Chính sách

Kiểm soát mô hình vận tải lợi dụng kinh tế chia sẻ hoạt động trái phép

DNVN - Đề xuất tại hội thảo “Mô hình kinh tế chia sẻ: Hiện trạng và đề xuất kiến nghị”, sáng ngày 10/11, đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ các mô hình vận tải lợi dụng kinh tế chia sẻ để hoạt động trái phép như xe ghép, đi chung, tiện chuyến… gây ra sự lộn xộn, bất bình đẳng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Cơ chế nào để quản lý mô hình kinh tế chia sẻ? / Bộ Công Thương sẽ phát triển hệ sinh thái hỗ trợ mô hình kinh tế chia sẻ

“Báo cáo tình hình 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ”, TS Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, kinh tế chia sẻ là một phương thức kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng.

Đó là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc sử dụng các nền tảng số. Khái niệm về kinh tế chia sẻ cũng không giới hạn ở những tài sản và dịch vụ được chia sẻ do không sử dụng hết công suất mà bao gồm cả những tài sản và dịch vụ được đầu tư để kinh doanh theo mô hình kinh doanh mới này.

Bản chất của mô hình kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh mới tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số (cụ thể là internet), qua đó tiết kiệm được chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số.

Các đại biểu tham dự hội thảo “Mô hình kinh tế chia sẻ: Hiện trạng và đề xuất kiến nghị”.

Tại Việt Nam, kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước nhưng có tiềm năng lớn. Một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện như dịch vụ vận tải trực tuyến từ năm 2014 (Uber, Grab...), dịch vụ chia sẻ phòng (cơ sở Airbnb), dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng.

Nhiều dịch vụ khác cũng đã xuất hiện như: du lịch (Triip.me), dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng (Rada); hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding).

“Quan điểm của Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ là không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ. Bởi vì kinh tế chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế”, ông Khôi cho biết.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, việc áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ đối với lĩnh vực vận tải hiện chưa đúng đối tượng. Điều này dẫn đến sự phát triển ồ ạt của các phương tiện vận tải trong khi chưa chuẩn bị đầy đủ hành lang pháp lý cũng như công cụ để quản lý.

Cùng với đó là phá vỡ quy hoạch vận tải của các địa phương, thất thu thuế, tạo ra tình trạng bất bình đẳng giữa các chủ thể tham gia kinh doanh vận tải. Làm cho hoạt động này nảy sinh nhiều biến tướng theo hướng tiêu cực.

Ông Hùng đề xuất, cần xác định những điểm nghẽn, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân đối với kinh doanh vận tải theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam thời gian qua.

“Cơ quan quản lý Nhà nước cần xác định rõ hơn các đối tượng đang kinh doanh và bản chất hoạt động để có định nghĩa rõ ràng về loại hình. Tránh tình trạng như các năm vừa qua, tồn tại 2 loại hình là taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ (mặc dù bản chất hoạt động là taxi 100%).

Cần kiểm soát chặt chẽ các mô hình vận tải lợi dụng kinh tế chia sẻ để hoạt động trái phép như xe ghép, đi chung, tiện chuyến... hoạt động gây ra sự lộn xộn, bất bình đẳng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách cũng như người lao động là lái xe”, ông Hùng đề xuất.

Đại diện cho Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Bình Minh đưa ra 5 giải pháp phát triển kinh tế chia sẻ bền vững. Đó là kinh doanh thương mại điện tử có trách nhiệm, hàng hóa có chất lượng và có truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường. Đào tạo kiến thức thương mại điện tử bền vững cho các doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, phối hợp nhiều công cụ số, phát triển các nền tảng kinh doanh số theo định hướng lành mạnh số. Đẩy mạnh chuyển đổi số các địa phương, thu hẹp khoảng các giãn cách số giữa các khu vực. Hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bà Đặng Thị Thùy Trang - Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam nhận định, hệ thống pháp luật điều chỉnh các hoạt động kinh tế chia sẻ trong ngành vận tải, giao nhận hiện nay chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là các quy định liên quan tới nền tảng số, cũng như vẫn còn tồn tại nhiều quy định hành chính cản trở kinh tế chia sẻ.

“Nhằm tiếp tục thúc đẩy để khai thác hết tiềm năng và lợi ích của nền kinh tế chia sẻ, cần có sự rà soát, xây dựng, điều chỉnh để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan”, bà Trang nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm