Chính sách

Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2030: Phát triển thương hiệu hàng Việt

DNVN - Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây quan tâm đến những xu hướng mới trong kinh tế, thương mại quốc tế với mục tiêu phát triển bền vững, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu...

Giải bài toán nhân lực cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long / Đấu thầu thực hiện dự án: Số tỉnh có bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư còn khiêm tốn

Mục tiêu phát triển bền vững
Theo Bộ Công Thương, nhìn lại 10 năm thực thi Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá giai đoạn 2011-2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng chưa bền vững khi cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu còn chậm chuyển dịch, cán cân thương mại song phương với một số thị trường lớn chưa hợp lý; nền kinh tế chưa khai thác hết lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao.
Do vậy, Chiến lược xuất nhập khẩu cho giai đoạn mới có sự quan tâm đúng mức đến chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của phát triển xuất nhập khẩu. Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 (Chiến lược) được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19/4/2022 quán triệt chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng trong giai đoạn mới, quan tâm đến những xu hướng mới trong kinh tế - thương mại quốc tế như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...
Chiến lược có nhiều điểm nhấn quan trọng, cả về quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp thực hiện. Trong đó, quan điểm chiến lược nhấn mạnh yêu cầu phát triển xuất khẩu bền vững, đồng thời chỉ rõ các yếu tố để đạt được sự bền vững: hài hoà về cơ cấu, cán cân thương mại, về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, về công bằng xã hội, về bảo vệ môi trường. Chiến lược cũng đề cập vấn đề thương mại xanh, thương mại công bằng đang là mối quan tâm của các nước phát triểntrên thế giới.
Chiến lược đặt mục tiêu tổng quát là “Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”.
Có thể thấy, so với Chiến lược xuất nhập khẩu thời kỳ 2011-2020, mục tiêu Chiến lược không đặt chỉ tiêu con số cụ thể mà xác định mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững và là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Chiến lược đặt mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững.
Đối với mục tiêu cụ thể, bên cạnh các mục tiêu về tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu về quy mô và mục tiêu về cán cân thương mại, Chiến lược bổ sung mục tiêu về cơ cấu hàng xuất khẩu, cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu để cụ thể hoá quan điểm phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường.
Về định hướng chiến lược, Chiến lược xác định 3 định hướng lớn về xuất khẩu hàng hoá, nhập khẩu hàng hoá và phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Trong đó, chiến lược bổ sung định hướng phát triển thị trường nhập khẩu hàng hoá, đặt ngang tầm với nhiệm vụ phát triển thị trường xuất khẩu hàng hoá.
Chiến lược định hướng phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu; coi trọng vấn đề sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Chiến lược bổ sung định hướng “không khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; chú trọng đầu tư phát triển xuất khẩu các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.”
Nhiều giải pháp mới
Chiến lược tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính với nhiều điểm mới so với Chiến lược xuất nhập khẩu thời kỳ 2011-2020.
Cụ thể, điểm mới trong phát triển sản xuất là phát huy vai trò của địa phương trong lựa chọn loại nông sản thích hợp để hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực, nông sản đặc trưng, phát triển thương hiệu đi cùng với các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Với phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Điểm mới là các giải pháp xúc tiến nhập khẩu và việc xem xét hạ dần hàng rào bảo hộ, để tạo sức ép cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm giá thành, cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Ngoài ra, đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại phục vụ xuất nhập khẩu thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng. Đây là nhóm giải pháp mới so với Chiến lược thời kỳ 2011-2020.
Chiến lược bổ sung giải pháp: “Xây dựng, hoàn thiện các bộ chuẩn đầu ra trình độ trung cấp, cao đẳng cho nhân lực các ngành, nghề sản xuất hàng xuất khẩu theo hướng tiếp cận tiêu chuẩn các nước phát triển trên thế giới. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu từ khâu xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá và tạo việc làm.”
Chiến lược cũng bổ sung các giải pháp về xúc tiến nhập khẩu từ một số đối tác trọng điểm, thay vì chỉ theo hướng quản lý và kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu như trong các giai đoạn trước.
Thêm vào đó, chiến lược nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược, trong đó xác định cụ thể các nội dung nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan, thời hạn hoàn thành và nguồn lực thực hiện, ban hành vào đầu Quý III/2022.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm