Nhận diện bức tranh quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam
DNVN - Theo TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam đã được cải thiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, bức tranh cải cách điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong nước có xu hướng chững lại từ năm 2020 đến nay.
Xây dựng xã thương mại điện tử: Lựa chọn địa điểm mô hình thí điểm trước ngày 10/12 / Sắp có khung giá điện cho các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp
Có dấu hiệu chững lại
Luật DN 1999 là nền tảng pháp lý tiên tiến khẳng định quyền tự do kinh doanh. Từ năm 2014, Luật Đầu tư ban hành Danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh và Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Hơn 20 năm qua với các dấu mốc cải cách đã củng cố, mở rộng và nâng cấp quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam.
Tại hội thảo “Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường” diễn ra ngày 6/12 tại Hà Nội, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Giai đoạn năm 2017-2019 có tới gần 40 văn bản của Chính phủ chỉ đạo về nội dung cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) nhằm tạo cơ hội và bảo đảm quyền tự do kinh doanh. Trong đó, Chính phủ yêu cầu cắt giảm 50% số ĐKKD.
TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM.
"Nếu nhìn vào số lượng DN thành lập mới có thể thấy sự thay đổi rất nhanh, cho thấy thủ tục về đăng ký thành lập DN, những cơ hội kinh doanh đã được mở ra. Điều đó một phần khẳng định quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam đã được cải thiện trong thời gian qua", bà Nguyễn Minh Thảo đánh giá.
Về số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong phiên bản của Luật Đầu tư năm 2014 có 267 ngành nghề, nhưng Luật Đầu tư năm 2016 còn 243 ngành nghề và đến Luật Đầu tư năm 2020 còn 227 ngành nghề. Như vậy, đã giảm về số lượng.
Tuy vậy, sức chống chịu của DN còn rất hạn chế bởi vì số DN dừng hoạt động có xu hướng tăng lên nhanh trong thời gian gần đây. Có nghĩa là mức độ rủi ro, an toàn trong DN là vấn đề còn phải suy nghĩ nhiều.
Từ năm 2020 đến nay, bức tranh cải cách ĐKKD thay đổi, động lực triển khai cải cách của các bộ, ngành dường như chững lại. Cũng có thể do tác động của dịch bệnh COVID-19 và những yếu tố khác khiến hoạt động cải cách trong nước có xu hướng chững lại và không có nhiều cải cách được ghi nhận.
Mặc dù đã giảm số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng khi rà soát sơ bộ 2 lĩnh vực, CIEM thấy rằng số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong danh mục của Luật Đầu tư 2020 ít hơn nhiều so với số lượng trên thực tế. Số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên thực tế gấp 3 lần số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định theo danh mục của Luật Đầu tư.
Vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định. ĐKKD thiếu cơ sở khoa học, ĐKKD không cần thiết.
Kết quả khảo sát PCI 2021 của VCCI cho thấy, 60,1% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức cho việc cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là 61,36%. Những phiền hà về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là nguyên nhân khiến 21,7% DN phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
Trong khi đó, hoạt động cải cách, thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại đã đạt kết quả nhất định, song vẫn còn nhiều bất cập, chưa theo thông lệ quốc tế. Chẳng hạn danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn rộng. Vẫn còn tình trạng chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Hồ sơ, giấy tờ thủ tục hành chính vẫn còn nhiều.
Còn nhiều dư địa để cải thiện
Từ góc nhìn bên ngoài đối với quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về xếp hạng năng cạnh tranh 4.0, ở trụ cột thể chế, Việt Nam đứng ở vị trí 94 - vị trí gần cuối bảng xếp hạng. Những vấn đề về minh bạch ngân sách, tham nhũng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, quyền tài sản, hiệu quả khuôn khổ pháp lý về giải quyết tranh chấp... không những không cải thiện mà còn thụt lùi về cải cách trong thời gian qua.
Về quyền tự do kinh doanh nhìn từ xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu của WIPO, dù xếp hạng chung ở mức rất cao (xếp thứ 48 trong năm 2022) nhưng các yếu tố tác động đến tự do kinh doanh như chỉ số chất lượng pháp luật, thực thi pháp luật và vai trò của thị trường rất thấp, còn nhiều dư địa để cải thiện.
Về trình độ phát triển thị trường theo xếp hạng tự do kinh tế của Quỹ Di sản văn hóa (Heritage Foundation) trong năm 2021, 2022 Việt Nam ghi nhận sự cải cách vượt bậc khi vượt qua thứ hạng 100 vươn lên vị trí 90 và 84 nhưng điểm số lại đi xuống.
"Điều đó cho thấy mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường dường như lại có xu hướng tăng lên. Điều này làm cản trở hiệu quả của thị trường, cản trở tự do kinh doanh của DN", chuyên gia đánh giá.
Bên cạnh đó, 1 chỉ số nữa đáng lưu tâm là chỉ số về chất lượng thể chế theo đánh giá của Fraser, Việt Nam ở vị trí 88. Đây là vị trí khá thấp và điều đó cho thấy chất lượng các quy định pháp luật của Việt Nam còn nhiều dư địa để cải thiện. Trong đó, chất lượng các quy định về kinh doanh ở vị trí 112 trong bảng xếp hạng. Tức là các quy định, yêu cầu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh với rất nhiều rào cản và có sự can thiệp rất lớn của Nhà nước.
Vấn đề về quyền tài sản là điểm nghẽn trong rất nhiều năm và trên các bảng xếp hạng thì quyền tài sản của Việt Nam luôn luôn ở vị trí rất thấp. Do đó, còn rất nhiều không gian, dư địa để thay đổi.
Cần cải cách thực chất
Từ việc nhận diện thực trạng cải cách điều kiện kinh doanh, chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp về cải thiện MTKD theo chương trình cải cách của Chính phủ. Trong đó chú trọng cải cách thực chất ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và ĐKKD. Coi trọng cải cách, đơn giản hoá, tạo sự minh bạch trong quy định, thủ tục; bảo đảm tính an toàn của MTKD, nhất là duy trì sự ổn định của chính sách.
Tiếp tục các giải pháp thúc đẩy thương mại phù hợp với thông lệ quốc tế tốt và yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do, chú trọng vào cải cách kiểm tra chất lượng và quản lý chuyên ngành.
Triển khai các giải pháp khắc phục bất cập do mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định pháp luật, nhất là lĩnh vực đất đai và xây dựng. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu; kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước; và triển khai triệt để dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Đặc biệt, cần thực hiện hiệu quả các hoạt động đối thoại với DN. Huy động sự tham gia của cộng đồng DN vào xây dựng chính sách. Bám sát các chỉ số quốc tế có uy tín để nhận diện khoảng cách, vấn đề và tạo áp lực, động lực cải thiện...
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo