Thị trường

Chính phủ tháo gỡ nút thắt trong tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước

(DNVN) - Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015, Chính phủ đã thống nhất cho phép áp dụng một số chính sách để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung các Nghị định có liên quan, Chính phủ đã thống nhất về chủ trương cho phép áp dụng phương thức thoái vốn tại doanh nghiệp cổ phần hóa chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán và chưa bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). 
Cụ thể, thoái vốn theo lô với các nguyên tắc: Bán đấu giá công khai; Áp dụng cho các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc không nắm giữ cổ phần chi phối; và không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai đối với các đợt bán đấu giá theo lô. 
Đấu giá công khai một phần số cổ phần dự kiến bán, dành phần còn lại (tối đa bằng 70% số lượng cổ phần dự kiến bán) để bán thoả thuận cho người lao động có cam kết làm việc lâu dài tại doanh nghiệp khi thoái vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa.
Để tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ còn thống nhất và cho phép doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa nhưng chưa có điều kiện phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) ngay, thì giá bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp bằng 60% giá khởi điểm theo phương án cổ phần hóa.
Chính phủ cũng thống nhất, chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa được trích theo hợp đồng đã ký và được để lại công ty cổ phần thực hiện bảo hành sản phẩm theo hợp đồng. trường hợp xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại doanh nghiệp khác được xác định thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán thì giá trị vốn đầu tư dài hạn được lấy theo giá trị xác định thực tế.
Nghị quyết cũng nêu rõ, việc xác định giá trị vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa vào một công ty cổ phần mà cổ phiếu của công ty cổ phần này đã niêm yết trên thị trường upcom (thị trường giao dịch cổ phiếu của Công ty đại chúng chưa niêm yết) không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước thời điểm tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp thì được xác định theo quy định tại Khoản 1, Điều 33 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ.
Chính phủ yêu cầu trong thời gian 60 ngày làm việc kể từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn thành việc lập báo cáo tài chính tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, đề nghị cơ quan thuế kiểm tra quyết toán thuế, thực hiện quyết toán, xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần và các tồn tại về tài chính cần tiếp tục xử lý.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu lựa chọn thuê tư vấn để xây dựng phương án thoái vốn; chi phí thoái vốn do chủ sở hữu quyết định và được trừ vào giá trị phần vốn nhà nước đã thoái, chủ sở hữu chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Chính phủ giao Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa và lựa chọn tổ chức đấu giá đối với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt như bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông... khi cổ phần hóa.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện các nội dung nêu trên, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 6/2015; tổng kết đánh giá sủa đổi, bổ sung các nghị định số 59/2011/NĐ-CP, 189/2013/NĐ-CP, 71/2013/NĐ-CP trình Chính phủ ban hành năm 2016.
Trước đó, theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, tính đến ngày 24/3/2015, cả nước đã thoái vốn được 4.937 tỷ đồng, thu về 6.978 tỷ đồng, bằng 1,42 lần giá trị sổ sách. Trong đó, lĩnh vực bất động sản là 2.690 tỷ đồng thu về 3.177 tỷ đồng (chiếm 45% tổng giá trị thu về từ thoái vốn); lĩnh vực bảo hiểm, tài chính là 613 tỷ đồng thu về 622 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp (DN) khác là 1.634 tỷ đồng thu về 3.187 tỷ đồng (việc bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ cao hơn 95% so với giá trị sổ sách, chiếm 45,6% tổng giá trị thu về từ thoái vốn).
Đơn vị thực hiện thoái vốn tốt được Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN nhắc đến đó là: Tập đoàn Viễn thông quân đội đã thoái 2.655 tỷ đồng thu về 3.169 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí thoái vốn 307 tỷ đồng thu về 1.068 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính viễn thông thoái 481 tỷ đồng, thu về 526 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực thoái vốn 588 tỷ đồng thu về 593 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thoái vốn 276 tỷ đồng thu về 802 tỷ đồng; tỉnh Bình Dương thoái 149 tỷ đồng thu về 159 tỷ đồng.
Về kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, theo kế hoạch năm 2015, cả nước cần hoàn thành cổ phần hóa 289 DN (chưa kể số sẽ bổ sung theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới). Tính đến ngày 24-3-2015, 289 DN nói trên đều đã thành lập Ban chỉ đạo. Trong đó, có 207 DN đang tiến hành xác định giá trị DN, 81 DN đã có quyết định công bố giá trị DN, 29 DN (3 tổng công ty nhà nước và 26 DN) đã cổ phần hóa. Những đơn vị thực hiện cổ phần hóa có kết quả cao là Hà Nội (14 DN), Tập đoàn công nghiệp Than- Khoáng sản (4 DN). Ngoài ra, đã bán 1 DN, giải thể 1 DN.

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo