Chính sách

Khởi động dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh

DNVN - Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (Logistics Competitiveness Index - LCI) Việt Nam 2022 đã chính thức được khởi động sáng 11/8. Là sáng kiến của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA), LCI sẽ là công cụ đắc lực để phản biện chính sách – một trong bốn trụ cột xây dựng nên hệ thống logistics Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Doanh nghiệp hết sức khó khăn, mệt mỏi về vấn đề đất đai / Từ 10/8: Các kho xăng dầu phải lắp đặt thiết bị đo tự động kết nối trực tuyến

Tại Lễ công bố khởi động Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh do VLA phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch VLA cho biết: LCI là chỉ số đo lường và đánh giá tốc độ phát triển, chất lượng, cơ sở hạ tầng, chính sách của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam về ngành kinh doanh dịch vụ logistics Việt Nam.
Với việc xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, LCI sẽ đem đến một bức tranh chung về ngành kinh doanh dịch vụ logistics tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Từ đó giúp hoạch định các chính sách nhằm phát triển ngành này tại các địa phương trên cả nước. Qua đó, tác động cắt giảm chi phí logistics, hỗ trợ phát triển sản xuất xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả.
LCI sẽ tìm hiểu và lý giải vì sao có sự khác biệt, chênh lệch giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam trong phát triển logistics phục vụ kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Theo ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch VLA, LCI sẽ đem đến một bức tranh chung về ngành kinh doanh dịch vụ logistics tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
"LCI là công cụ đắc lực để phản biện chính sách – một trong bốn trụ cột xây dựng nên hệ thống logistics Việt Nam. Cùng với tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, LCI sẽ được sử dụng để tham gia phản biện chính sách với chính quyền địa phương để cải thiện, phát triển ngành dịch vụ logistics phục vụ kinh doanh. Các nhà hoạch định chính sách trung ương tham khảo các chỉ tiêu của LCI làm tiêu chí đánh giá cho nhiều chính sách cải cách kinh tế", Chủ tịch VLA nhấn mạnh.
Cùng với tác động tích cực trong việc thay đổi công tác hoạch định chính sách liên quan nhằm phát triển dịch vụ logistics, về dâu dài, LCI sẽ góp phần tác động cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất xuất khẩu.
Ngoài ra, LCI góp phần tạo dựng hình ảnh và uy tín cho các địa phương cũng như Việt Nam trong việc tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; đồng thời, giúp các địa phương có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm, bài học thực tiễn tốt từ những nơi khác để áp dụng tại địa phương mình.
Con số và các đánh giá trong báo cáo chỉ số sẽ giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến LCI như là hỗ trợ quan trọng cho việc quyết định lựa chọn địa điểm và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Những năm vừa qua, ngành logistics đã có chỉ số cải thiện đáng kể. Trong đó, Chỉ số hoạt động logistic (LPI) của Việt Nam đứng thứ 39 trong 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khu vực ASEAN, chỉ số này của Việt Nam thậm chí còn lọt vào top 3 với số điểm là 3,27, thuộc top các thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng dao động từ 14-16%.
Ngành logistics đặt mục tiêu tới năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5 - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt 50 trở lên...

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm