Chính sách

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ trong kiểm toán dự án hợp đồng EPC

DNVN - Hầu hết các hợp đồng EPC (thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) tại Việt Nam được đàm phán và ký kết trên cơ sở hồ sơ thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư. Hai nội dung này chưa có độ chính xác cao khiến hoạt động kiểm toán dự án gặp nhiều vướng mắc.

Dịch vụ kế toán - kiểm toán Việt: Chạy đua về giá, chất lượng chưa được kiểm soát / Thanh tra các công ty chứng khoán, kiểm toán

Phát biểu tại Hội thảo "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC" ngày 2/11, TS Hà Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng EPC đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, cho nhà thầu và chủ đầu tư.

Hình thức hợp đồng này cho phép tận dụng được trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của nhà thầu khi thực hiện dự án, gói thầu.

Hội thảo "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC".

Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC vẫn còn bất cập, cơ chế chính sách liên quan còn chưa cụ thể hoặc chồng chéo khiến việc thực hiện các hợp đồng EPC còn nhiều khó khăn.

Các chủ đầu tư trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều dự án còn chậm tiến độ, công nghệ lạc hậu nên các dự án đầu tư theo hình thức EPC chưa phát huy được các lợi ích vốn có của hình thức này.

Nhiều dự án EPC do tổng thầu nước ngoài thực hiện rơi vào tình trạng phụ thuộc công nghệ nước ngoài, không phát triển được sản xuất vật tư, hàng hóa trong nước. Công tác giám sát, quản lý các dự án thực hiện theo hình thức EPC của nhà nước còn hạn chế.

“Những vướng mắc, bất cập trên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức EPC. Ngoài ra, việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các dự án này”, bà Dung nói.

Cơ sở ký kết hợp đồng EPC chưa chính xác khiến hoạt động kiểm toán dự án gặp nhiều vướng mắc.

Chia sẻ về bất cập từ các hợp đồng EPC, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V Lê Văn Duẩn cho biết, các hợp đồng EPC chủ yếu được sử dụng cho các công trình công nghiệp tại Việt Nam.

Đáng lưu ý, hầu hết các hợp đồng EPC tại Việt Nam được đàm phán và ký kết trên cơ sở hồ sơ thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư. Trong khi đó, hai nội dung này chưa có độ chính xác cao.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, hiện nay vẫn chưa có quy định pháp lý cụ thể về loại hợp đồng EPC mà mới chỉ một số quy định chung về quyền và nghĩa vụ của bên giao thầu, bên nhận thầu EPC; các nghị định về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng.

“Việc thực hiện hợp đồng EPC có thể đối mặt với tình trạng các điều khoản trong hợp đồng EPC được các bên hiểu và vận dụng khác nhau, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ và chất lượng công trình”, ông Ánh lo ngại.

TS Phạm Văn Khánh - Trưởng ban Kinh tế (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) khẳng định, vướng mắc lớn nhất trong việc thực hiện kiểm toán theo hợp đồng EPC là về vấn đề pháp luật.

Mặc dù các quy định pháp luật được ban hành tương đối nhiều, rải rác từ luật tới nghị định, thông tư, nhưng tồn tại cơ bản là thiếu đồng bộ, chưa kịp thời và thiếu hướng dẫn chi tiết.

Trong đó, đặc biệt là sự thiếu đồng bộ, chi tiết của các quy định liên quan tới quản lý hoạt động xây dựng ở bước lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, xác định điều kiện năng lực của nhà thầu tổng thầu EPC; xác định dự toán, giá gói thầu EPC; lựa chọn nhà thầu, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.

Để khắc phục bất cập trên của các hợp đồng EPC, ông Duẩn khuyến nghị cần đánh giá việc tuân thủ trong việc lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư và điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.

Bởi tổng mức đầu tư dự án lần đầu được lập, thẩm định, phê duyệt (từ hồ sơ thiết kế cơ sở và đơn giá vật tư, vật liệu, thiết bị) có thể chưa phù hợp, thiếu chính xác dẫn đến phải điều chỉnh giá trị nhiều lần.

Những thay đổi của Nhà nước trong chính sách tiền lương, trượt giá vật tư, vật liệu; thay đổi chính sách thuế giá trị gia tăng thiết bị nhập khẩu hoặc thay đổi tỷ giá phần vốn vay bằng ngoại tệ đều tác động lớn tới mức đầu tư dự án.

"Cần đánh giá cơ cấu nguồn vốn có đảm bảo theo quy định tại quyết định phê duyệt dự án hay không, có làm phát sinh các khoản vay nước ngoài do không đảm bảo cơ cấu tỷ lệ nguồn vốn hay không", ông Duẩn nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm