bảo trợ, phù hộ cho dân làng mùa màng tươi tốt, lúa nhiều, chăn nuôi thuận lợi…
Lễ gọi Tha to hoặc nhỏ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của làng, nhưng ít nhất cũng phải là một ché rượu và một con gà. Chủ lễ cắt tiết gà rồi xoa vào lòng chiêng theo vòng tròn nhiều lần, rót rượu đầu ghè mời chiêng uống và khấn thần linh bốn phương. Khấn xong, hai nghệ nhân được làng cử ra vào thực hiện việc mời Tha về.
Khi diễn tấu, hai chiêng được treo lên theo hướng úp vào nhau, cách mặt đất khoảng chừng 15 đến 20 cm. Cách diễn tấu chiêng Tha được coi là độc nhất vô nhị so với các loại cồng chiêng khác ở Tây Nguyên. Người B’râu gọi dùi đánh chiêng chồng (Jơ liêng) là dùi đực; dùi đánh chiêng vợ (Chuar) là dùi cái. Người đánh dùi cái thúc âm ở mặt chiêng, còn người đánh dùi đực thúc dùi vào lòng chiêng. Họ ngồi bệt xuống đất, hai chân duỗi thẳng, bàn chân nâng áp sát thành chiêng để ngắt tiếng, tạo âm sắc cho chiêng. Khi diễn tấu bao giờ chiêng vợ cũng lên tiếng trước, khi nhập được vào tiết tấu rồi chiêng chồng mới tham gia. Chiêng Tha nổi lên một, hai bài thì các chiêng khác mới được vào cuộc.
Trong thế giới tâm linh của người B’râu, chiêng Tha còn là đại diện cho sự lành-ác; sự đoàn kết và chia rẽ, khi chiêng bị bể hoặc nứt, vỡ chứng tỏ anh em trong gia đình đó không đoàn kết, đòi chia của cải của cha mẹ để lại. Chính bởi sự thiêng liêng của chiêng Tha mà không phải nhà nào cũng được thần Tha về ở. Mà chỉ những gia đình khi được thần Tha báo mộng cho gặp một bộ nia (dụng cụ để sảy lúa), một con ba ba thì mới được mời Tha về nhà. Tuy nhiên, không phải nhà nào mời là được luôn mà phải một hai năm sau mới mời về được. Để mời thần Tha về ở trong nhà, gia đình phải có của cải tương đương với 20-25 con trâu.
Qua đó, có thể thấy, những nhạc cụ này không chỉ chứng tỏ bản sắc văn hóa riêng biệt, đặc sắc không thể trộn lẫn của dân tộc B’râu mà còn góp phần làm phong phú, đa dạng nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Càng quan trọng hơn vì huyện Ngọc Hồi nằm ở vùng trọng điểm giao lưu kinh tế - văn hóa với hai nước bạn Lào và Campuchia. Nhận thức được điều này, UBND huyện Ngọc Hồi đã xây dựng Đề án đầu tư, bảo tồn và phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc B’râu. Trên cơ sở Đề án, Huyện ủy, HĐND – UBND huyện đã chỉ đạo Phòng VH&TT huyện phối hợp với các cơ quan, ban ngành triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc B’râu gắn với phát triển du lịch và đạt được những kết quả nhất định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Phản ứng của Hồ Ngọc Hà sau khi Minh Hằng lên tiếng về ồn ào 'chèn ép' năm trước
Triệu Lộ Tư tiết lộ phải dùng đến một loại thuốc để giữ tính mạng, tình trạng hiện tại ra sao?
Top 10 nam thần nổi tiếng hàng đầu năm 2024 do người đồng tính nam bình chọn
Hari Won từng muốn huỷ hôn Trấn Thành vì người này