Tìm giải pháp tăng cường công khai minh bạch ngân sách
DNVN - Theo kết quả khảo sát công khai ngân sách (OBS) năm 2021, Việt Nam đã có những thay đổi tích cực trong tiến trình ngân sách. Tuy nhiên, mức độ sẵn có của các thông tin ngân sách được công khai còn hạn chế và công chúng còn ít tham gia vào quy trình ngân sách.
Xây dựng "chỉ số xanh" cấp tỉnh cần gắn với tăng trưởng / Ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh tự chủ thức ăn chăn nuôi để giảm thiểu rủi ro
Kết quả chỉ số công khai ngân sách (OBI) Việt Nam năm 2021 do tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) công bố sáng 10/6, tại Hà Nội cho thấy: Điểm xếp hạng của Việt Nam trong khảo sát OBS 2021 ở cả 3 trụ cột minh bạch, sự tham gia của công chúng và giám sát ngân sách đều tăng 6 điểm so với OBS 2019.
Cụ thể, điểm xếp hạng OBI của Việt Nam năm 2021 đạt 44/100 điểm, tiệm cận với xếp hạng trung bình thế giới là 45/100 điểm, tăng 6 điểm so với OBI 2019, xếp hạng thứ 68 trên 120 quốc gia tham gia khảo sát OBS 2021, tăng 9 bậc so với OBI 2019. So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, điểm xếp hạng OBI 2021 của Việt Nam cao hơn Campuchia và Myanmar.
Việt Nam đã thực hiện công bố 7 trong 8 tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai theo như yêu cầu của khảo sát OBS.
Bà Ngô Minh Hương - Giám đốc CDI công bố điểm xếp hạng của Việt Nam trong khảo sát OBS 2021.
Các tài liệu ngân sách của Việt Nam trong khảo sát OBS 2021 đã được công khai đầy đủ hơn so với khảo sát OBS 2019. Điểm về mức độ đầy đủ của các tài liệu ngân sách đều tăng so với năm 2019. Báo cáo ngân sách công dân và Báo cáo ngân sách hàng năm (cuối kỳ) là hai tài liệu cải thiện nhiều nhất về nội dung công khai so với năm 2019. Với số điểm tăng tương ứng là 17 và 12 điểm.
Điểm xếp hạng về sự tham gia của công chúng đạt 17/100 điểm, tăng 6 điểm so với khảo sát OBS 2019. Điều này cho thấy vẫn mức độ sẵn có của các thông tin ngân sách được công khai còn hạn chế ở Việt Nam và công chúng còn ít tham gia vào quy trình ngân sách. So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, điểm xếp hạng về sự tham gia trong khảo sát OBS 2021 của Việt Nam cao hơn Thái Lan, Đông Timor Campuchia và Myanmar.
Điểm xếp hạng về giám sát ngân sách đạt 80/100 điểm, trong đó giám sát của Quốc hội đạt 75/100 điểm và giám sát của Kiểm toán nhà nước đạt 89/100 điểm. Điểm trung bình toàn cầu về giám sát ngân sách đạt 52/100 điểm.
Nhận định về chỉ số OBI 2021 của Việt Nam, bà Ngô Minh Hương - Giám đốc CDI cho biết: Công khai minh bạch ngân sách Nhà nước là phương pháp nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách của Chính phủ. Các tài liệu quan trọng về ngân sách đã được công khai rộng rãi hơn và đầy đủ hơn qua hai kỳ đánh giá OBS vừa qua.
Tuy nhiên, chỉ công khai chưa đủ, cần có cơ chế thường xuyên, chính thức để người dân tham gia trong quá trình ngân sách.
Do vậy, việc tham vấn về ngân sách được thực hiện bởi Chính phủ và cơ quan Quốc hội là cần thiết. Ngoài ra, cơ quan Quốc hội còn có thể thực hiện giải trình về ngân sách trước Quốc hội hoặc các hình thức đóng góp ý kiến trực tiếp và gián tiếp có sự tham gia ý kiến của cá nhân, tổ chức.
Để tăng cường công khai minh bạch ngân sách trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước và các Bộ, cơ quan Trung ương khác cần có lộ trình rõ ràng để đạt được những cải thiện bền vững, thực chất.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo