Chuyển đổi số

Dịch vụ kế toán - kiểm toán Việt: Chạy đua về giá, chất lượng chưa được kiểm soát

DNVN - Đề cập sâu đến vấn đề dịch vụ kế toán – kiểm toán của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyên gia Lê Nguyễn Nguyên, Trường Đại học Tài chính Kế toán cho rằng dịch vụ này còn chạy đua về giá, chất lượng chưa được kiểm soát.

AI, Blockchain và tương lai của an ninh mạng / 10 hoạt động bảo vệ an ninh mạng của "siêu hacker" Hiếu PC sau 1 năm trở về Việt Nam

Thiếu và yếu

Chuyên gia Lê Nguyễn Nguyên cho biết, ngành dịch vụ kế toán – kiểm toán của Việt Nam có sự phát triển được xem là vượt bậc. Trong số các công ty kế toán, kiểm toán được Bộ Tài chính cho phép kiểm toán tại các doanh nghiệp, có khá nhiều công ty được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp giấy chấp thuận kiểm toán các công ty chứng khoán, công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Hiện có 4 công ty kiểm toán 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam là Công ty KPMG, PWC, Grant Thornton, Ernst&Young với tổng doanh thu ngày càng tăng cao theo từng năm và khoảng 10 công ty kiểm toán, tư vấn tài chính của Việt Nam được các công ty kiểm toán quốc tế lớn công nhận là thành viên như Deloitte Viet Nam, A&C, U&I, UHY, ACPA, ACA Group, AC&C, Vietauditor, DTL…

Sự hiện diện của các công ty kiểm toán này tại Việt Nam đã thúc đẩy quá trình cạnh tranh hơn nữa giữa các công ty kiểm toán, buộc tất cả các công ty đều phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, các tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán – kiểm toán còn thiếu và yếu. Ngoài một số ít công ty kiểm toán tư vấn tài chính là thành viên hãng quốc tế và 100% vốn nước ngoài, thì đa số các công ty còn lại chưa bảo đảm được yêu cầu về chất lượng.

Dịch vụ kế toán – kiểm toán tại Việt Nam còn thiếu và yếu.

“Ngay cả các công ty kiểm toán, tư vấn lớn ở nước ta vẫn chưa theo kịp trình độ chuyên môn và chất lượng dịch vụ của thế giới. Số lượng các công ty cung cấp dịch vụ kế toán - kiểm toán đã tăng nhanh, đặc biệt là sau khi thực hiện Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự hạn chế về quy mô, kể cả vốn điều lệ đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh của các công ty, đặc biệt là các công ty của Việt Nam.

Chất lượng các dịch vụ kế toán - kiểm toán chưa được kiểm soát, có sự chạy đua về giá nên chưa thực sự đồng đều. Tỷ lệ kiểm toán viên hành nghề tại các công ty Big 4 chỉ chiếm khoảng 14,27% số lượng kiểm toán viên hành nghề toàn ngành”, ông Nguyên nhận định.

Cùng với đó, đội ngũ chuyên gia kế toán thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, trong khi công tác đào tạo cán bộ hầu như chỉ được quan tâm ở một số công ty lớn, còn ở các công ty nhỏ thì rất ít được đề cập đến do hạn chế về kinh phí, thời gian và chuyên gia giỏi.

Theo Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA), số lượng người Việt Nam có chứng chỉ kiểm toán quốc tế ACCA còn hạn chế, hơn nữa số lượng hội viên ACCA ở Việt Nam còn khiêm tốn, chỉ 800 người, rất thấp so với Singapore (8.000), Malaysia (11.000), Hồng Kông (18.000).

Mặt khác, các văn bản pháp lý thiếu sự thống nhất, đồng bộ, hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán chưa hoàn thiện, thiếu những quy định pháp luật cần thiết để kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán - kiểm toán.

Các loại hình dịch vụ kế toán - kiểm toán tại Việt Nam kém đa dạng, phân bố không đồng đều, chỉ tập trung ở thành phố lớn. Thực tế cho thấy tỷ trọng cung cấp dịch vụ kế toán - kiểm toán báo cáo tài chính vẫn chiếm số lượng khá cao. Các loại hình dịch vụ khác như dịch vụ tư vấn tài chính, tư vấn thuế còn thấp, đặc biệt là ở khối các doanh nghiệp trong nước.

Xét trên toàn ngành, hầu như ngành dịch vụ kế toán - kiểm toán chưa mang lại lợi nhuận cao.

Cẩn trọng an ninh mạng và thích ứng công nghệ mới

Chuyên gia Lê Nguyễn Nguyên đánh giá ngành dịch vụ kế toán – kiểm toán của Việt Nam còn nhiều thách thức về chất lượng. Đặc biệt, tính bảo mật của thông tin là một vấn đề quan trọng trong ngành dịch vụ này.

Với rất nhiều các sự việc gần đây xảy ra với các công ty, đặc biệt là các công ty chuyên cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Twitter, các thông tin cá nhân của những người sử dụng bị bán hoặc bị tiết lộ ra ngoài đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quyền riêng tư của người sử dụng.

Do vậy, cần phải có các quy định cũng như các biện pháp nhằm bảo vệ các phần mềm, phần cứng, dữ liệu của doanh nghiệp và khách hàng. Đây là một nguy cơ lớn mà các kế toán cần nhận thức được và chuẩn bị cho những vấn đề có thể xảy ra khi ứng dụng các công nghệ mới.

Dịch vụ kế toán – kiểm toán trong cách mạng 4.0 cần cẩn trọng an ninh mạng và thích ứng công nghệ mới.

Bàn về giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán – kiểm toán Việt Nam, ông Nguyên nhấn mạnh: Cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện các văn bản pháp lý trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cũng như chú trọng vấn đề an ninh mạng.

Các hội nghề nghiệp, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ mới phục vụ cho công tác kế toán - kiểm toán.

Đồng thời, người làm kế toán, kiểm toán cũng phải có sự thay đổi để thích ứng với công nghệ mới.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các kế toán viên, kiểm toán viên phải kiểm soát được toàn bộ các hệ thống tự động, hiểu rõ có những thủ tục kiểm soát nào đã được đặt sẵn trong hệ thống và còn thiếu những chốt kiểm soát nào, quy trình tự động nào”, ông Nguyên lưu ý.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm